(Nhà thơ Đàm Khánh Phương giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo)
Sau khi chúng tôi (TMH) đưa lên FB một số bài thơ, câu thơ hay của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh trích trong tập thơ lục bát “Thức cùng bóng tối” (NXB Hội nhà văn 10/2014) chưa đầy một ngày đã có mấy chục “còm” hưởng ứng khen thơ hay.
Năm 15 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Việt Anh mắt đang sáng rỡ như mọi người đã bị ngã đứt dây thần kinh thị giác, hỏng hai con mắt, bị mù. Nghĩa là suốt 17 năm nay Nguyễn Việt Anh sống toàn phần trong bóng tối.
Mất đôi mắt, mặt trời đối với Nguyễn Việt Anh cũng chỉ là mặt trời khiếm thị. Anh đã tập nhìn bằng trái tim mình: nhìn bằng tai, nhìn bằng tay, nhìn bằng xúc giác, vị giác, nhìn bằng hơi thở, nhìn bằng cả bàn chân và nhìn bằng chiếc gậy dắt anh đi...
Nhà thơ trẻ khiếm thị Nguyễn Việt Anh.
Hóa ra trong tâm hồn và thân xác nhà thơ trẻ này đã xuất hiện tinh thần nghìn tay nghìn mắt của Phật. Anh đã nhìn thấy những gì mà người có đôi mắt sáng chưa nhìn thấy. Có lẽ trong nền thi ca Việt Nam và thi ca thế giới chưa ai viết về giọt mưa hay như Nguyễn Việt Anh trong bài thơ 2 câu sau:
Giọt mưa làm ướt nỗi buồn/ Hay buồn làm ướt tâm hồn giọt mưa?
Nhà thơ chắc đã mang “tâm hồn giọt mưa” trong nỗi buồn ướt nước mắt của mình, hay giọt mưa từng là hóa thân của anh, một giọt mưa cô đơn, một giọt mưa buồn, một giọt mưa khiếm thị? Chỉ đọc câu lục bát thần kỳ này của Nguyễn Việt Anh đã khiến tôi ngơ ngẩn suốt cả chiều. Tôi đang có cảm giác phiêu bồng như thuở xa xưa được đọc bài thơ lục bát tuyệt vời của nhà sư Huyền Quang dịch bài thơ chữ Hán Hữu không của Đạo Hạnh thiền sư thời Lý:
Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Kìa xem bóng nguyệt lòng sông/ Ai hay không có, có không là gì?
Hữu không
Tạc hữu trần sa hữu,/ Vi không nhất thiết không./ Hữu, không như thủy nguyệt,/ Vật trước hữu không không.
Thế giới trong lòng ta hay thế giới ngoài ta cái nào thật hơn?
Tính “sắc không” nhà Phật ám ảnh hồn thơ Nguyễn Việt Anh khi chừng như anh đã vượt qua bể khổ đắng cay như hai câu viết về bóng với hình trong loạt thơ 2 câu:
“Nâng ly bóng chạm với hình/ Tưởng ta cay đắng một mình mà đôi”
Thân không còn đôi mắt, nhà thơ dùng tâm nhãn nhìn ra thế giới. Anh cụng ly với bóng mình. Tưởng chỉ mình cay đắng, hóa ra bóng cũng đắng cay! Không nhìn thấy ánh sáng, không thấy mặt trời nhưng nhà thơ khiếm thị vẫn nhìn thấy bóng mình đang sẻ chia cay đắng cùng anh. Hình như hai nỗi cô đơn cộng lại làm con người bớt cô đơn chăng? Nhưng hai nỗi đắng cay cộng lại có thành ngọt ngào?
Nhà thơ khiếm thị hình như có thiên nhãn bên trong; anh có khả năng thấy cái thật xa hơn cái thật gần; anh ngẫm nghĩ về cái lẽ đuổi theo thì mất mà buông ra thì còn, cái thân xác vuột mất nhưng cái hồn thì ở lại, tưởng thực mà hư, tưởng hư mà thực:
Em là thực hay là mơ/ Xa thì rõ gần lại mờ... mờ sương/ Sao em như thể làn hương/ Đuổi tìm thì mất nhãng buông thì còn?
