Bệnh nếu không được xử trí sớm và đúng cách sẽ dẫn đến rò dịch mủ kéo dài, biến chứng tiểu són, đi ngoài mất tự chủ... vì vậy, người bệnh không nên e ngại giấu kín hoặc điều trị theo mách bảo.
Rò hậu môn, vì sao?
Rò hậu môn là bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Đây là một nhiễm khuẩn mạn tính ở vùng hậu môn trực tràng, đường rò là một đường hầm, lớp trong là một tổ chức hạt do quá trình viêm tạo nên và là hậu quả của một áp-xe quanh hậu môn trực tràng không được điều trị, ổ áp-xe vỡ ra ngoài thành một đường rò.
Nhiễm khuẩn các ống tuyến hậu môn là nguyên nhân chủ yếu gây ra áp-xe và rò hậu môn. Nhiễm khuẩn các ống tuyến hậu môn có thể diễn biến theo 2 dạng chủ yếu là nhiễm khuẩn cấp tính tạo nên áp-xe hậu môn và nhiễm khuẩn mạn tính tạo nên rò hậu môn. Tuy nhiên, khoảng 10-20% các trường hợp, nhiễm khuẩn bắt đầu bởi các sang chấn vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, trĩ, các vết thương nhỏ trên niêm mạc. Rò hậu môn bao giờ cũng bắt nguồn từ các áp-xe hậu môn trực tràng là hai giai đoạn của một quá trình nhiễm khuẩn vùng này. Áp-xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mạn tính. Khoảng 50% hậu môn trực tràng thoát mủ nhưng không lành và diễn tiến thành rò hậu môn.
Đường rò hậu môn điển hình (đường rò, lỗ trong, lỗ ngoài).
Cách phát hiện sớm
Ở trẻ nhỏ áp-xe cạnh hậu môn điển hình thường xuất hiện ở bé trai, phần lớn là dưới 6 tháng tuổi với biểu hiện là một khối sưng đỏ, đau hoặc nung mủ nằm ở vùng quanh hậu môn. Với bệnh rò hậu môn, bệnh nhi thường được đưa đến khám vì nốt cứng cạnh hậu môn sưng tái đi tái lại hoặc rỉ nước vàng hay chảy mủ làm trẻ khó chịu.
Đối với người lớn tiền sử bệnh nhân có nhọt cạnh hậu môn tự vỡ hay rạch dẫn lưu mà không lành hẳn cứ tái đi tái lại. Mủ chảy ra từ trong lòng hậu môn hoặc từ một lỗ hay nhiều lỗ nhỏ nằm cạnh hậu môn. Thăm khám hậu môn trực tràng bằng tay có thể đánh giá đường rò về vị trí đường đi, mức độ xơ cứng.
Ở giai đoạn cấp tính, sự hình thành áp-xe thường khiến bệnh nhân đau nhức liên tục, có thể kèm theo các rối loạn về tiết niệu, tiêu hóa, sốt... khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Còn ở giai đoạn rò, ít khi bệnh nhân đến viện do tâm lý e ngại. Biểu hiện của bệnh giai đoạn rò là có những đợt chảy dịch, mủ ở cạnh lỗ hậu môn. Lỗ rò có thể khô một thời gian, sau đó lại vỡ và chảy dịch. Có thể thấy một hoặc nhiều lỗ rò. Trường hợp có trên hai lỗ rò nằm ở hai bên tương đối cân xứng được gọi là rò móng ngựa.
Điều trị thế nào?
Rò hậu môn cần phân biệt với một số bệnh, trong đó viêm mủ da vì có các biểu hiện tương tự. Do viêm da mủ có rất nhiều những ổ áp-xe nhỏ, nông trên mặt da, thường trên một diện rộng. Nhiều trường hợp rò hậu môn kèm theo viêm da mủ. Ngoài ra, rò hậu môn còn do biến chứng của các bệnh khác cần phải phân biệt như: Rò trong bệnh Crohn, trong viêm xương vùng cùng - cụt, rò niệu đạo, viêm mủ tuyến Bartholin, rò trực tràng một số bệnh như ung thư...
Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Tùy theo từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật theo phương pháp nào. Có thể phẫu thuật mở đường rò, cắt bỏ đường rò, phương pháp cắt dần cơ thắt, phương pháp chuyển vạt niêm mạc...
Chọn thời điểm phẫu thuật rò hậu môn sau một áp-xe quanh hậu môn - trực tràng rất quan trọng. Một số tác giả cho rằng, có thể sớm mổ sau 1-2 tuần. Một số tác giả khác cho rằng, nên chờ đợi sau 6 tuần, khi đó đường rò đã được hình thành rõ ràng, tổn thương giữa phần lành và bệnh lý được phân biệt rõ rệt. Vì vậy, khi phẫu thuật đường rò được dễ dàng và ít bị lạc đường. Bệnh có trì hoãn được đối với trường hợp bé còn quá nhỏ, bé đang có bệnh lý nội khoa khác hoặc khi chỗ rò đang viêm tấy mủ. Bác sĩ sẽ cho thuốc để đường rò bớt sưng, bớt viêm rồi mới phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng không nên trì hoãn quá lâu vì rò hiếm khi tự hết và sẽ viêm nhiễm gây đau và rất khó vệ sinh cho bé.
Lời khuyên thầy thuốc
Chăm sóc sau phẫu thuật rò hậu môn rất quan trọng, góp phần lớn vào kết quả của phẫu thuật. Cần vệ sinh tại chỗ bằng cách ngâm hậu môn với nước ấm có thuốc sát khuẩn nhiều lần trong ngày, nhất là sau mỗi lần đi tiêu.
Để phòng bệnh cần tạo thói quen đại tiện đúng giờ. Sau khi đại tiện cần vệ sinh hậu môn sạch sẽ để ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, cần có chế độ ăn giàu vitamin, đầy đủ dưỡng chất, nhiều rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin như: rau cải, bí xanh, su hào, cà rốt... Hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng... Cần vận động thường xuyên. Tùy thuộc đối với từng người mà ưu tiên các môn thể thao thích hợp như: đi bộ, chạy, đánh cầu lông, yoga... Đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau khi đi đại tiện, tránh táo bón, tiêu chảy lâu ngày dẫn đến viêm nhiễm hậu môn...