Hà Nội

Máu thầy thuốc còn rơi đến bao giờ?

25-10-2017 14:18 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trong thời gian gần đây, liên tiếp lại dấy lên các vụ hành hung nhân viên y tế khiến cộng đồng và dư luận xã hội không khỏi bất bình, nhiều người đã đặt câu hỏi, bao giờ máu bác sĩ ngừng rơi???

Đã không còn là chuyện hiếm, việc bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ ở các phòng cấp cứu bị hành hung, tấn công bằng lời nói hay hành động thậm chí chuyện bác sĩ bị làm nhục xảy ra như cơm bữa. Đáng buồn là nhiều bác sĩ trở nên quá “quen” với những sự việc như vậy.

Một lần nữa, vấn đề an ninh bệnh viện và việc đảm bảo an toàn cho các bác sĩ lại được đặt ra.  Bởi trong một "xã hội thu nhỏ" ở bệnh viện, mọi việc đều có thể xảy ra, nhưng nó làm ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh của bác sĩ, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của cả bệnh nhân và bác sĩ khám chữa bệnh. Điều đáng lo nhất là nó tác động trực tiếp đến tâm lý, tinh thần, động lực và sự tận tụy của các nhân viên y tế.

Bác sĩ Trần Văn Sơn đang điều trị tại bệnh viện

Kể lại sự việc mà mình được chứng kiến trong vụ hành hung bác sĩ Trần Văn Sơn, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cuba, Đồng Hới, Quảng Bình tối 23/10, bác sĩ CKII Trần Ánh Dương, BV hữu nghị Việt Nam Cuba viết: Nhận được điện thoại của trực lãnh đạo, lập tức sau vài phút mình có mặt tại khoa Cấp cứu. Cảnh tượng diễn ra trước mắt khá bất ngờ vì đồng nghiệp của mình máu me đầy mặt và bên cạnh là hai bệnh nhân  trong tình trạng chấn thương vùng mặt, mắt... Kíp trực hội chẩn cấp cứu gồm nhiều chuyên khoa từ Chấn thương, Thần kinh, Tai- Mũi- Họng, Mắt, Răng- Hàm- Mặt..., bác sĩ xác định đồng nghiệp của mình bị chấn thương sọ não, mắt trái tổn thương rách mi trên, tách lớp giác mạc, xuất huyết tiền phòng độ III. Hai bệnh nhân còn lại, một bị gãy hở hai xương cẳng chân phải, một bị chấn thương sọ não, mắt phải rách mi trên phức tạp, xuất huyết tiền phòng, vỡ thành trong và thành dưới hốc mắt, gãy xương chính mũi... Kíp trực nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cả 3 trường hợp. Riêng bệnh nhân vỡ xương hốc mắt phức tạp sau khi xử lý ban đầu ổn định chuyển tuyến trên điều trị tiếp.

Vụ tai nạn giữa ô tô và một xe máy sẽ không có gì đáng nói nếu không xảy ra vụ việc tấn công cả bác sĩ và người đưa nạn nhân vào viện cấp cứu. Bác sĩ Dương kể, một anh chở con nhỏ trên đi ô tô vô tình va quệt với một người đi xe máy, sau tai nạn anh đi ô tô xuống xe thấy anh kia bị thương lập tức anh ta đưa lên khoa Cấp cứu Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Tại đây, người bị thương gọi bạn bè đến. Bạn bè của anh ta đánh đã man người gây tai nạn. Theo lời kể của nhiều nhân chứng, họ dùng chân mang giầy đá, đạp vào đầu, mặt và ngực làm anh nằm bất động trên sàn nhà, đứa con nhỏ bên cạnh khóc thét. Bác sĩ Trần Thanh Sơn đang trực cấp cứu thấy sự việc chạy đến can ngăn thì ngay lập tức bị nhóm người này đánh gục tại chỗ. Bác sĩ trực lãnh đạo nhanh chóng có mặt tại hiện trường cũng bị nhóm côn đồ này chuẩn bị đánh nhưng sự việc không xảy ra do bảo vệ đã có mặt.

Chia sẻ về việc bạo hành nhân viên y tế xảy ra “như cơm bữa” tại  Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Ngô Đức Hùng viết, trong tua trực của mình khi đang cấp cứu cho bệnh nhân  trong bệnh phòng. Bệnh nhân rất đông, người nhà lộn xộn nên bảo vệ mời người nhà ra ngoài cho các bác sĩ làm việc, khi cần thì gọi loa. Thế mà người nhà chửi bới bảo người nhà họ bị nặng thế chúng mày không cho ở đây thế giết người à. … Một lúc sau, người nhà khác của bệnh nhân vào xin lỗi và bảo người nhà tôi lo lắng quá nên mất kiểm soát.

BS Sơn sau khi bị hành hung

Kêu gọi bảo vệ thầy thuốc có phải là cách "trị” nạn hành hung?

Ngay sau những sự việc hành hung nhân viên y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát đi lời kêu gọi bảo vệ thầy thuốc, trong đó lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.  Trong đó, Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hà Tĩnh và Quảng Bình có hình thức xem xét, xử phạt thích đáng với người gây bạo lực, kêu gọi cộng đồng và cơ quan báo chí "lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế". Tổng Hội Y dược học Việt Nam cũng ra văn bản  yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình xử lý nghiêm các đối tượng hành hung cán bộ y tế, tăng cường an ninh bệnh viện.

Bác sĩ CKII Trần Ánh Dương, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cuba, Quảng Bình băn khoăn, nạn hành hung nhân viên y tế liên tục xảy ra trên cả nước, một số vụ được xem nhẹ, chỉ phạt một ít tiền (vụ đánh nhân viên y tế tại Bệnh viện 115- Nghệ An), thì thử hỏi chúng tôi có dám đưa tính mạng mình để ra cứu người khác trong khi tính mạng của mình không được ai đảm bảo. Bác sĩ Dương đề xuất, Quốc hội nên đưa vào luật, hành vi bạo hành nhân viên y tế nên được xem  là chống đối người thi hành công vụ như một số ngành khác.

Những sự việc bạo hành đối với bác sĩ và nhân viên y tế trong thời gian qua đã gây hoang mang rất lớn với cán bộ y tế cả nước, xói mòn niềm tin, sự tận tụy cần có của những người mang trong mình sứ mệnh cao cả là “cứu người”, một lần nữa xin đừng để các y bác sĩ phải “đơn thương độc mã” trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân mình.


Hải Yến
Ý kiến của bạn