Mấu chốt giảm thiểu bạo lực gia đình

25-08-2016 15:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới trong vấn đề phòng chống bạo lực gia đình cho thấy nguồn lực được đề cao, nghiêm minh trong xét xử và bình đẳng về giới.

Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới trong vấn đề phòng chống bạo lực gia đình cho thấy nguồn lực được đề cao, nghiêm minh trong xét xử và bình đẳng về giới. Ở Việt Nam, sự trì trệ bị kéo dài, dù một bộ luật đã được áp dụng gần 9 năm. Cơ quan quản lý cần thiết phải nhìn thẳng vào các mặt hạn chế để có một phương án tối ưu nhất.

Chuyện cũ vẫn nóng

Chưa bao giờ bạo lực gia đình (BLGĐ) lại diễn ra khủng khiếp đến thế. Từ đối tượng phụ nữ, trẻ em đến người già và diễn ra với cả tinh thần lẫn thể xác. Nhẹ thì mắng chửi, nạn nhân bị đẩy ra đường, nặng hơn thì bị đánh đập, thậm chí bị hành hạ nhiều năm dẫn đến tàn phế, chết người. Theo số liệu thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), từ năm 2011 - 2015 có tổng 157.859 vụ BLGĐ, trong đó 117.206 trường hợp nạn nhân là phụ nữ, chiếm 74,24%; 17.586 là trẻ em, chiếm 11,14% và 14.017 là người cao tuổi, chiếm 8,91%.  Thống kê cũng cho thấy 58% phụ nữ đã kết hôn trải qua ít nhất một loại bạo lực trong cuộc đời.

Phụ nữ Đăk Lăk tham gia tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình.

Trước thảm cảnh này cũng như nhiều vụ bạo lực dã man diễn ra trong thực tế các địa phương, chúng tôi luôn tự hỏi tại sao người ta có thể ra tay tàn ác với vợ, con, cha mẹ và người thân được như thế! Điều ấy cho thấy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam như cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, anh em như thể chân tay có phần bị đảo lộn. Gia đình là tổ ấm, là nơi trú ẩn của mỗi người mà còn bị đánh đập, không an toàn thì các nạn nhân còn biết đi đâu? Phải chăng tổ ấm đã thành… tổ lạnh?

Điều đáng nói, đây là vấn nạn đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng có tới 1/3 số gia đình khi xảy ra vấn đề BLGĐ không biết phải làm gì và khoảng 25% gia đình cho rằng BLGĐ là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vào vì sợ phiền hà. Các nạn nhân là người bị đánh đập cũng không dám tố cáo. Họ chịu đựng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Đến lúc bị dồn vào đường cùng mới tìm cách phản kháng thì đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Phải nhìn vào thực tế

Muốn giảm thiểu đáng kể vấn nạn này, đòi hỏi phải nhìn nhận thực chất, đâu là mấu chốt của vấn đề khiến công tác này gặp khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khâu tuyên truyền, thực thi nhiệm vụ và xử lý đều bộc lộ những hạn chế. Ở góc độ pháp lý, chúng ta đã xây dựng được Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (năm 2007); Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020…

Tuy nhiên, luật chưa thật sự đi vào cuộc sống, các chương trình chưa “phủ sóng” được đến đời sống người dân. Hoạt động phòng, chống BLGĐ của các cơ quan, tổ chức đang triển khai, thực hiện còn rất độc lập, theo các tiêu chí riêng của từng cơ quan; thiếu sự thống nhất về phương thức tiếp cận, chưa có sự điều phối, hướng dẫn và quản lý thống nhất từ các cơ quan chức năng dẫn đến nhiều chương trình, dự án còn trùng lặp chưa phát huy được hiệu quả về đầu tư nguồn lực.

Ngay như công tác xử lý để răn đe cũng còn nhiều bất cập. Theo thống kê về công tác xử lý vi phạm, từ năm 2012 - 2015 có 71.906 trường hợp xử lý theo hình thức phê bình, 6.570 trường hợp xử phạt hành chính và chỉ xử lý hình sự được 942 trường hợp. Điều đó cho thấy việc xử lý chủ yếu dừng ở mức độ nhắc nhở, hòa giải nên nhiều trường hợp hòa giải hôm trước thì hôm sau lại gây bạo lực. Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) nêu ra sự bất hợp lý: Với nhiều vụ việc, tính chất vốn đã nghiêm trọng, xảy ra thương tích thì biện pháp hòa giải vô hình trung lại đặt thêm lên vai người phụ nữ áp lực, thậm chí là đẩy họ vào nguy hiểm một lần nữa.

