Hà Nội

Máy bay MH370 bị không tặc tấn công và đang hạ cánh ở một nơi bí ẩn

23-04-2014 15:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đội Điều tra Quốc tế (IIT) đang cân nhắc khả năng điều tra tìm kiếm chiếc máy bay MH370 lại từ đầu, xem xét lại các giả thuyết khác như bị không tặc tấn công.

SKĐS - Thành viên của Đội Điều tra Quốc tế (IIT) đang cân nhắc khả năng điều tra tìm kiếm chiếc máy bay MH370 lại từ đầu, xem xét lại các giả thuyết chẳng hạn như máy bay bị không tặc và đã hạ cánh ở nơi khác, chứ không phải rơi ở Ấn Độ Dương, nhật báo New Straits Times (Malaysia) cho hay.

Một thành viên đội tìm kiếm quốc tế nhìn xuống mặt biển Ấn Độ Dương để tìm máy bay MH370 mất tích - Ảnh: Reuters

Nguồn tin từ IIT, hoạt động tại Kuala Lumpur, nói với New Straits Times rằng trong số các khả năng mà họ đang tập trung điều tra trở lại có giả thuyết chiếc Boeing 777 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã hạ cánh đâu đó, chứ không phải rơi ở Ấn Độ Dương.

“Chúng tôi có lẽ phải sớm hội ý lại với nhau để tập trung vào khả năng này nếu cuộc tìm kiếm không đưa ra được kết quả khả quan nào trong vài ngày tới… Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, cuộc tìm kiếm tại Ấn Độ Dương vẫn phải được tiếp diễn”, nguồn tin nói với nhật báo Malaysia.

“Khả năng MH370 đã hạ cánh đâu đó là có thể xảy ra vì chúng tôi đã không tìm ra bất kỳ mảnh vỡ nào có liên quan đến MH370. Tuy nhiên, khả năng một quốc gia nào đó giấu chiếc máy bay trong khi hơn 20 nước khác đang lùng tìm nó là điều vô lý”, theo nguồn tin của New Straits Times, nhật báo tiếng Anh lâu đời nhất Malaysia.

Nguồn tin của New Straits Times cũng thừa nhận rằng rất khó để xác định được rằng chiếc máy bay có rơi ở Ấn Độ Dương hay không, mặc dù các tính toán trước đó cho thấy hướng này.

Thành viên IIT còn nói thêm rằng IIT cùng với các chuyên gia thuộc Công ty quản lý vệ tinh Inmarsat (Anh) và Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không Anh (AAIB) đã dựa vào dữ liệu từ vệ tinh liên lạc Inmarsat, nhưng dữ liệu này lại không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về chuyến bay, chẳng hạn như hướng bay, độ cao và tốc độ.

“Vệ tinh liên lạc chỉ dùng để liên lạc… tên của nó đã tự giải thích như vậy rồi. Lý do mà các điều tra viên phải dùng đến một thuật toán mới để tính toán vị trí cuối cùng của MH370 là bởi vì đã không có hệ thống định vị toàn cầu nào theo dõi chiếc máy bay này khi hệ thống truyền tin của nó bị ngắt 45 phút sau khi cất cánh”, nguồn tin cho hay.

IIT đang xem xét đến khả năng huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ tìm kiếm tại Ấn Độ Dương, cũng như mở rộng thêm khu vực tìm kiếm vì các điều tra viên lo ngại rằng đội tìm kiếm quốc tế “đang tìm sai chỗ”.

“Chúng tôi không thể tập trung quá lâu vào một chỗ vì đại dương rất rộng lớn, mặc dù đội tìm kiếm đang lần theo các manh mối đã được phát hiện và phân tích”, nguồn tin nói.

“Sẽ là rất may mắn nếu chúng tôi tìm ra mảnh vỡ MH370 thông qua tàu ngầm tự hành Bluefin-21 (Mỹ)… Hiện không hề có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào và chúng tôi đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào các tính toán khoa học và cả những tín hiệu điện tử từ ngày đầu tiên”, New Straits Times dẫn lời nguồn tin cho hay.

Không phải nước nào có liên quan cũng chia sẻ thông tin radar

Một thành viên khác thuộc IIT nói với New Straits Times rằng chính phủ Malaysia đã nhờ các quốc gia có liên quan chia sẻ thông tin vệ tinh và radar nhằm cung cấp thêm manh mối về MH370 cho đội điều tra.

Nguồn tin từ IIT cho biết nếu những quốc gia được yêu cầu sẵn lòng chia sẻ thông tin thì IIT sẽ rất biết ơn.

Điều này cho thấy đội điều tra đã không nhận được 100% hỗ trợ từ yêu cầu chia sẻ thông tin về máy bay mất tích từ các nước, New Straits Times nhận định.

“Chính phủ Malaysia đã nhận được thông tin từ các cơ quan và quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, không phải tất cả thông tin đều được chia sẻ”, nguồn tin của nhật báo Malaysia nói.

“Chúng tôi chủ yếu được cung cấp các dữ liệu đã được chọn lọc… Dù đã nhận được dữ liệu thô từ vệ tinh Inmarsat và được phép phân tích chúng… nhưng cuối cùng thì nó còn tùy thuộc vào chúng tôi yêu cầu các quốc gia khác cho biết điều gì từ dữ liệu thô này”, nguồn tin cho hay.

Nguồn tin này cũng nói thêm rằng do dữ liệu thô có liên quan đến an ninh quốc gia của các nước được yêu cầu chia sẻ thông tin, nên chỉ có một phần dữ liệu radar và vệ tinh được các quốc gia này chia sẻ, khiến đội điều tra gặp khó trong việc xác định được điều gì đã diễn ra.

Do đó, đội điều tra buộc lòng phải dựa vào các phân tích dữ liệu thô thông qua các phỏng đoán.

Hoàng Uy

 

 


Ý kiến của bạn