Theo Tổng giám đốc Alexander Mikheev, thị trường hiện tại có nhu cầu khoảng 40 chiếc, nhưng chưa có hợp đồng chính thức nào được ký kết.

Yak-130 có thể đạt tốc độ tối đa 950 km/h, trần bay thực tế là 12.500 m và phạm vi bay là 1.610 km, có thể mở rộng lên 2.265 km với bình nhiên liệu ngoài.
Yak-130M được thiết kế để đáp ứng nhu cầu vừa huấn luyện phi công vừa thực hiện nhiệm vụ tấn công nhẹ trong các cuộc xung đột cường độ thấp. Đây là một lựa chọn phù hợp cho những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế nhưng vẫn muốn sở hữu một nền tảng chiến đấu hiệu quả.
Những khách hàng tiềm năng bao gồm Lào và Myanmar, những nước này đã vận hành các phiên bản cũ của Yak-130. Ở châu Phi, Algeria từng mua Yak-130 trước đây và có khả năng sẽ xem xét phiên bản nâng cấp này.
Dù Rosoboronexport quảng bá mạnh mẽ Yak-130M, thực tế nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Hiện tại, chỉ có 3 nguyên mẫu đang được lắp ráp và thử nghiệm hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc phải mất một khoảng thời gian nữa trước khi máy bay có thể đi vào sản xuất hàng loạt.
Truyền thông Nga liên tục khẳng định Yak-130M sẽ là một cú hích xuất khẩu, nhưng giới phân tích vẫn đặt câu hỏi liệu có khách hàng nào thực sự cam kết mua hay không. Việc một số quốc gia "quan tâm" không đồng nghĩa với việc sẽ có hợp đồng chính thức.
Yak-130M là phiên bản cải tiến của Yak-130, với những nâng cấp quan trọng nhằm mở rộng khả năng chiến đấu. Máy bay được trang bị radar AESA BRLS-130R, giúp nâng cao khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu trên không và mặt đất.
Hệ thống vũ khí cũng được nâng cấp với tên lửa không đối không, vũ khí dẫn đường chính xác cùng tải trọng chiến đấu lên tới 3.000 kg. Hệ thống điện tử hàng không hiện đại cho phép nâng cấp dễ dàng, kéo dài tuổi thọ hoạt động của máy bay.
Ngoài ra, buồng lái kính và hệ thống phòng thủ President-S130 cũng giúp tăng cường khả năng sống sót trong chiến đấu. Nhờ những cải tiến này, Yak-130M không còn chỉ là một máy bay huấn luyện đơn thuần mà được kỳ vọng trở thành máy bay chiến đấu hạng nhẹ thực thụ.
Với nhiều nâng cấp, Yak-130M vẫn có những điểm yếu rõ ràng. Tốc độ dưới âm khiến nó không thể cạnh tranh với các tiêm kích hiện đại. Khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu cường độ cao cũng là dấu hỏi lớn. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng, dù linh hoạt và giá thành hợp lý, Yak-130M khó có thể thay thế được các máy bay chiến đấu mạnh mẽ hơn.
Phiên bản Yak-130 đã được nhiều quốc gia sử dụng với vai trò kép: huấn luyện và tấn công nhẹ. Một số nước đáng chú ý đã mua hoặc vận hành loại máy bay này như Nga, với khoảng 109 chiếc Yak-130 đang hoạt động để huấn luyện phi công.
Algeria đã mua 16 chiếc để nâng cao khả năng không quân. Myanmar sở hữu ít nhất 18 chiếc, sử dụng trong cả huấn luyện lẫn chiến đấu.
Ngoài ra, Yak-130 còn được đưa vào biên chế của Bangladesh, Belarus và Lào. Một số quốc gia khác như Syria, Kazakhstan và Mông Cổ cũng thể hiện sự quan tâm nhưng chưa có đơn đặt hàng cụ thể.