Một vấn đề khác, nhiều vụ đã trở nên nghiêm trọng, nhưng cơ quan chức năng lại chờ nạn nhân tố cáo thì mới xử lý. Trong quá trình xử lý, lại thiếu tôn nghiêm khiến bỏ lọt tội phạm. Cụ thể là không ít vụ chuẩn bị đưa ra xét xử thì nạn nhân lại bãi nại nhằm giảm tội cho người gây bạo lực. Đây là điều vô lý. Nếu đã đánh vợ, con đổ máu, gây thương tích nhiều lần mà sau bãi nại liền được giảm tội thì sao đủ sức răn đe? Ngành tòa án phải xác định, xử để giáo dục, răn đe cho xã hội hay xử cho gia đình đó. Đồng thời, phải phân tích rõ tính chất của từng vụ việc để xử cho chính xác.

Chúng tôi thật sự tiếc vì Nhà nước đã giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em để chia nhỏ thành các đơn vị ở các bộ. Điều này đồng nghĩa với việc giải thể luôn đội ngũ cộng tác viên dân số ở các địa phương có tâm huyết, nhiệt tình. Hậu quả là ở các cấp địa phương thiếu những người đi sâu, sát với thực tế công việc. Đây có thể nói là một bước thụt lùi của chính sách, đòi hỏi sớm tìm cách khắc phục.

Một trẻ bị bạo lực gia đình ở Đồng Nai.

Thiết thực hơn từ chính sách đến thực thi

Tháng 5/2016, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT về hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống BLGĐ đã được ban hành. Trách nhiệm của các bộ ngành liên quan cũng được phân công rõ ràng nhằm thực thi tốt nhiệm vụ chuyên trách. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm giáo dục, tuyên truyền hướng tới giảm thiểu các hành vi bạo lực, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng.

Nhưng sẽ là chưa đủ nếu không xác định được một tiêu chí chung để phối hợp cùng thực hiện, tránh xảy ra tình trạng làm theo hình thức, phong trào. Tiếp đó là làm sao để tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu được BLGĐ không chỉ là việc của các gia đình mà là vấn đề chung của xã hội. Cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu được về bình đẳng giới, tầm quan trọng của gia đình - tế bào xã hội.

Một vấn đề khác cần khắc phục chính là việc xử án phải có lý, có tình, xử nghiêm đối với hành vi bạo lực bất kể họ là ai, không đồng nhất nạn nhân với người gây hành vi bạo hành. Xin nêu một vụ điển hình: cậu sinh viên Huỳnh Minh Mẫn ở TP. Hồ Chí Minh chích điện khiến cha chết khi chứng kiến cảnh mẹ làm lụng vất vả nuôi gia đình lại bị cha không làm gì chỉ say xỉn và bạo hành nhiều năm. Tòa án đã kết án Mẫn mức tử hình. Như vậy là quá nặng. Chúng tôi cùng với một số cơ quan khác lên tiếng thì tòa án hạ xuống thành án chung thân. Cậu sinh viên đó giết cha là sai, nhưng em chứng kiến cảnh bất công trong gia đình suốt một thời gian dài, em đã có hiếu với mẹ, bảo vệ mẹ thoát khỏi một tội ác. Bởi thế, tòa án cần phân tích kỹ lưỡng hành vi của người gây bạo lực để xử lý đúng người đúng tội.

Một kiến nghị khác chính là khắc phục lỗ hổng của công tác hòa giải. Các tổ chức quốc tế rất phản đối việc làm ở các địa phương là sử dụng phương pháp hòa giải một cách đại trà, cứng nhắc. Đã gây án rồi thì phải xử bằng pháp luật, nếu hòa giải sẽ khiến cho kẻ gây tội ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Trước thực trạng đang thiếu nguồn lực ở cộng đồng nên có cơ chế để mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Nếu chỉ dựa vào bộ máy hành chính thì rất khó. Chúng tôi kiến nghị, hiện nay, nếu chỉ để một Vụ Gia đình trong Bộ VH-TT&DL là không ổn. Vấn đề gia đình là rất lớn, phải được nâng lên thành Bộ Gia đình để có cơ sở pháp lý đủ mạnh bao quát một vấn đề quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội này.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, khoảng 80% số vụ ly hôn cũng như gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,41% GDP mỗi năm cho thấy, công tác PCBLGĐ không thể bị xem nhẹ nữa.

Hải Miên
Ý kiến của bạn