Màu sắc nước tiểu nói lên điều gì về sức khoẻ của bạn?

28-12-2023 09:02 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Màu sắc của nước tiểu cũng có thể nói lên chính xác tình trạng sức khỏe của bạn. Khi thấy màu sắc nước tiểu bất thường không xác định được nguyên nhân, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Bởi rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị sớm. Các bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm cần thiết để loại trừ các nguyên nhân tìm ra phương hướng điều trị.

Thế nào là nước tiểu bình thường?

Nước tiểu, nước đái hay niệu là một chất lỏng thường vô trùng do thận tiết ra và lưu trữ trong cơ thể tại bàng quang. Khi tiểu tiện, nước tiểu được đào thải ra khỏi cơ thể qua niệu đạo.

Quá trình trao đổi chất của các tế bào tạo ra nhiều sản phẩm, một số thì giàu nitơ như ure hay acid uric và creatinin, cần phải loại bỏ khỏi máu. Những sản phẩm này cuối cùng bị tống ra khỏi cơ thể qua một quá trình gọi là tiểu tiện - đây là cách cơ bản để bài tiết các chất hòa tan trong nước khỏi cơ thể.

Ở người, chất thải hòa tan được bài tiết chủ yếu bởi hệ thống tiết niệu, ở mức độ thấp hơn về mặt ure được loại bỏ bằng mồ hôi. Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu đạo, bàng quang và niệu quản. Hệ thống này tạo ra nước tiểu bằng một quá trình lọc, tái hấp thu và bài tiết ở ống thận.

Thận trích xuất các chất thải hòa tan từ máu, cũng như nước dư thừa, đường và một loạt các hợp chất khác. Nước tiểu thu được chứa nồng độ urê cao và các chất khác, bao gồm cả độc tố. Nước tiểu chảy từ thận qua niệu quản, bàng quang và cuối cùng là niệu đạo trước khi đi ra khỏi cơ thể.

Màu sắc của nước tiểu cũng có thể nói lên chính xác tình trạng sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa

Màu sắc của nước tiểu cũng có thể nói lên chính xác tình trạng sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa.

Màu sắc nước tiểu phản ánh sức khỏe của bạn thế nào?

  • Nước tiểu trong suốt

Có thể bạn uống nhiều hơn lượng nước khuyến cáo hàng ngày. Nhu cầu nước hằng ngày là 1,5 – 2 lít, nếu uống quá nhiều nước có thể làm cơ thể mất đi các chất điện giải. Nếu tình trạng này luôn luôn xảy ra cho thấy rằng bạn cần phải cắt giảm lượng nước uống hàng ngày.

Một khi bạn chắc chắn mình không uống quá nhiều nước nhưng nước tiểu vẫn rất nhiều và không màu thì có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt, cần được xét nghiệm kiểm tra kỹ càng hơn.

  • Nước tiểu vàng sậm

Nếu màu sắc nước tiểu của bạn có vẻ sậm hơn bình thường, bạn có thể bị mất nước. Khi không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, các chất trong nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn. Tình trạng này thường thấy khi lấy nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng. Nguyên nhân là do chúng ta tạm thời hạn chế nước qua đêm. Màu của nước tiểu sẽ cải thiện ngay khi uống đủ nước.

Nếu màu sắc nước tiểu của bạn có vẻ sậm hơn bình thường, bạn có thể bị mất nước.

Nếu màu sắc nước tiểu của bạn có vẻ sậm hơn bình thường, bạn có thể bị mất nước.

  • Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng

Mặc dù nước tiểu màu đỏ hoặc hồng là một tình trạng cảnh báo, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều nghiêm trọng. Tình trạng này có thể do một số nguyên nhân sau:

Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như củ cải đường, quả mâm xôi, đại hoàng,…

  • Dùng thuốc Rifampin, một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh lao.
  • Thuốc Phenazopyridine, một loại thuốc làm giảm đau đường tiết niệu.
  • Hoặc thuốc nhuận tràng có chứa senna.
  • Ngộ độc chì hoặc thủy ngân.

Đôi lúc nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng có liên quan đến máu. Các yếu tố có thể gây ra tiểu máu bao gồm:

  • Chấn thương.
  • Tắc nghẽn hệ niệu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Bệnh thận.
  • Phì đại tiền liệt tuyến.
  • Ung thư.
  • Tiểu porphyria: Một rối loạn di truyền hiếm gặp của các tế bào hồng cầu.
  • Thiếu máu tán huyết nội mạch cấp: Trong nước tiểu chứa chất gọi là hemoglobin niệu.
  • Chấn thương cơ nghiêm trọng: Làm tăng myoglobin và chất này thải qua nước tiểu.
  • Nước tiểu màu cam

Nước tiểu có màu cam có thể do các loại thuốc gây ra, ví dụ như:

- Thuốc kháng sinh Rifampicin.