(Em)
Nguyễn Việt Anh viết về cái nhớ thương đến tận cùng: yêu đến dửng dưng, thương đến lạnh lùng cằn khô, nhớ đến cạn kiệt thờ ơ, mong nhớ quá tới mức hững hờ... Bài Không đề 4 trang 33 là bài lục bát tài tình của một người yêu đến cạn lòng cạn ý. Những câu thơ viết nhẹ như không mà day dứt lòng người, mà làm lòng ta chẳng đặng đừng thương cảm:
Yêu em yêu đến dửng dưng/ Thương em thương đến lạnh lùng cằn khô/ Nhớ em nhớ đến thờ ơ/ Mong em mong đến hững hờ cả em.
Anh có câu thơ viết về cái hôn rất hay, mãnh liệt chưa từng có trích trong bài Ngọn lửa:
Trong ta ngọn lửa chập chờn/ Muốn hôn lại sợ nụ hôn cháy bùng.
Chao ôi hôn em anh sợ lắm: sợ làm cháy bùng em bởi anh đang là lửa hôn rơm mà!
Nguyễn Việt Anh mượn chuyện em nhổ tóc sâu cho anh mà nghĩ ngợi đến muôn vàn mai hậu, nghĩ đến nấm mồ anh sau này ai nhổ cỏ, khiến người đọc rùng mình bi thương trong bài Tóc và cỏ trang 48:
Giờ em nhổ tóc dùm anh/ Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau/ Yêu đi cho tóc bền màu/ Lo gì cỏ mọc trên đầu một mai
Câu thứ bốn của bài thơ này làm bài thơ sâu lắng, ngậm ngùi, nâng chuyện em nhổ tóc sâu cho anh lên một tầm triết học mới: cỏ thiên thu là tóc xanh của con người mãi mãi... Em cũng đâu còn để nhổ tóc cho anh!
Nguyễn Việt Anh có nhiều tứ thơ lạ, bất ngờ. Thơ anh ngẫm chuyện đời buồn vui, thảng thốt. Chỉ có chuyện ta vui đùa ném sỏi xuống hồ mà anh cũng viết thành thơ, viết thành một nỗi niềm sâu kín: có khi cái vui vô tình của ta là cái đau buồn của kẻ khác, cái nghịch ngợm của ta có khi làm thương tổn cá tôm:
Nhặt những hòn sỏi ven bờ/ Ném vào vô định mặt hồ du dương/ Thú vui tưởng rất bình thường/ Ai ngờ chú cá bị thương một ngày.
(Thú vui)
Nhà thơ khiếm thị không nhìn thấy hòn sỏi, không nhìn thấy cái hồ, không nhìn thấy cá bị thương do hòn sỏi vô tình ném xuống. Nhưng tâm hồn anh có đủ sỏi, đủ hồ, đủ cá cho bao bạn đọc đến ném và đến đọc thơ anh, đặng bất chợt xót xa cho chú cá bé nhỏ biết đâu vừa bị thương vì trúng đạn sỏi! Bài thơ này anh viết với tâm trạng một thiền sư, một con người giàu lòng bác ái muốn ôm vào lòng mình vạn vật dấu yêu.
Với những câu lục bát bình dị, sâu lắng của con người sống và nhìn bằng nội tâm, Nguyễn Việt Anh làm ta ngạc nhiên ngay cả trước cái vô thường của biển trong bài Trước biển:
Hải âu giờ đã khác rồi/ Cái vỏ ốc cũng qua thời mê say/ Cát là cát của hôm nay/ Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa.
Câu thứ tư bài thơ này là thần bút: “Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa”... Sóng xưa vẫn vỗ trong lòng anh đầy ắp. Hôm nay vẫn là ngày xưa. Tâm hồn nhà thơ không có không gian và thời gian, biển của tình yêu không có quá vãng, hiện tồn và vị lai... Mọi cái thay đổi nhưng tâm hồn anh vẫn còn nguyên biển ấy, sóng ấy. “Vỗ đầy ngày xưa” quả là diễm lệ lưu tình; sóng nay vẫn vỗ vào biển xưa đầy ắp nỗi niềm hôm nay...
Một chiếc lá rơi vào tay thi sĩ cũng u hoài trầm mặc, cũng mang số phận con người từng phút phải chia ly với chính mình hay chia tay với hoài niệm khổ đau theo gió cuốn đi chiếc lá ước lệ cuối cùng của buồn thương u uẩn trong bài Trắng tay:
Thu đi em cũng đi rồi/ Chỉ còn hoang vắng tôi ngồi với cây/ Ngậm ngùi đón chiếc lá bay/ Biết đâu gió giật khỏi tay nỗi buồn.
