Hà Nội

Máy bay dân dụng và tàu cao tốc vận chuyển tạng hiến

05-12-2017 19:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Với khẩu hiệu “Vì người dân, sự sống trước tiên”, Trung Quốc đã xây dựng một “tuyến đường xanh” phối hợp đa ngành, bao gồm cả hàng không dân dụng và tàu cao tốc để vận chuyển tạng hiến nhanh hơn, nhằm cứu mạng người bệnh.

Ngoài gắn liền với nguyên tắc hiến tạng tự nguyện, Trung Quốc còn làm cho hệ thống ghép tạng hoạt động tốt hơn trong suốt thập kỷ qua. Số lượng tạng hiến hàng năm ở Trung Quốc đứng đầu châu Á, và đứng thứ 3 trên thế giới. Số ca ghép tạng ở Trung Quốc đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Năm 2010, Trung Quốc khởi động chương trình hiến tạng thí điểm, và sửa đổi luật hình sự  năm 2011 để kết tội hành vi lấy tạng và buôn bán tạng bất hợp pháp. Năm 2013, Ủy ban Sức khỏe& Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (NHFPC) yêu cầu tất cả các tỉnh ở Trung Quốc phân bổ tạng hiến thông qua hệ thống dữ liệu chia sẻ trên máy tính để đảm bảo tính khoa học, công bằng và hiệu quả. Năm 2015, Trung Quốc ban hành hướng dẫn quốc gia về hiến tạng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và ủng hộ cho sự nghiệp trên.

Chuyến bay dân dụng đầu tiên ở Trung Quốc vận chuyển trái tim hiến từ Hàng Châu tới Vũ Hán.

Máy bay dân dụng và tàu cao tốc vận chuyển tạng hiến

Tháng 5/2016, một “tuyến đường xanh” vận chuyển tạng đã được xây dựng, nhằm để phân tuyến quy trình vận chuyển tạng dưới ý tưởng: “Vì người dân, sự sống trước tiên”, dựa trên sự phối hợp của đa ngành, trong đó bao gồm hàng không dân dụng và tàu cao tốc.

China Southern Airlines của Trung Quốc là hãng hàng không dân dụng đầu tiên mở “tuyến đường xanh” vận chuyển tạng, giúp cho việc ghép tạng có thể diễn ra một cách nhanh nhất. Hành khách mang theo tạng hiến có thể gọi 95539 để áp dụng dịch vụ “tuyến đường xanh” ở quầy làm thủ tục sân bay. Sau đó, bộ phận kiểm soát không lưu của sân bay có thể giúp hành khách qua quầy an ninh nhanh chóng và cất cánh nhanh nhất có thể.

Lần bay đầu tiên, nó đã giúp vận chuyển một trái tim hiến từ sân bay ở Hàng Châu tới sân bay ở Vũ Hán chỉ mất có 2 giờ và 15 phút vào ngày 8/5/2016. Chỉ mất có 5 phút để các bác sĩ làm thủ tục an ninh và check-in ở sân bay, tiết kiệm 30 phút so với hành khách thường và chuyến bay hạ cánh tại Vũ Hán sớm hơn 26 phút so với lịch trình. “Việc vận chuyển tạng là cuộc chạy đua giữa thời gian với sự sống.”, ông Tan Wangeng, giám đốc China Southern Airlines cho biết, và cam kết nguồn lực lâu dài để đảm bảo cho việc vận chuyển tạng nhanh nhất có thể. Nhiều tạng chẳng hạn như gan, không thể bảo quản lâu hơn 12 giờ, vì vậy thời gian vận chuyển tạng là vấn đề sống còn.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã làm thủ tục 2.950 ca hiến tạng, tăng 50% mỗi năm. Tỷ lệ hiến tạng trên 1 triệu dân đã tăng dần kể từ năm 2010, và giờ tỷ lệ cao hơn Nhật Bản và nằm trong Top 10 ở châu Á. Từ tháng 1-tháng 7/2017, có 2866 ca hiến tạng ở Trung Quốc.

Trung Quốc nằm trong Top 10 về tỷ lệ hiến tạng ở châu Á.


Cho tới nay, ở Trung Quốc, khoảng 10 nghìn người đã hiến 28 nghìn tạng thiết yếu sau khi họ qua đời. Trong năm 2016, tổng số người hiến tạng là 4080 người; trong khi so với số người hiến tạng vào năm 2010, con số này chỉ là 34.

Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ hiến tạng cao nhất thế giới. Năm 2016, tỷ lệ hiến là 43,4/triệu dân; trong khi Trung Quốc là 2,98/triệu dân.

Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về số lượng tạng hiến vào năm 2020

Ông Martin Manyalich, Chủ tịch Ủy ban Hiến tạng Quốc tế (ISODP) chia sẻ rất ấn tượng trước số lượng người hiến tạng tăng lên rất nhiều ở Trung Quốc và Trung Quốc nên cảm thấy tự hào vì điều này. Ông còn kỳ vọng rằng số lượng tạng hiến ở Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới vào năm 2020,  giúp cho một Trung Quốc khỏe mạnh hơn và đóng góp quan trọng cho thế giới. Ông Jose Nunez, cán bộ WHO về ghép tạng toàn cầu, cho biết Trung Quốc có những chuyên gia rất giỏi và công nghệ ghép tạng của Trung Quốc ngang bằng với bất kể nước phát triển nào trên thế giới. Ông Nunez cũng cho hay quy trình ở Trung Quốc an toàn, minh bạch và hoàn toàn phù hợp với y đức.

Ông Huang Jiefu, Giám đốc Ủy ban Hiến ghép tạng Trung Quốc (CNODTC) cho biết các chuyên gia ghép tạng của Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng góp nhiều hơn nữa cho sức khỏe của nhân loại. Ông Huang cũng là người đã giành Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Gusi (Gusi: cơ quan hàng đầu của châu Á nhằm tôn vinh những đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu). “Càng nhiều người sẵn sàng hiến tạng hơn ở Trung Quốc, sự tương trợ xã hội ở Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn”.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn