Những vụ va chạm cũng dễ trở thành án mạng, thậm chí, bác sĩ cứu chữa bệnh nhân cũng bị người nhà bệnh nhân đâm chết. Những tội phạm này có “máu nóng” chăng? Và gần đây lại có khái niệm “sát thủ máu lạnh” như Nguyễn Đức Nghĩa sát hại người yêu hoặc gần nhất là Lê Văn Luyện ra tay thảm sát cả một gia đình. Đằng sau chuyện “máu nóng”, “máu lạnh” này là gì?
Tội ác phải bị trừng trị nhưng cái gốc của tội ác là gì thiết nghĩ phải tìm cho ra và có ngay biện pháp ngăn chặn. Phải chăng, vấn đề đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng đang ở mức báo động đỏ.
Hung thủ Lê Văn Luyện bị cơ quan công an bắt giữ. |
Những vụ va chạm nhỏ cũng thành vụ án nhiều khi không hẳn vì nội dung va chạm hoặc giá trị tranh chấp mà trước đó, trong kẻ gây án đã chứa chất những bực tức, chán chường, bất cần để rồi gặp sự bất toại chí sẽ thành ngòi nổ cho những nhức nhối bên trong nổ ra thành tội ác. Vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, trong đó hung thủ sát hại cả cháu bé 18 tháng tuổi không thể đổ tại do gia đình làm nghề giết mổ lợn nên Lê Văn Luyện giết người không ghê tay. Cái tội ác ấy phải chăng hình thành từ “mảnh đất” vô cảm trước số phận con người đang tồn tại trong một bộ phận xã hội.
Xã hội chúng ta người tốt không thiếu nhưng cũng không thiếu những hành vi coi thường con người từ chuyện “vặt”, “ép” được nhau trong những mối quan hệ phụ thuộc đến việc chà đạp xúc phạm nhân phẩm người khác từ quyền thế của mình. Khi giá trị con người không được trọng, không trở thành một lối sống thì những vụ án máu nóng, máu lạnh còn xảy ra bởi khái niệm lương tâm đã bị bào mòn.
Nói đến đạo đức xã hội trước hết cần xây dựng và giáo dục lương tâm. Lương tâm tạo ra nhân cách nhưng không phải từ trên trời rơi xuống lọt vào đầu và tim ai mà đó là kết quả giáo dục của cả xã hội và gia đình. Nhiều gia đình hiện nay mải mê lo toan về kinh tế hoặc quan tâm về ăn, mặc, tiền nong cho con cái nhưng lại không quan tâm, lo lắng, dạy dỗ về nhân cách của con người. Nhiều người cứ đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con cho nhà trường - đó là một sai lầm. Không ít bậc cha mẹ đố con “Nếu bắt được tiền, vàng sẽ làm gì?” rồi khen con thông minh sau khi nghe trả lời, nhưng ít thấy ai sau đó lật lại “Nếu nhà ta đánh rơi tiền thì sẽ khó khăn khổ sở thế nào”. Những bon chen giành giật ích kỷ tạo thành thói vô cảm trước nỗi đau người khác đã xóa đi sự thương cảm, lòng trắc ẩn trước đồng loại và tội ác từ đó dễ phát sinh. Tiêu cực xã hội ùa vào từng ngôi nhà (như chuyện nhận hối lộ hoặc phải đi hối lộ chẳng hạn) tác động đến con trẻ hình thành tâm lý “cá lớn nuốt cá bé” muốn đạt được mục đích phải có quyền lực. Không có quyền lực thì dùng bạo lực cơ bắp, hung khí để giành lấy!
Nhà trường của chúng ta bấy nay cũng chạy theo bệnh thành tích, chạy theo thi cử quá nhiều mà chưa thực sự chú trọng tới việc giáo dục lương tâm, xây dựng nhân cách con người. Những buổi học thêm triền miên chạy theo một chương trình quá tải cốt thi được vào trường này trường kia bắt đầu ngay từ lớp một nhưng hình như thiếu những bài học như “nhị thập tứ hiếu” mà ông bà ta xưa đã học. Đã đến lúc, mục tiêu giáo dục lúc này phải đi vào xây dựng nhân cách con người một cách sinh động hoàn thiện hơn thông qua các bài học. Ngành giáo dục phải chuyển biến về nội dung, phương pháp dạy học, bỏ lối dạy khoa cử nhồi nhét, tập trung xây dựng nhân cách con người ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Cần có mối quan hệ giữa học sinh trong lớp một cách dân chủ, bình đẳng, thân thiện chan hòa thay vì thầy cô sử dụng cán bộ lớp trưởng, tổ trưởng săm soi bắt lỗi, ghi sổ như một bộ máy bóp chết tuổi thơ.
Những vụ án kinh hoàng gần đây được dư luận quan tâm không hẳn là hung thủ gây tội ác thế nào, công an điều tra ra sao và kẻ ác bị tử hình hay bao nhiêu năm tù. Điều quan tâm thành nỗi nhức nhối của xã hội là tại sao những vụ án ấy lại có thể xảy ra. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến đất nước Nhật Bản những ngày bị thiên tai động đất, sóng thần. Trong cơn hoảng loạn, vì lý do sinh tồn mà sao họ không tranh cướp lại trật tự xếp hàng chờ cứu trợ. Thậm chí vài tháng sau, hàng loạt két sắt, tiền vàng trôi dạt của nạn nhân được thu lại nộp cho cảnh sát. Và cảnh sát lại vất vả điều tra để trả lại cho thân nhân những người xấu số. Đấy không phải là phẩm chất của dân tộc này hơn dân tộc kia mà là cách giáo dục nhân cách và việc bồi đắp lương tâm trong một xã hội.
Lê Quý Hiền