Chiếc limousine chở tổng thống phóng về phía bệnh viện chỉ vài giây sau ba phát súng ám sát tổng thống John F. Kennedy ngày 22/11/1963. Hai viên đạn trúng vào Kennedy còn một viên trúng Thống đốc bang Texas John B. Connally Jr. Connally. Mật vụ Clinton Hill xoài người trên đuôi xe sau khi tổng thống Kennedy đã bị bắn. Ảnh: AP
"Không bao giờ quên. Phải ghi nhớ những bài học của thất bại". Đó là lời thề tập thể của Cơ quan Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy 50 năm trước.
Thất bại trong việc bảo vệ tổng thống Kennedy dẫn đến một cuộc cách mạng về việc bảo vệ người đứng đầu nước Mỹ. Nó cũng mở ra mô hình về vòng vây thép và hỏa lực mạnh xung quanh tổng thống như hiện nay.
Bài học xương máu
Vụ ám sát Kennedy ở Dallas, bang Texas, ngày 22/11/1963, xảy ra khi vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ ngồi trong chiếc xe mui trần đang diễu chầm chậm trên phố. Việc này gần như là không thể xảy ra ngày nay. Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống từ năm 1902, luôn coi vụ việc của Kennedy là một bài học không bao giờ quên.
"Mỗi năm, Mật vụ Mỹ lại nhớ đến vụ ám sát năm 1963", Dan Emmett, nhân viên mật vụ làm việc từ năm 1983 đến 2004, nói.
"Nhiệm vụ của mật vụ là giữ cho tổng thống còn sống bằng mọi giá và ngày hôm đó họ không làm được như thế. Đó là một ngày đầy đau đớn", Emmett, tác giả cuốn hồi ký kể về quãng thời gian ông bảo vệ những yếu nhân của nước Mỹ, cho biết thêm.
Emmett nói bất cứ ai gợi ý rằng, nên để Tổng thống Barack Obama hoặc những người tiền nhiệm, ngồi lên chiếc xe mui trần diễu hành trên con phố đông đúc ngày nay, có thể được xem là người điên. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, tình hình năm 1963 không giống bây giờ và không ai lường trước được chuyện đó có thể xảy ra.
Chiếc xe của Obama ngày nay cũng khác so với chiếc xe của Kennedy. Xe của Obama được bọc thép cực dày và giống như là một cỗ xe tăng hơn là một chiếc ôtô gia đình. Chiếc xe, có biệt danh "Quái vật", được trang bị để bảo vệ tổng thống khỏi súng cối, súng trường và các loại đạn khác.
Các thiết bị trên xe được giữ bí mật, nhưng được cho là gồm máy trợ thở oxy và dự trữ nhóm máu tương ứng với nhóm máu của tổng thống, cũng như các thiết bị phá sóng. Ôtô cũng được gia cố phần bánh và lốp.
4 mật vụ đứng bên cạnh sườn chiếc xe trong đoàn xe của Tổng thống Obama để bảo vệ an toàn cho gia đình tổng thống Barack Obama trong lễ tuyên thệ trước công chúng hôm 22/1. Ảnh: ICP
Không giống như chiếc xe của Kennedy đi chậm để ông vẫy chào đám đông, xe của Obama không cho tổng thống có thời gian để bị tấn công. Đoàn xe của tổng thống khi xuyên qua những khu vực đông người thường được dọn đường sẵn cho thông thoáng và hành trình di chuyển không bao giờ được công khai, Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách "Đi cùng Lịch sử" với nhân viên mật vụ Joseph Petro, nói.
Một bài học khác nữa từ vụ ám sát Kennedy, đó là các mật vụ không bao giờ được phép được mở cửa kính ôtô, dù cho như vậy khiến cho tổng thống rất xa cách với công chúng. "Càng ít càng tốt, để giảm tối thiểu những nguy cơ. Họ thực sự phải loại bỏ từng giây từng phút nguy hiểm, được chút nào hay chút đó", ông Robinson nói.
Trang bị đến tận răng
Đoàn xe của tổng thống luôn là mục tiêu thú hút sự chú ý, với các xe máy hộ tống xung quanh, xe cảnh sát, hai xe limousine cho tổng thống, các xe tải, xe cứu thương và xe tải cho nhân viên, phóng viên. Phái đoàn thường gồm 30 xe trở lên.
Các thiết bị để phát hiện chất độc phóng xạ, chất độc hóa học hoặc các đe dọa bằng khí, cùng các thiết bị có khả năng ngăn chặn bom điều khiển từ xa, được cho là có trong đoàn xe. Tuy nhiên, các mật vụ không bao giờ tiết lộ thêm chi tiết.
Ngay sau chiếc xe limousine của tổng thống là đội biệt kích trong một chiếc SUV với sức mạnh "đủ để tấn công một quốc gia nhỏ", ông Robinson cho hay.
Ảnh: Mật vụ Mỹ bảo vệ Obama
Mật vụ Mỹ cũng học được bài học khác vào năm 1981, khi họ suýt nữa đã không bảo vệ được tổng thống Ronald Reagan. Ông bị bắn và bị thương bên ngoài một khách sạn ở Washington.
Ngày nay, thời điểm các tổng thống lên và xuống xe hiếm khi được nhìn thấy. Chiếc limousine của Obama thường chui vào trong một tấm lều trắng để che khuất tầm nhìn của mọi người khi ông rời xe. Trong những dịp khác, tổng thống sử dụng bãi đỗ xe dưới tầng hầm mà xung quanh là đầy các mật vụ bao bọc.
Bất kỳ ai muốn đến gần tổng thống đều phải đi qua máy dò kim loại như cách kiểm soát chặt chẽ ở sân bay. Bầu trời trên các tòa nhà nơi tổng thống đến thăm cũng trở thành vùng cấm bay và các máy bay chiến đấu ở trong trạng thái sẵn sàng để ngăn chặn bất cứ phi cơ đáng ngờ nào.
Vành đai an toàn được lập tại bất cứ đâu mà tổng thống dừng chân và các nhân viên an ninh được huy động sẵn từ trước đó.
Hao tiền, tốn của
Sau vụ ám sát Kennedy, chi phí cho các mật vụ tăng lên chóng mặt, từ 5,5 triệu USD cho 350 người vào năm 1963 lên thành 17 triệu USD cho 600 người trong 5 năm sau đó, mật vụ Brian Leary nói.
Ngày nay, số nhân viên chính thức của lực lượng là 7.000 người với khoản ngân sách thường niên là 1,6 tỷ USD. Những nguồn lực này cho phép chuẩn bị tỉ mỉ cho một chuyến thăm ngoài trời ở Washington.
Để được bảo vệ tổng thống, những mật vụ phải trải qua quá trình huấn luyện rất gian khổ. "Tôi không chỉ trích những gì xảy ra 50 năm trước hay cách mà các mật vụ thời đó làm việc, nhưng tôi muốn nói là bây giờ việc huấn luyện đã toàn diện hơn", Leary nói. "Trong và sau quá trình rèn luyện, có rất nhiều bài học được rút ra từ kinh nghiệm trong quá khứ".
Ngoài vụ ám sát hụt tổng thống Reagan và Gerald Ford, lực lượng mật vụ luôn hoàn thành nhiệm vụ với các tổng thống thời hậu Kennedy.
"Có lý do cho thành tích trên, bởi vì chúng tôi thực sự đã học được rất nhiều từ vụ việc ở Dallas", Vincent Palamara, tác giả cuốn "Survivor's Guilt" (tạm dịch: Tội lỗi của người sống sót) viết về ngày 22/11/1963, nói.
Theo VNExpress