Còn một giọt buồn cầm trên tay gió cũng có cơ giật mất. Buồn ơi, em như một chiếc lá vàng rơi cuối cùng của cây đời yêu dấu đậu vào tay anh một thời xa vắng, xin gió đừng tàn nhẫn giật phăng! Còn một chiếc buồn cỏn con cũng không giữ nổi, nhà thơ anh còn cái gì để nhớ để thương ngoài chút lá vàng của mùa thu cũ?
Trong tập thơ lục bát này, Nguyễn Việt Anh đã tặng bạn đọc nhiều câu thơ hay; ví dụ trong bài Vô hình:
Em tin trong cõi vô hình/ Có bàn tay đỡ tay mình không em?
Từ cõi hữu hình, nhà thơ buông một nghi vấn vào cõi vô hình: rằng trong cõi hư vô kia có ai chìa cho anh một cái gậy, một bàn tay dìu anh không? Hỏi tức là anh đã trả lời: cái tâm nhân hậu của anh lúc nào cũng chìa niềm nâng đỡ anh dù trong đời thật hay trong cõi vô hình mai sau.
Tôi yêu câu thơ hay bất ngờ này: “Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh” trong bài Viết cho em:
Suốt đêm thức với mưa rơi/ Thức hoài chẳng biết trả lời sao đây/ Tâm tư thật khó giãi bày/ Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh.
Ba câu đầu chỉ là sự, câu kết mới là tình, là cõi mênh mông của tuyết trắng tình yêu gửi em mà chỉ người khiếm thị Nguyễn Việt Anh mới nhìn thấy, để hồn anh “viết đầy trắng tinh” lên màn đêm vĩnh cửu vây quanh.
Hầu hết phần cuối tập thơ là những câu thơ hay, chúng tôi chỉ xin trích ba câu lục bát làm bằng:
Trăng dan díu với dòng sông/ Bỏ tôi khuyết với mênh mông đất trời...
Trăng đa tình bỏ tôi dan díu với dòng sông khiến cả đất trời cùng khuyết! Nhà thơ đang dan díu với ngôn từ thơ ca bỏ người đọc cùng khuyết với vầng trăng... Cho hay cái mênh mông đất trời trong cái nhìn tâm nhãn của Nguyễn Việt Anh cũng vừa ló thành trăng lá lúa...
Nguyễn Việt Anh trong hành trình đi tìm cái tôi đã hóa con dế mèn thi ca đào rỗng nội tâm mình, xem trong mình có mấy cái tôi; hay có ai ngộ nhận mình nấp trong hồn mình làm ra mấy cái tôi giả chăng? Nhưng anh không thấy cái tôi nào ngoài cái chân tôi; rằng tôi chính là tôi trời đất ạ:
Ngoài trời còn có trời cao/ Trong tôi biết có tôi nào tôi hơn.
Tìm thấy mình rồi nhưng anh lại vấp phải bậu cửa kiếp người có tên là sắc không; rằng sao ta vẫn có chút nghi ngờ mình không không có có:
Gồng mình lên để nói không/ Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi.
Vâng, có tôi đây, tôi là Nguyễn Việt Anh, tôi đang có mặt trên cuộc đời này để mang vầng mặt trời khiếm thị vào tập thơ lục bát: Thức cùng bóng tối...
Nguyễn Việt Anh, chàng trai khiếm thị sinh năm 1982 đang sống ở Hà Nội, với số điện thoại: 0973820249. Bạn đọc nào muốn có tập thơ lục bát hay này xin gọi về cho Nguyễn Việt Anh.
Thật lạ lùng, một nhà thơ thiếu đôi mắt đã có tài biến tất cả tay chân, biến khứu giác, xúc giác, vị giác, linh giác, vô giác, biến tâm hồn và tư tưởng mình thành rất nhiều con mắt để nhìn sâu vào con người, nhìn sâu vào vạn vật. Và ở đó, anh đã gặp một người tình chung thủy, ấy chính là thi ca. Anh đã sờ thấy một giọt sương lúc rạng đông đang rớm lệ và hỏi: sương ơi em có mù không? Và hạt sương chừng như đang trả lời anh: chúng ta, em và anh đang cùng ánh mặt trời ban mai chơi trò bịt mắt bắt dê... Không, Nguyễn Việt Anh hình như đang thầm trả lời: sương ơi, anh cùng em đang chơi trò bịt mắt bắt thơ đấy...