Ở điều kiện sinh lý bình thường, cholesterol là thành phần không thể thiếu được của cơ thể, với nhiều chức năng quan trọng như: tạo nên màng tế bào, tạo các hoóc-môn và axít mật, là thành phần của các chất béo do gan tạo nên, được hấp thu một phần trực tiếp từ thịt, cá, trứng, sữa… Cholesterol không tự hòa tan được trong máu, cũng như không tự di chuyển trong hệ tuần hoàn mà di chuyển nhờ một chất khác với tên gọi là lipoprotein. Có hai loại cholesterol quan trọng nhất là high-density-lipoproteins (HDL) và low-density-lipoproteiens (LDL). LDL cholesterol còn gọi là cholesterol xấu. LDL trong máu tăng cao gây ra bệnh xơ vữa động mạch, gây hẹp, tắc động mạch vành nuôi tim, khiến ta bị nhồi máu cơ tim và tắc các mạch máu ở não gây ra tai biến gọi là đột quỵ.
Về nguyên nhân gây nên mỡ cao trong máu, các nhà khoa học thấy rằng có liên quan mật thiết đến chế độ ăn có nhiều cholesterol, nhất là mỡ động vật, thịt có màu đỏ như: thịt bò; các loại hải sản: tôm, cua; lòng heo, lòng bò, óc, trứng... Bệnh còn do yếu tố di truyền trong gia đình, do một số bệnh rối loạn về chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thiếu vận động…
Nên ăn gì?
Trước hết xây dựng cho mình một chế ăn và chế độ vận động hợp lý. Tuy nhiên, người bị máu nhiễm mỡ thường sẽ gặp khó khăn khi phải bỏ thói quen ăn uống cũ, nên việc tuân theo một chế độ ăn mới phải kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, thay đổi qua nhiều giai đoạn.
Trước tiên là thay đổi thói quen dùng những thức ăn chứa nhiều cholesterol, bằng cách loại bỏ lòng đỏ trứng, mỡ heo, cơ quan nội tạng, giảm những loại thịt trong chế độ ăn; dùng những thực phẩm thay thế cho mỡ heo, cho bơ như: dùng dầu thực vật; sữa không kem thay cho sữa toàn phần, lòng trắng trứng thay cho nguyên trứng.
Giai đoạn tiếp theo là giảm dần dần số lượng trong chế độ ăn, nên giảm dần xuống còn không quá 170 - 230g thịt/ngày, hay giảm phân nửa. Trong giai đoạn này, cần giảm hơn nữa mỡ và những sản phẩm của dầu mỡ như phô mai chẳng hạn, cần chuyển dần từ thịt sang ngũ cốc, quả đậu, rau cải và trái cây; phương pháp nấu nướng cũng cần thay đổi, chuyển từ chiên, xào sang nấu, hấp, luộc.
Cần chuyển dần từ thịt sang ngũ cốc, quả đậu, rau cải và trái cây
Giai đoạn sau cùng là sử dụng chế độ ăn mới gần như hoàn toàn, cholesterol thức ăn giảm tới mức còn 100mg ngày, mỡ bão hòa giảm còn 5 - 6% tính trên tổng lượng calo, tổng lượng thịt, nhất thịt gà nạc chỉ nên vào khoảng 80 - 100g ngày, có thể thay thịt bằng dùng cá vì trong cá có nhiều omega-3 rất tốt cho cơ thể. Nên ăn ngêu, sò vì chứa ít cholesterol. Tăng cường trái cây, rau xanh và hoa quả. Thức ăn cần tránh hàng ngày cụ thể như: mỡ động vật như: mỡ heo, bơ, kem sữa, bánh kem, kẹo chocolate, khoai tây chiên; tránh dùng dầu cọ hay dầu dừa, thay vào đó nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương. Nên ăn nhiều cá để thu nhận Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch như: cá hồi, cá ngừ, cá trích; tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan như: gạo lứt, các hạt họ đậu, lúa mạch, rau, trái cây táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi…
Cần làm gì?
Ngoài chế độ ăn cũng cần xây dựng cho mình một cuộc sống năng động, tăng cường tập luyện cơ thể với bất cứ môn thể thao nào mà phù hợp với sức khỏe và điều kiện kinh tế. Thực hiện tập luyện đều đặn ít nhất từ 30 - 60 phút mỗi ngày; đi bộ là một hình thức vận động thích hợp cho mọi người, đặc biệt là cho nữ giới, cho người cao tuổi, bệnh nhân tim mạch, tiền mãn kinh hay người bệnh đái tháo đường…
Dùng thuốc gì?
Về sử dụng thuốc, chỉ dùng thuốc khi nào đã sử dụng hết với các biện pháp giảm cholesterol khác mà không có kết quả. Cũng cần nhớ rằng, các thuốc giảm cholesterol cũng có những tác dụng phụ nhất định, thậm chí rất nguy hiểm, nên nhất thiết phải được chỉ định của thầy thuốc. Các thuốc thường dùng hiện nay là nhóm Fibrate và Statin. Nhóm Fibrate có nhiều tên biệt dược khác nhau: Lipanthyl 300 - 200 - 160, Lopid, Bezalip… Nhóm Statin như: Zocor, Lescol, Lipostat, Eliser… Hai thuốc trên không dùng cho người suy gan, suy thận và phụ nữ có thai.
Máu nhiễm mỡ là một bệnh tuy diễn biến âm thầm nhưng hậu quả của nó gây ra cho hệ tim mạch rất nặng nề và khó chữa trị, cho nên việc phòng ngừa phải được bắt đầu ngay từ lúc còn trẻ, cho đến suốt cuộc đời và không lúc nào được coi là muộn cả.