Hà Nội

Màu sơn mới Nhà hát Lớn Hà Nội Ðừng vội quy chụp

29-07-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những ngày vừa qua, khi chứng kiến Nhà hát Lớn Hà Nội - công trình di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia được sơn màu mới, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng vì gam màu...

Những ngày vừa qua, khi chứng kiến Nhà hát Lớn Hà Nội - công trình di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia được sơn màu mới, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng vì gam màu... lòe loẹt không đúng với diện mạo vốn có. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng Ban Quản lý Nhà hát Lớn đã tùy tiện sơn lại công trình mà không tham vấn Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội. Trước những ý kiến trên, Bộ VH-TT&DL mới đây đã lên tiếng.

Chưa là nước sơn cuối cùng

Trước đó, từ 20/7, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cho sơn lại màu của Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, khi người dân và giới chuyên gia nhìn thấy màu sơn mới của nhà hát thì công trình kiến trúc này được phủ lên màu vàng chói lóa. Một chuyên gia kiến trúc hàng đầu Việt Nam cũng là người trực tiếp chủ trì việc trùng tu Nhà hát Lớn lần đầu tiên năm 1996, GS. Hoàng Đạo Kính cho biết, màu sơn mới của Nhà hát Lớn Hà Nội vừa thực hiện chẳng khác gì hành động phá bỏ không gian kiến trúc của di tích lịch sử.

Các công nhân sơn lại màu cho Nhà hát Lớn Hà Nội đúng với màu đã được phê duyệt năm 1997.

Các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc cho rằng, việc chọn màu cho một công trình lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa của Hà Nội như Nhà hát Lớn cần có sự tính toán, pha chế phù hợp chứ không thể sơn màu tùy tiện. Trước đây, trong lần trùng tu đầu tiên năm 1996, khi thực hiện sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội có sự trao đổi, thảo luận và thống nhất của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, chuyên gia Pháp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm. Do đó, màu sơn mới của Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua cần phải... làm lại.

Trước sự bức xúc của dư luận và giới chuyên gia về kiến trúc, văn hóa về màu sơn mới của Nhà hát Lớn không đúng với diện mạo vốn có; Bộ VH-TT&DL ngay lập tức tổ chức cuộc họp về vấn đề này với sự góp mặt của lãnh đạo Cục Di sản, Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Viện Bảo tồn di tích... Theo đó, ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết, nước sơn tại Nhà hát Lớn mà mọi người nhìn thấy hiện nay chưa phải là nước sơn cuối cùng. “Phía thi công sẽ tiếp tục có lớp sơn khác và khoảng một tháng nữa việc bảo trì mới hoàn thành” - ông Phan Đình Tân nhấn mạnh. Cũng theo đại diện Bộ VH-TT&DL, cơ quan này yêu cầu Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phải lấy màu đã phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 để làm chuẩn màu sắc và đơn vị thi công phải thực hiện chuẩn màu ấy. Bởi lẽ, việc sơn bảo trì Nhà hát Lớn lần này theo kế hoạch định kỳ nhằm hướng tới các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015), Quốc khánh 2/9 và vì một số hạng mục công trình bị xuống cấp. Đặc biệt, việc sơn lại Nhà hát Lớn phải đúng cách, đúng với tiêu chuẩn vì đây là công trình quốc gia thuộc sự quản lý của Bộ VH-TT&DL.

Đã xin phép và không tùy tiện

Trong đợt sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua, một số ý kiến cho biết Ban Quản lý Nhà hát Lớn có phần tùy tiện khi sơn bảo trì công trình mà chưa tham vấn ý kiến Sở VH-TT&DL Hà Nội. Theo nhiều người, điều này phản ánh Ban Quản lý Nhà hát Lớn làm sai quy trình khi “vượt cấp” xin phép thẳng lên cơ quan quản lý cấp cao là Bộ VH-TT&DL chứ không phải TP. Hà Nội. Tuy nhiên, ông Phan Đình Tân khẳng định: “Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình trực thuộc Bộ VH-TT&DL quản lý. Tuy rằng nhà hát tọa lạc trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng đây không phải là đợt trùng tu tôn tạo lớn, mà chỉ là sơn lại, không làm ảnh hưởng đến xung quanh nên Ban Quản lý Nhà hát không cần phải tham vấn ý kiến của Sở VH-TT&DL TP. Hà Nội”. Theo đó, ý kiến của dư luận về Ban Quản lý Nhà hát Lớn “tùy tiện” cũng như “vượt cấp” có phần nóng vội do chưa hiểu thấu đáo vấn đề.

Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng cho biết, trước khi tiến hành sơn lại Nhà hát Lớn, Ban Quản lý Nhà hát Lớn đã có báo cáo gửi Bộ VH-TT&DL và được lãnh đạo Bộ phê duyệt. Nhà hát Lớn trực thuộc Bộ VH-TT&DL quản lý, cho nên cơ quan này có đủ thẩm quyền để phê duyệt việc sơn lại Nhà hát Lớn. Cũng có ý kiến thắc mắc Ban Quản lý Nhà hát Lớn lấy đâu ra kinh phí để sơn lại công trình kiến trúc do mình quản lý?, theo ông Phan Đình Tân, nguồn kinh phí để sơn lại Nhà hát Lớn được trích từ nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cùng với nguồn vốn tự chủ của Nhà hát Lớn.

Theo quan sát của PV báo Sức khỏe&Đời sống, từ ngày 25/7, đơn vị sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội đã phủ một lớp sơn trắng lên trên màu sơn vàng trước đó từng làm dư luận bức xúc. Điều này chứng minh rằng màu sơn “lòe loẹt” trước đây chỉ là công đoạn sơn nền và đơn vị thi công sẽ còn tiếp tục sơn lại Nhà hát Lớn đúng với màu đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch từ năm 1997.

Phạm Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn