1. Tác hại của sử dụng quá nhiều mạng xã hội đến dinh dưỡng lành mạnh ở người trẻ
Tình trạng lạm dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên hiện nay là một vấn đề rất phổ biến có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống và các hoạt động thiết yếu khác như học tập, làm việc... ở người trẻ; đồng thời làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và cảm giác cô lập xã hội, do so sánh bản thân với hình ảnh "ảo" trên mạng.
Việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội có tác động tiêu cực trực tiếp đến việc duy trì dinh dưỡng lành mạnh. Mối liên hệ này thể hiện qua các thói quen ăn uống không tốt đi kèm như ăn vặt không kiểm soát, tiêu thụ đồ uống có đường hoặc bỏ bữa...

Thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh.
Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Queensland sau khi phân tích dữ liệu của 222.865 thanh thiếu niên từ 41 quốc gia đã phát hiện ra rằng, thói quen ăn uống kém ở tuổi vị thành niên - ăn nhiều đồ ngọt, đồ uống có đường hoặc bỏ bữa sáng - có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội.
Việc sử dụng mạng xã hội ở đây được định nghĩa là quá mức (sử dụng thường xuyên hoặc kéo dài) hoặc có vấn đề (phản ánh các triệu chứng giống như nghiện với hành vi cưỡng chế và không thể kiểm soát).
Nghiên cứu cũng phân tích việc tiêu thụ trái cây và rau quả và phát hiện ra, việc sử dụng mạng xã hội có vấn đề có liên quan đến việc ăn ít trái cây và rau quả hơn, với thanh thiếu niên trong nhóm này có thể vô tình ăn các đồ ăn nhẹ không lành mạnh trong khi lướt web.
Phó Giáo sư Asaduzzaman Khan - Khoa Khoa học Sức khỏe và Phục hồi chức năng của Đại học Queenslan cho biết: "Đây là nghiên cứu đa quốc gia đầu tiên đưa ra cái nhìn sâu sắc về mối liên hệ giữa hành vi sử dụng mạng xã hội và lựa chọn chế độ ăn uống của thanh thiếu niên.
Những thói quen ăn uống kém này là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây béo phì, suy yếu hệ miễn dịch, sức khỏe tinh thần và các bệnh mạn tính bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch khi về già".
Theo Phó Giáo sư Asaduzzaman Khan, tuổi vị thành niên là cơ hội duy nhất để phát triển và thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh. Đây là giai đoạn đặc trưng bởi sự tự chủ trong hành vi ăn uống và hình thành những thói quen cá nhân mới. Thách thức ở đây là làm sao chúng ta có thể giải quyết vấn đề sử dụng công nghệ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.
Vậy, làm thế nào để giúp thanh thiếu niên cân bằng giữa thế giới ảo và việc xây dựng thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe?

Bữa ăn gia đình giúp trẻ cân bằng việc sử dụng mạng xã hội và thói quen ăn uống lành mạnh. Ảnh MH
2. Cách để cân bằng việc sử dụng mạng xã hội và thói quen ăn uống lành mạnh
Để cân bằng việc sử dụng mạng xã hội và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, những người trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên cần có ý thức quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử thông minh và nhận thức về dinh dưỡng lành mạnh đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời, nhận thức rõ về cách mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, hình ảnh cơ thể và thói quen ăn uống.
Nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất, sở thích cá nhân (đọc sách, chơi nhạc, thể thao, vẽ...), gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động gia đình. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào thế giới ảo và khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh hơn.
Trong gia đình cần tạo thói quen khi ăn uống cùng nhau và không sử dụng điện thoại/mạng xã hội trong bữa ăn. Chuẩn bị sẵn các món ăn nhẹ lành mạnh (như trái cây, sữa chua, các loại hạt...) để thay thế đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe khi cảm thấy đói.
Ăn đủ bữa, đúng giờ, học cách lắng nghe tín hiệu đói/no của cơ thể thay vì ăn theo cảm xúc.
Nếu cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội hoặc có những vấn đề về thói quen ăn uống nên trò chuyện với cha mẹ, giáo viên hoặc tư vấn của các chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan | SKĐS