- Các thuốc giảm đau Phenazopyridine.

- Thuốc Sulfasalazine: Điều trị viêm khớp, hội chứng ruột kích thích.

- Một số thuốc nhuận tràng.

- Các chất dùng trong hóa trị cũng có thể làm nước tiểu chuyển màu cam.

- Có thể do cơ thể bị mất nước.

- Một số tình trạng bệnh lý cũng có thể thay đổi nước tiểu của bạn thành màu cam. Đó có thể là một dấu hiệu của vấn đề liên quan đến ống mật hoặc gan, đặc biệt là nếu phân của bạn cũng có nhạt màu hơn.

Nếu bạn đang điều trị bệnh gan, hãy nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi trong màu nước tiểu của bạn để được tư vấn cụ thể hơn.

  • Nước tiểu màu xanh dương hoặc xanh lá

Đây là một tình trạng rất hiếm ở người. Nước tiểu có thể chuyển sang màu xanh dương hoặc xanh lá vì những nguyên nhân sau đây:

- Thuốc nhuộm: Một số thuốc nhuộm thực phẩm có thể gây ra nước tiểu màu xanh lá cây. Thuốc nhuộm được sử dụng cho một số xét nghiệm chức năng thận và bàng quang có thể làm nước tiểu chuyển màu xanh. Thuốc thường sử dụng là xanh methylene.

- Thuốc: Thuốc và các hợp chất có chứa phenol như Promethazine sử dụng điều trị cho dị ứng, buồn nôn. Hoặc Propofol là một loại thuốc sử dụng trong gây mê. Amitriptyline điều trị bệnh lý trầm cảm. Cimetidine: Thuốc giúp làm giảm axit trong dạ dày và một số các thuốc giảm đau. Ngoài ra còn có một số vitamin tổng hợp.

- Tình trạng bệnh lý: Tăng calci máu có tính gia đình lành tính, một rối loạn di truyền hiếm gặp, đôi khi được gọi là hội chứng tã xanh vì trẻ bị rối loạn có nước tiểu màu xanh.

- Biliverdin (sắc tố mật): Khi có sự bất thường giữa đường mật và đường tiết niệu.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn Pseudomonas.

  • Nước tiểu màu nâu sẫm hoặc màu coca

Tình trạng này có thể là kết quả của:

- Thức ăn: Ăn một lượng lớn đậu tằm, đại hoàng hoặc lô hội có thể gây ra nước tiểu màu nâu sẫm.

- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm sẫm màu nước tiểu, bao gồm thuốc chống sốt rét Chloroquine và Primaquine, thuốc kháng sinh như Metronidazole và

Nitrofurantoin, thuốc nhuận tràng có chứa cascara hoặc senna, thuốc giãn cơ methocarbamol.

- Tình trạng bệnh lý: Một số rối loạn bệnh lý gan, thận và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể chuyển nước tiểu màu nâu sẫm.

- Tập thể dục cực nặng. Chấn thương cơ do tập thể dục quá sức có thể dẫn đến tổn thương thận, sẽ làm cho nước tiểu màu hồng hoặc màu nâu cola.

  • Nước tiểu có bọt

Nếu tình trạng xuất hiện một hai lần thì đó có thể là do tác động cơ học hoặc chuyển hóa chất tạo nên. Tình trạng này nhanh chóng mất đi thì bạn có thể yên tâm. Tuy nhiên, trường hợp nước tiểu nổi bọt xuất hiện nhiều lần và kéo dài, bạn cần phải cân nhắc những nguyên nhân có thể đi từ bệnh lý như sau:

  • Mất nước, khi đó, nước tiểu sẽ trở nên đặc hơn và tạo ra nhiều bọt;
  • Protein nước tiểu tăng cao;
  • Nhiễm trùng đường tiểu do vi khuẩn xâm nhập bàng quang;
  • Các bệnh lý ở thận như nhiễm trùng thận, viêm thận, suy thận, sỏi,... đều có thể gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt hoặc bị đục.

Xem thêm video được quan tâm:

Cách kiểm soát đường huyết cho người không mắc tiểu đường | SKĐS


Bs. Vũ Tuấn
Ý kiến của bạn