Liên tục bị “tuýt còi”
Đây là điều không khó để nhận thấy với Netflix - dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Không thể phủ nhận, Netflix nói riêng và những kênh truyền hình thu phí khác đang có ở Việt Nam hiện nay như Apple TV, iQIYI đem tới cho khán giả những trải nghiệm mới trong việc thưởng thức các sản phẩm giải trí như điện ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế…nhưng các kênh này cũng tiềm ẩn những rủi ro và gây ra sự bức xúc với công chúng.
Gần đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim truyền hình Pine Gap đã công chiếu tại Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, Pine Gap dài 6 tập, do bộ phim này đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 của bộ phim này.
Pine Gap do Netflix chiếu gần đây đã được cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ vì vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Đây không phải lần đầu tiên Netflix bị cơ quan chức năng tại Việt Nam tuýt còi khi cung cấp tới khán giả những tác phẩm điện ảnh gây bức xúc trong dư luận, đồng thời trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt. Netflix từng bị lên án vì chiếu loạt phim tài liệu Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam), trong đó có một số nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam; tiếp đó là phim Madam Secretary (Nữ Ngoại trưởng) xuyên tạc chủ quyền nước ta khi chú thích phố cổ Hội An ở Quảng Nam - Việt Nam là Phù Lăng - một địa danh của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, không ít phim chiếu trên nền tảng Netflix còn bị chỉ trích là mô tả chi tiết các hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm quá đà, ảnh hưởng tiêu cực đến người xem như phim: Bánh đa tầng, Polar: Sát thủ tái xuất, Phía sau phim khiêu dâm... Ngoài ra còn có bộ phim 365 ngày yêu tràn lan các nội dung, hình ảnh bắt cóc, buôn bán tình dục, khiêu dâm trái với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa người Việt đã khiến khán giả nước nhà vô cùng bức xúc.
Cần quyết liệt, mạnh tay hơn
Thực tế, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, OTT truyền hình (Over The Top Televison - giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng internet) đang là xu hướng của thời đại. Xem phim, chương trình giải trí và mất phí trên internet ngày càng phát triển mạnh mẽ bởi các thiết bị cá nhân (điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop…) giúp người xem có thể truy cập nội dung một cách tiện lợi trong bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản và thanh toán bằng các thẻ quốc tế là có thể dễ dàng xem các kênh nội dung của những dịch vụ truyền hình như Netflix.
Dẫu có những sự tiện lợi nhưng từ dịch vụ Netflix kể trên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng ở nước ta cần siết chặt quản lý nội dung dịch vụ truyền hình trả tiền hơn nữa. Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, trong khi các đơn vị trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt thì các đơn vị nước ngoài không những không thực hiện các quy định cần thiết mà còn vi phạm pháp luật. Để không còn những sự việc này, ông Lê Đình Cường cho rằng, chúng ta phải nhất quán quan điểm, cách hành xử đối với các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng truyền hình xuyên biên giới, đó là phải tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng môi trường kinh doanh bình đẳng.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền như Netflix cứ liên tiếp xem thường pháp luật, thường xuyên phát sóng, cung cấp những chương trình, bộ phim sai trái về chủ quyền Việt Nam, nội dung thiếu lành mạnh thì các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý, thậm chí cấm phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ thị trường truyền hình trả tiền trong nước cũng như khán giả nội địa.