Thành quả lao động sau nửa ngày ngụp lặn dưới sông của một người dân Hải Châu. |
Khơi lại chuyện đau lòng của ngày Chủ nhật buồn ấy, ông Lê Văn Đình - Trưởng thôn Nam Châu (Hải Châu), trầm ngâm bảo, trước đây, gia đình ông cũng nhận thầu 1ha ở bãi ven sông Yên để nuôi ngao. Nhưng rồi ông phải chuyển nhượng cho người khác làm, bởi gia đình ông neo người, mà ông bận công việc thôn, xóm và hơn nữa bản thân ông cảm thấy mình không phù hợp được với nghề này, nên phải bỏ.
Dù không làm nghề nuôi ngao nữa, nhưng vị trưởng thôn này vẫn thành thật rằng, làm nghề nuôi thả ngao mà gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết, nguồn nước và giá cả, thì mỗi năm có thể kiếm được bộn tiền, làm giàu rất nhanh. Bình quân, mỗi ha ngao nuôi (nếu gặp thuận lợi), thì trong 1 năm người ta có thể thu về vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Cũng chính từ giá trị, lợi nhuận của nghề ngao lớn như vậy, nên nhiều người muốn tham gia.
“Khi phong trào nuôi ngao ở địa phương chúng tôi phát triển, chính quyền xã đã quy hoạch cụ thể để giao thầu cho từng hộ. Nhưng phần còn lại ở phía giữa dòng, hiện nay chưa ai quản lý.
Vì thế, vùng ấy là vùng tự do, là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Trong khi đó, một thực tế ở địa phương chúng tôi là dân làm muối, mà nghề muối bây giờ công lao động cực thấp, giá muối rẻ như bèo, dân làm muối không ổn định công việc nên nhiều người phải lao ra sông kiếm ăn.
Những con ngao của người dân Quảng Nham mò ở đáy sông. |
Người dân hai xã cùng ra đó khai thác con ngao, con cá tự nhiên, mạnh ai người nấy làm. Một số người có sức khỏe, kinh nghiệm thì ra đóng đáy, giăng lưới… khoanh vùng theo kiểu khai hoang, để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thế nhưng, phải là những người có “máu mặt”, mới có thể khoanh vùng “xí phần” được”.
Chống xưng vương, xưng bá vùng sông Yên
Rời xã Hải Châu, chúng tôi về xã Quảng Nham. Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham đã trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về vấn đề phức tạp của vùng nuôi, khai thác thủy sản ở sông Yên. Ông bảo, từ năm 2011 trở về trước, UBND xã Quảng Nham tổ chức cho các hộ dân đấu thầu vùng bãi bồi ven sông Yên để nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2012, chính quyền địa phương tổ chức cho 31 hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản theo Điều 80 Luật Đất đai, thời hạn 5 năm, với tổng diện tích 44ha. Còn phần ngoài bãi sông, chính quyền địa phương không quản lý. Chính vì vậy, một số hộ dân trong xã và nhiều người dân ở huyện Tĩnh Gia đã tự ý ra cắm cọc, thả luồng ra ngoài mốc giới đã được chính quyền địa phương cho phép hợp đồng, để “xí phần”.
Nhiều người dân ở thôn Điền, xã Quảng Nham (đề nghị giấu tên), bức xúc: “Chúng tôi là những người dân nghèo, nên phải bám vào sông để kiếm sống. Thế nhưng, khi chúng tôi ra ngoài sông mò ngao, thì bị một số người ở thôn Điền ra ngăn cản. Không những thế, khi thấy chúng tôi mò ngao trên sông (không thuộc vùng bãi thầu), họ còn gọi thêm cả một số người ở bên huyện Tĩnh Gia đến dùng hung khí đánh, chém chúng tôi. Họ cấm những người dân nghèo ở các thôn Điền, thôn Thanh, thôn Đông và thôn Hòa chúng tôi không được ra giữa sông mò ngao, bắt ốc nữa, nếu không họ sẽ giết.
Vì vậy, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người ấy lên UBND xã Quảng Nham”. Khi chúng tôi đang nói chuyện với người dân, thì một người đàn ông tiến đến ghé vào tai người dân đang nói chuyện với chúng tôi, nói nhỏ điều gì đó rồi bỏ đi. Bỗng dưng, người dân này im bặt và từ chối mọi câu hỏi của chúng tôi, rồi tìm cách thoái lui.
Về câu chuyện của những người dân nghèo bị cản trở, đuổi đánh khi bắt ngao trên sông, Phó Chủ tịch Lờ bảo rằng, việc đó là có thật, UBND xã nhận được đơn tố cáo của người dân và chính quyền cũng đã giải quyết xong việc này. Còn về vấn đề giải quyết tranh chấp vùng mặt nước giữa dòng sông, theo ông Lờ: “Chúng tôi sẽ đề nghị các cấp, các ngành liên quan cho phân định vùng mặt nước giữa dòng sông Yên. Cần có quy hoạch rõ ràng, dùng bản đồ địa chính phân định, dùng phao cắm mốc… để hai bên chính quyền (xã Quảng Nham và xã Hải Châu) có biện pháp quản lý, tránh tình trạng xảy ra tranh giành, xô xát của người dân 2 địa phương như vừa rồi”- ông Lờ nói.