Hà Nội

Mát tay “ông đỡ” thôn bản

17-01-2010 10:08 | Xã hội
google news

Tập tục đẻ nhiều, đẻ tại nhà ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã không ít lần dẫn đến những ca tử vong sản phụ hoặc tử vong sơ sinh, thậm chí mất cả mẹ và con sau những ca đẻ khó.

Tập tục đẻ nhiều, đẻ tại nhà ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã không ít lần dẫn đến những ca tử vong sản phụ hoặc tử vong sơ sinh, thậm chí mất cả mẹ và con sau những ca đẻ khó. Trong khi điều kiện kinh tế xã hội, y tế chưa thể cải thiện cơ bản một sớm một chiều, những “bà đỡ” thôn bản giàu kinh nghiệm ở đây đã góp phần đáng kể hạn chế tỷ lệ tai biến sản khoa. "Tài sản" chuyên môn của họ chỉ là sự khéo tay, lòng nhiệt tình và một vài tháng được tập huấn kiến thức sản khoa...

Gần 30 năm làm “ông đỡ”

A Tỷh năm nay 50 tuổi nhưng đã có tới 26 năm kinh nghiệm làm "bà đỡ" ở thôn Kon Ling, xã Đắc Hà, huyện Tu mơ rông, Kon Tum. Biết đỡ đẻ từ năm 1984, lúc đó A Tỷh mới 24 tuổi, sau một thời gian theo học cũng một “ông đỡ” người Bana ở thôn Ti Tu. Người đẻ dễ, ông đỡ mẹ tròn con vuông trong vòng 15 - 20 phút, ca khó hơn mất khoảng 1h. Những ca mà kinh nghiệm mách bảo cho ông là thật sự khó thì A Tỷh khuyên họ nên đến bệnh viện. Năm ngoái, A Tỷh đỡ cho một sản phụ đau đẻ từ 7h tối mà đến 1h sáng mới đẻ được. Đó là đứa con đầu tiên của hai vợ chồng chị Y Nghém nên hai người đều lo lắng. Sau khi em bé cất được tiếng khóc oe oe, A Tỷh không quên xem lại nhau thai, bởi theo kinh nghiệm nếu nhau trầy xước, rất có thể em bé không khỏe mạnh, bà mẹ cần chú ý. Sau đẻ, ông khuyên các sản phụ nên ăn cơm với thịt rim hạt tiêu tươi và rau ngót, sẽ nhanh khỏe hơn. Ngay cả trong lúc mang thai, bà mẹ nếu chịu khó ăn trứng gà, không chỉ tốt cho thai nhi mà còn dễ đẻ hơn. Lúc trước, A Tỷh đi đỡ, người dân còn lấy chiếu cũ đốt lên, bôi tro vào chỗ cắt rốn chứ chưa có khái niệm nhiễm trùng. Đi học lớp bồi dưỡng cho “bà đỡ” thôn bản trong 6 tháng năm 1998, A Tỷh thấy quả thực kinh nghiệm là quý, nhưng không thể thay thế kiến thức khoa học. Các bà mẹ thường cho rằng, những giọt sữa đầu không phải của mình mà là của ông trời nên họ bỏ đi mấy giọt sữa đầu. A Tỷh khuyên các bà mẹ nên cho con bú ngay sữa non và bú được càng lâu càng tốt, bởi nhiều bà mẹ thường cai sữa từ sớm khi bắt đầu lên rẫy làm nương.

 Ở Kon Tum, nhiều phụ nữ tại các thôn bản xa thường đẻ tại nhà.

