Đây là một bước tiến lớn, đánh dấu sự tham gia chính thức của Trung Quốc vào cuộc đua phát triển công nghệ máy bay chiến đấu tiên tiến.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc. (Nguồn: Mạng xã hội X)
Các video lan truyền trên mạng xã hội đã hé lộ những hình ảnh đầu tiên về máy bay bí ẩn này, được hộ tống bởi một chiếc J-20 hai chỗ ngồi – máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Những khung hình cận cảnh đã tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng, làm dấy lên sự tò mò và kỳ vọng trong giới quan sát quân sự.
Thiết kế cánh tam giác kép đầy táo bạo
Điểm đáng chú ý nhất trong thiết kế của máy bay trình diễn này là cấu hình cánh tam giác kép – một cấu trúc khí động học tiên tiến mang tính cách mạng. Với hai phần cánh có góc quét khác nhau, thiết kế này không chỉ tối ưu hóa hiệu suất ở tốc độ siêu thanh mà còn tăng cường khả năng cơ động trong không chiến tầm gần.
Cấu hình cánh tam giác kép đem lại sự ổn định vượt trội ở tốc độ cao, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát ở tốc độ thấp nhờ góc quét nhỏ hơn ở phần trước. Điều này giúp máy bay trở thành kẻ chơi trò "mèo vờn chuột" đáng gờm trong các trận không chiến hiện đại. Bên cạnh đó, thiết kế này còn giảm lực cản, tăng hiệu quả nhiên liệu và kéo dài thời gian hoạt động trên không – một lợi thế chiến thuật không thể phủ nhận.
Máy bay thế hệ thứ 6 của Trung Quốc được thiết kế để đạt mức độ tàng hình cao nhất. Hình dạng của cánh tam giác kép giúp phân tán tín hiệu radar, trong khi sự tích hợp liền mạch giữa cánh và thân máy bay giảm thiểu đáng kể tín hiệu radar phản xạ. Hệ thống quản lý luồng khí tiên tiến còn làm giảm lượng nhiệt tỏa ra từ động cơ, giúp máy bay gần như vô hình trước cả radar và cảm biến hồng ngoại.
Thiết kế không đuôi – bước đột phá mới
Máy bay trình diễn này còn gây chú ý với thiết kế không đuôi, điều chưa từng thấy trên các dòng máy bay chiến đấu hiện nay. Việc loại bỏ bộ ổn định thẳng đứng và ngang không chỉ giảm lực cản, tăng tốc độ, mà còn mở rộng phạm vi hoạt động.
Thiết kế không đuôi này dựa vào hệ thống fly-by-wire tiên tiến và khí động học thích ứng để duy trì sự ổn định, cho phép máy bay thực hiện các động tác cơ động cực kỳ linh hoạt.
Về mặt tàng hình, thiết kế không đuôi làm giảm bề mặt phản xạ radar, khiến máy bay trở thành một bóng ma trên bầu trời. Cùng với đó, việc giảm nhiễu loạn và quản lý nhiệt tốt hơn giúp máy bay khó bị phát hiện qua cảm biến hồng ngoại.
Sự kiện này là bước tiến mới nhất trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Washington tuyên bố đã có máy bay trình diễn thế hệ thứ sáu từ năm 2020, Bắc Kinh đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách.
Các nhà phân tích dự đoán rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc có thể đi vào hoạt động gần như đồng thời với Mỹ, chỉ chênh lệch 1 hoặc 2 năm.
Những thông tin tình báo cho thấy, vào tháng 1/2023, một thiết kế cánh tam giác kép không đuôi tương tự đã được phát hiện tại Viện Thiết kế 611. Điều này cho thấy, chuyến bay thử nghiệm ngày 26/12 có thể không phải lần đầu tiên, mà chỉ là lần đầu được ghi nhận công khai.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều là sự đổi mới. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng thiết kế này có thể là bản sao từ chương trình NGAD (Next-Generation Air Dominance) của Mỹ.