Khi được chẩn đoán hạt xơ dây thanh quản nhiều người lo lắng liệu có chữa được căn bệnh này không?
Nguyên nhân gây hạt xơ dây thanh quản
Nguyên nhân chính gây ra hạt xơ dây thanh quản là sử dụng giọng nói liên tục. Việc sử dụng giọng nói quá tải liên tục ảnh hưởng đến niêm mạc dây thanh, làm cho khả năng co hồi của niêm mạc giảm đi. Mô dây thanh lúc này phản ứng bằng việc tăng sinh, dẫn đến hình thành các hạt xơ trên dây thanh.
Ngoài ra, một số nguyên nhân sau đây cũng gây ra các hạt xơ tại thanh quản:
- Viêm họng, viêm thanh quản, các trường hợp viêm xoang mãn tính dai dẳng không được điều trị dứt điểm.
- Lối sống không lành mạnh, uống rượu bia, chất kích thích.
- Mắc hội chứng trào ngược họng – thanh quản, dạ dày – thực quản kéo dài.
- Khàn tiếng kéo.
Hạt xơ tại thanh quản có nguy hiểm không?
Khàn tiếng, mất tiếng là những dấu hiệu chủ yếu của bệnh. Người bệnh thường đến khám vì dấu hiệu khàn tiếng kéo dài, mất tiếng uống thuốc mà không đỡ do tự uống thuốc hoặc theo mách bảo.
Hạt xơ dây thanh quản có tần suất gặp nhiều hơn ở những người làm công việc đòi hỏi phải sử dụng giọng nói nhiều như dẫn chương trình, ca sĩ... Đặc biệt khi cổ họng đang sưng đau, khàn tiếng mà vẫn không để dây thanh nghỉ ngơi, sẽ khiến cho thanh quản bị viêm và lâu dần các hạt xơ dây thanh sẽ có xu hướng xuất hiện.
Hạt xơ dây thanh không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng ảnh hưởng tới chất lượng giao tiếp bằng ngôn ngữ của người bệnh do giọng nói thay đổi, trở nên khàn, rè, giọng thô ráp.
Với những người làm công việc không cần chất lượng giọng tốt sẽ không thấy khó khăn khi làm quen với sự thay đổi của giọng nói. Ngược lại, với những người sử dụng giọng như một công cụ lao động trong nghề nghiệp của mình như ca sĩ hoặc phát thanh viên, hạt xơ dây thanh lại là vấn đề nghiêm trọng. Những người bị hạt xơ dây thanh sẽ không hát được những nốt cao, hơi không thể kéo dài được do hiện tượng hở hai dây thanh khi họ sử dụng giọng. Nhiều người trong số họ bị khủng hoảng về tâm lý. Giai đoạn này rất cần sự can thiệp, hỗ trợ và tư vấn của bác sĩ Tai Mũi Họng.
Cách chữa hạt xơ dây thanh quản
Khi mắc hạt xơ dây thanh quản không nên quá lo lắng vì đây là một bệnh có thể chữa khỏi được. Tùy từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp, cụ thể:
Dùng thuốc
- Uống thuốc toàn thân như kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng... tùy theo tình trạng tổn thương của dây thanh khi thăm khám và mức độ khàn tiếng.
- Điều trị tại chỗ cho thanh quản: nhỏ thuốc trực tiếp vào dây thanh, khí dung vùng mũi họng thanh quản....
Can thiệp phẫu thuật
Còn gọi là vi phẫu thanh quản, lấy bỏ hạt xơ dây thanh 2 bên bằng dụng cụ vi phẫu.- Chỉ định: Khi điều trị nội khoa đúng phác đồ 6 tháng không cải thiện; Cần chất giọng để làm việc (ca sĩ, phát thanh viên...).
- Phẫu thuật sẽ được tiến hành trong phòng mổ, gây mê và sử dụng kính hiển vi phẫu thuật.
Luyện giọng: Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được hướng dẫn cách phát âm lại nhằm tránh tái phát hạt xơ cũng như các tổn thương có thể làm nhược cơ dây thanh.
Tóm lại: Hạt xơ dây thanh quản mặc dù không phải là bệnh ác tính nhưng cũng cần chú ý thăm khám và điều trị sớm. Nghiêm túc trong điều trị cũng chính là cách tốt nhất để bảo vệ giọng nói của chính mình và ngăn ngừa được các vấn đề nguy hiểm phát sinh.