Trần Thị Lan (Thanh Hóa)
Mắt chị bị vẩn đục dịch kính. Bệnh thường gặp ở người tuổi 50 trở lên, người cận thị, người có bệnh võng mạc như bệnh võng mạc tiểu đường, viêm trong mắt, chấn thương mắt, sau phẫu thuật hoặc làm laser điều trị cũng có thể bị vẩn đục dịch kính. Một vài trường hợp vẩn đục dịch kính là bẩm sinh xuất hiện từ khi mới sinh.
Vẩn đục dịch kính thường gặp và phần lớn không gây nguy cơ gì cho mắt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra vẩn đục dịch kính như thoái hóa dịch kính, bong dịch kính sau và bong võng mạc. Ngoài thoái hóa dịch kính, vẩn đục dịch kính còn có thể do chất viêm hoặc máu trong dịch kính.
Thoái hóa dịch kính là quá trình lão hóa tự nhiên của con mắt. Thoái hóa thường bắt đầu từ tuổi trung niên nên vẩn đục dịch kính thường xuất hiện trên mắt bình thường sau lứa tuổi này. Mắt của người cận thị thường bị thoái hóa sớm hơn nên người cận thị thường có vẩn đục dịch kính ở tuổi trẻ hơn. Những người bị vẩn đục dịch kính trên mắt đã có bệnh từ trước như chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật thì cần đi khám sớm vì vẩn đục có thể không phải do thoái hóa bình thường. Những trường hợp khác vẩn đục thường lành tính, tuy nhiên, do một tỷ lệ nhỏ có thể có biến chứng rách và bong võng mạc. Vì thế, những người lần đầu tiên bị vẩn đục dịch kính có kèm theo chớp sáng cần phải được khám kiểm tra võng mạc, đặc biệt là những người cận thị vì tỷ lệ biến chứng cao hơn.
Trong trường hợp vết rách võng mạc được phát hiện sớm, có thể được điều trị thành công bằng laser; khi đã có bong võng mạc thì cần phải phẫu thuật. Vẩn đục dịch kính có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Những vẩn đục lớn có thể không bao giờ mất đi.
Có thể điều trị vẩn đục dịch kính bằng phẫu thuật hoặc laser nhưng không phổ biến và cần cân nhắc giữa lợi ích và biến chứng có thể gặp do phẫu thuật. Vẩn đục dịch kính mặc dù khó chịu nhưng phần lớn bệnh nhân có thể học cách làm quen và bỏ qua chúng trong cuộc sống. Hiện không có biện pháp nào để phòng ngừa không cho vẩn đục dịch kính xảy ra.