Máy bay Mỹ lần đầu tiếp nhiên liệu trên không cho tiêm kích Nga

14-11-2024 14:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong một sự kiện công khai lần đầu, máy bay KC-135 Stratotanker của Không quân Mỹ đã tiến hành tiếp nhiên liệu trên không cho tiêm kích Su-30MKM do Nga sản xuất.

Chiếc KC-135 thuộc Phi đoàn tiếp nhiên liệu số 141 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Washington, đóng tại căn cứ Fairchild, bang Washington.

KC-135 Mỹ tiếp nhiên liệu cho Sukhoi Su-30MKM. (Nguồn: The Aviationist)

Ngày 12/11, máy bay KC-135 đã tiếp nhiên liệu cho 3 chiếc Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia tại căn cứ RMAF Subang, Malaysia, trong khuôn khổ chương trình hợp tác Đối tác Nhà nước giữa hai nước.

Đây có thể là lần đầu tiên Không quân Mỹ tiếp nhiên liệu cho một loại máy bay chiến đấu do Nga sản xuất. Trước đó, năm 2019, một chiếc KC-135R của Không quân Pháp từng tiếp nhiên liệu cho Su-30MKI của Ấn Độ.

Kể từ năm 2017, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Washington đã duy trì mối quan hệ hợp tác bền chặt với Malaysia nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và tích hợp hoạt động.

Trong nhiệm vụ này, phi hành đoàn KC-135 đã sử dụng hệ thống tiếp nhiên liệu đa điểm (MPRS) để cung cấp nhiên liệu cho Su-30MKM của Malaysia.

MPRS sử dụng các vòi tiếp nhiên liệu gắn trên cánh, giúp tương thích với các máy bay trang bị đầu dò tiếp nhiên liệu IFR, khác biệt với cần tiếp nhiên liệu trung tâm mà các máy bay của Không quân Mỹ thường sử dụng.

Hệ thống này không chỉ phục vụ cho các máy bay của Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều nước đồng minh khác.

Malaysia là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á sử dụng máy bay chiến đấu Nga từ thập niên 1990.

Sau lô 18 chiếc MiG-29N vào năm 1995, Malaysia tiếp tục mua thêm 18 chiếc Su-30MKM vào năm 2007.

Mặc dù MiG-29N đã ngừng hoạt động từ năm 2015, Su-30MKM dự kiến sẽ được duy trì hoạt động đến năm 2035.

Những chiếc Su-30 này thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với máy bay của Mỹ và NATO tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hệ thống tiếp nhiên liệu đa điểm MPRS

Hệ thống MPRS cho phép máy bay KC-135 tiếp nhiên liệu cho nhiều loại máy bay khác nhau trong cùng một nhiệm vụ. Với các vòi tiếp nhiên liệu gắn trên cánh, MPRS có thể thực hiện tiếp nhiên liệu bằng phao, đồng thời vẫn giữ được khả năng tiếp nhiên liệu bằng cần.

Được phát triển từ năm 1994, hệ thống này đã được triển khai trong nhiều chiến dịch quân sự quan trọng, bao gồm Chiến dịch "Tự do Iraq".

Trước đây, KC-135 chỉ được thiết kế để tiếp nhiên liệu bằng cần, nhưng với thiết bị chuyển đổi BDA, nó có thể chuyển đổi sang phương pháp tiếp nhiên liệu bằng phao.

Tuy nhiên, với BDA, KC-135 chỉ có thể tiếp nhiên liệu cho một máy bay mỗi lần, kéo dài thời gian tiếp nhiên liệu.

Hệ thống MPRS khắc phục được điểm yếu này bằng cách bổ sung hai vòi trên cánh, cho phép tiếp nhiên liệu đồng thời cho hai máy bay nhỏ, đặc biệt là các máy bay chiến đấu cần tiếp nhiên liệu nhanh trong tình huống không chiến.

Việc vận hành MPRS đòi hỏi phi hành đoàn có tay nghề cao và chỉ một số ít phi hành đoàn của Mỹ được cấp chứng chỉ cho hệ thống này.

Do nhu cầu sử dụng MPRS thường cao hơn tại châu Âu, nơi tập trung nhiều đồng minh NATO, chỉ khoảng 10% lực lượng phi hành đoàn tiếp nhiên liệu hiện nay được đào tạo chuyên biệt cho MPRS.

Những phi hành đoàn này thường xuyên tham gia hỗ trợ các chiến dịch quốc tế như Enduring Freedom, New Dawn và Odyssey Dawn, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiếp nhiên liệu cho các máy bay của Hải quân, Thủy quân Lục chiến Mỹ và các đồng minh NATO.

UAV bí ẩn quấy nhiễu căn cứ quân sự Mỹ chứa máy bay tàng hình F-22 Raptor suốt 17 ngàyUAV bí ẩn quấy nhiễu căn cứ quân sự Mỹ chứa máy bay tàng hình F-22 Raptor suốt 17 ngày

SKĐS - Theo tờ Wall Street Journal, hồi tháng 12/2023, một phi đội máy bay không người lái (UAV) đã bay lượn quanh căn cứ Không quân Langley ở Virginia - nơi triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.


Xuân Minh
(Theo EurAsian Times, The Aviationist)
Ý kiến của bạn