Mặt trái của đám đông

31-12-2013 00:04 | Tin nóng y tế

SKĐS - “Văn hóa đám đông” bỗng trở thành từ khóa được quan tâm tại Việt Nam, nhưng phần nhiều là những cái nhìn phản ánh sự tiêu cực.

LTS: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn”- Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta! Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com.

“Văn hóa đám đông” bỗng trở thành từ khóa được quan tâm tại Việt Nam, nhưng phần nhiều là những cái nhìn phản ánh sự tiêu cực. Người ta không gọi là “lối sống đám đông” hay “thói quen đám đông” cho dù đám đông xuất hiện tại sự kiện văn hóa nào đó, đám đông vô cảm trước một vụ tai nạn hay đám đông hiếu kỳ trước những hiện tượng thiên nhiên..., mà tất cả đều được “quy thành” văn hóa.

Vô cảm

Không chỉ những sự kiện lớn mới xuất hiện đám đông mà bất kỳ chuyện bất thường nào xảy ra, đám đông cũng xúm vào quay clip, hỉ hả chia sẻ những gì họ ghi lại được trên mạng xã hội mà vô tình quên mất nạn nhân đang cần được giúp đỡ. Ngay cả hiện tượng thiên nhiên kỳ thú cũng không thể “vắng mặt” đám đông.

Có lẽ không hề quá lời khi nói rằng, được ngắm tuyết rơi là giấc mơ của rất nhiều người ở một đất nước nhiệt đới, nhất là những người trẻ. Đó là lý do khiến đám đông đổ xô đến Sa Pa những ngày qua. Rất hiếm khi hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này xuất hiện tại Việt Nam, bởi vậy cũng không có gì khó hiểu khi thời gian này, tuyết rơi tại Sa Pa đã đem lại cho giới trẻ sự hào hứng. Người chia sẻ hình ảnh, người cập nhật thông tin, thậm chí còn có nhiều nhóm bạn ngay lập tức khăn gói lên Sa Pa ngắm tuyết. Sẽ không có quá nhiều điều để tranh cãi nếu như ai cũng nhìn hiện tượng này theo một hướng tích cực. Thế nhưng, nếu suy nghĩ sâu xa, sự hào hứng với tuyết rơi tại Sa Pa lại bị cho là ích kỷ, hẹp hòi, vì mê tuyết mà... quên đi sự khốn khó của người dân bản địa. Tại sao lại có thể hân hoan, thích thú đến thế trước cảnh tuyết rơi - một hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt, mang lại bao nỗi lo cho người dân vùng núi? Có khi nào câu hỏi này khiến người trong cuộc phải suy nghĩ.

“Tranh thủ”

Đám đông càng lớn càng thu hút sự chú ý, khi mà cả xã hội lên án sự kiện “hôi bia” đáng xấu hổ thì truyền thông nước ngoài cũng vào cuộc.

Theo thói quen, dư luận chỉ nhìn thấy điểm đen, tiếp đó là “vơ đũa cả nắm” mà không nghĩ đến yếu tố “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi cũng gần thời điểm đó tại một thành phố khác, khi nhìn thấy xe gặp tai nạn tương tự, đám đông lại xúm vào giúp đỡ. Tiếc là sức lan tỏa của sự kiện “hôi bia” đã làm lu mờ tất cả những hành động đẹp khác.

 	Văn hóa xếp hàng trong đám đông - ước mơ còn xa.

Văn hóa xếp hàng trong đám đông - ước mơ còn xa.

Bon chen

Người Việt không có văn hóa xếp hàng trong đám đông, nhận định này chưa thỏa đáng bởi nhiều người biết nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy nên họ cũng đành bon chen mới mong “đến lượt mình”. Từ chuyện mất khái niệm xếp hàng, đám đông nảy sinh thêm nhiều hành động kém văn hóa khác nữa.

Mới đây, sự kiện trình diễn ánh sáng tại Dinh Thống Nhất cũng thu hút đám đông khổng lồ. Người dân tại TP.HCM đã có dịp chiêm ngưỡng màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng 3D, kết hợp cùng âm nhạc tuyệt đỉnh do các kỹ sư và nghệ sĩ hình ảnh của nhóm Spectaculaires, Allumeurs d’imagines của Pháp thực hiện. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á mà nhóm thực hiện hoạt động nghệ thuật này nhân dịp bế mạc Năm Pháp tại Việt Nam. Đó chính là những yếu tố đặc biệt để hút đám đông.

Biển người chật kín cả một dãy đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Duẩn khiến giao thông “đóng băng”. Chưa hết, người ta còn chen lấn, xô đẩy nhau để giành được vị trí đẹp, chưa hài lòng, người ta còn... ngồi lên vai nhau. Thậm chí, khi đã giành được vị trí đẹp, đám đông lại thò cả tay chân qua rào chắn mới cảm thấy “thỏa mãn”. Vậy mà, không mấy ai nhận ra những hành động chưa đẹp của mình.

Làm phiền

“Biển người” chen chân xem ngôi mộ cổ ở ngoại thành Hà Nội trong những ngày qua cũng nhận được những ánh nhìn tiêu cực về văn hóa đám đông. Hàng ngàn người dân ùn ùn đổ về cánh đồng Chằm thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) để chiêm bái, thắp hương ngôi mộ cổ vừa được phát hiện. Lượng người càng đông hơn khi chiều 10/12, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cùng các chuyên gia khảo cổ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nội tiến hành mở nắp chiếc quan tài cổ. Sự hiếu kỳ không có lỗi, nhưng sự thiếu ý thức của họ đã khiến lực lượng công an phải chật vật để giữ trật tự.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng và sức mạnh của đám đông trong những sự kiện văn hóa cần sức lan tỏa mạnh. Tuy nhiên, có những đám đông tự phát lại “mất điểm” trong mắt người khác. Thay đổi văn hóa đám đông không phải việc dễ dàng, tìm lại nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt lâu nay lại càng khó khi mà chúng ta đã để lại nhiều “dấu ấn” với truyền thông nước ngoài. Thiết nghĩ, trước khi hùa theo đám đông, mỗi cá nhân nên suy nghĩ thấu đáo, đừng vì chút hiếu kỳ, lòng tham trỗi dậy trong phút chốc hay sự vô tâm bột phát mà vô tình làm tổn thương người xung quanh và khiến xã hội phiền lòng.

Thu Trà

 


Ý kiến của bạn