Nói đến ngứa hậu môn, người ta thường nghĩ đó là căn bệnh của trẻ nhỏ do trẻ hay lê la, nghịch bẩn... Nhưng trên thực tế, ngứa hậu môn lại xảy ra cả ở người lớn khiến cho người bệnh rất mất tự tin, dở khóc dở cười... Vì sao bị ngứa hậu môn? Phòng và trị bệnh như thế nào?
Mặc dù hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn thường là các vấn đề vô hại, nhưng nó vẫn gây cho khổ chủ những bất tiện và tâm lý mất tự tin. Hơn nữa, có những trường hợp ngứa hậu môn là dấu hiệu của các bệnh lý cần quan tâm điều trị. Trên thực tế, thường gặp những nguyên nhân gây ngứa hậu môn là: ngứa do lớp da chung quanh hậu môn bị kích thích, cọ sát không ngừng; ngứa hậu môn do giun kim; ngứa hậu môn do mặc tã lâu gặp ở các bé sơ sinh hoặc người lớn mặc quần lót bằng nylon nên hậu môn bị ẩm ướt và nhiễm nấm (Candida Albicans); ngứa hậu môn do chấy rận; ngứa do lây truyền bởi các bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai, nhiễm khuẩn da; do dị ứng với thức ăn và một số chất hoá học khác nhau như nước hoa, chất phẩm màu trong giấy vệ sinh, các loại xà phòng, kem thoa...; ngứa do mắc bệnh táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên; ngứa hậu môn do da xung quanh hậu môn không được vệ sinh thường xuyên hoặc lau rửa quá kỹ; ngứa do ảnh hưởng từ các loại thuốc nhét hậu môn, thuốc kháng sinh, nhất là thuốc tetracilin nếu dùng thường xuyên cũng có thể làm ngứa hậu môn; ngứa hậu môn do ảnh hưởng từ các bệnh: tiểu đường, viêm gan, béo phì, ung thư hậu môn...
Người bị ngứa hậu môn nếu bệnh ở thể nhẹ thì có cảm giác nong nóng, hơi khó chịu. Mắc bệnh mức độ trung bình thấy có tăng cảm giác rát bỏng, ngứa ngáy. Trường hợp mắc bệnh ở thể nặng, người bệnh lúc nào cũng thấy ngứa ngáy, khó chịu, mất ăn mất ngủ, luôn luôn có nhu cầu gãi hậu môn thường trực vì không gãi không thể chịu đựng nổi.
Phương pháp điều trị
Ngứa hậu môn là loại bệnh thông thường nhưng gây phiền phức trong sinh hoạt khiến cho người bệnh bức bối, khó chịu, mất tự tin... Có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, muốn điều trị hiệu quả, cần tìm đúng nguyên nhân gây ngứa. Các biện pháp bao gồm tự chăm sóc, thay đổi chế độ ăn uống và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc có thể dùng điều trị gồm: kem OTC hoặc thuốc mỡ chứa hydrocortison có tác dụng giảm viêm và ngứa; thuốc mỡ có chứa oxide kẽm; thuốc kháng histamin để giảm ngứa cho đến khi điều trị tại chỗ có hiệu lực. Điều trị các bệnh giun sán, nhất là giun kim để tránh giun bò ra hậu môn gây ngứa. Điều trị tích cực các bệnh viêm da do vi khuẩn, do nấm.
Bệnh nhân bị ngứa hậu môn cần thực hiện các biện pháp tự chăm sóc như sau: không lau quá nhiều hoặc quá lâu sau mỗi lần đi cầu; tránh dùng quá nhiều xà phòng để rửa; luôn luôn giữ hậu môn khô, không để ẩm ướt; sử dụng giấy vệ sinh ít chất màu để lau hoặc dùng khăn ướt nhưng không nên dùng thường xuyên vì khăn ướt cũng dễ gây dị ứng dẫn đến ngứa; không kỳ cọ quá mạnh tay, tuyệt đối không gãi khi ngứa hậu môn vì gãi khiến da hậu môn bị trầy xước làm cho bệnh càng nặng hơn.
Phòng bệnh cách nào?
Trong phòng bệnh, mọi người cần giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ; khám và điều trị tích cực bệnh táo bón hoặc tiêu chảy cũng như các bệnh là nguyên nhân gây ngứa hậu môn.
Chú ý loại bỏ các nguyên nhân gây ngứa như: mặc đồ lót bằng vải cotton để hút mồ hôi và thông thoáng, giảm cọ sát bí hơi gây ngứa. Nên dùng bỉm loại dùng một lần rồi bỏ cho trẻ sơ sinh. Luôn quan hệ tình dục an toàn để tránh bị lây các bệnh lậu, giang mai, rận mu...
BS. Kiều Như Quỳnh