Những kinh nghiệm tích lũy được, A Tỷh lại tâm đắc truyền cho A Lai - người "đồng nghiệp" trẻ ở thôn Đăk Pơ trang. A Lai năm nay 35 tuổi, nhưng cũng đã làm “ông đỡ” được 5 năm. Từ lòng nhiệt tình với y tế thôn bản, anh xin đi học và kiên trì thực tập các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi ở BV huyện Đắc Tô trong 3 năm. Quê A Lai kinh tế đỡ khó khăn hơn rồi, nhưng nhiều chị em vẫn ngại ra trạm, hỏi ai cũng muốn đẻ ở nhà, chỉ bởi vì "Đẻ ở nhà miết quen rồi". Thế nên A Lai tự nhủ: Biết càng nhiều, càng đỡ được cho bà con nhiều hơn. Ca khó, A Lai cũng thận trọng điện thoại gọi xe của BV Đắc Tô, không có xe thì A Lai giúp một tay khiêng võng đưa sản phụ xuống Trung tâm y tế huyện Tu mơ rông cách đó gần chục cây số đường dốc.

Khi bắt tay với công việc đỡ đẻ, cả A Tỷh và A Lai đều không ngờ họ lại gắn với nghiệp "ông đỡ" đến như vậy. Có người gọi, họ đều sẵn sàng tới, không quản ngại đang trên nương rẫy hay lúc nửa đêm, dù không có một đồng thù lao nào ngoài 70.000đ/tháng là phụ cấp của y tế thôn. A Tỷh ngoài lúc lên rẫy, tranh thủ đi chặt cây bời lời, kiếm măng, rèn dao để có tiền chi tiêu trong gia đình. A Lai thì quanh năm làm khoai mì (sắn), bắp (ngô). Không ngại khổ, ngại khó nhưng cả A Tỷh và A Lai đều thấy bó tay khi có những sản phụ bảo thủ, không bỏ rượu dù đang mang thai. "Mẹ uống rượu, mẹ say thì em bé cũng say. Mẹ không bỏ rượu, em bé sẽ ốm". Đã mấy chị nghe khuyên rồi giả vờ ậm ừ, khuất bóng các “bà đỡ” lại uống, A Tỷh và A Lai nghiệm thấy về sau họ đều đẻ non.

 A Tỷh với 26 năm làm “ông đỡ” thôn bản.

Đẻ nhà vì... xấu hổ

Những “bà đỡ” thôn bản được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, đến giữa năm 2009, Kon Tum mới chỉ có 75 người. Những “ông đỡ” như A Tỷh, A Lai đếm chưa hết hai đầu ngón tay, nhiệt tình và khéo léo chẳng kém phụ nữ. Theo BS. Đặng Thị Xuân, PGĐ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Kon Tum: "Các “bà đỡ” thôn không chỉ hỗ trợ các sản phụ không kịp hoặc không muốn sinh nở tại trạm xá, họ còn giúp nâng cao dân trí cho người dân khi họ sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc tốt sức khỏe, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác đỡ đẻ an toàn và đảm bảo vô khuẩn khi đỡ đẻ trong điều kiện còn hạn chế.

Nhưng con số 75 bà đỡ thôn bản ở Kon Tum còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Năm 2008, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế đạt 70%; tỷ lệ phụ nữ đẻ có cán bộ y tế đỡ đạt 80,7%. Vẫn còn nhiều chuyện đau lòng, không ai muốn xảy ra đâu đó trong những thôn làng xa trạm y tế. Cuối tháng 8/2009 vừa qua, chỉ trong vòng 1 tuần, chị Y Sâm - nữ hộ sinh Trạm y tế xã Đắk Hà đã chứng kiến 1 bà mẹ và 2 trẻ sơ sinh tử vong. Chị Y Hàn đẻ con thứ 10 và Y Ngọ đẻ con thứ 8 cùng ở thôn Ngọc Leng, ai cũng đều đã qua tuổi 40. Sức của người mẹ gầy yếu, đã đẻ đến con thứ 10 khiến Y Hàn kiệt sức sau cơn đau đẻ. Chồng của chị Y Hàn nói rõ lý do vì sao cả vợ và con mình không qua được cuộc trở dạ: "...Cô ấy không chịu đi đến trạm y tế, vì sinh con nhiều nên ngại. Nhà không có xe máy, lúc khó đẻ, cộng tác viên dân số đến nhà chở mà vẫn không đi. Khi đẻ lại bị băng huyết, đến trạm y tế thì đã quá muộn". Chị Y Sâm cho hay: "Cả xã Đắk Hà có 10 thôn, nhưng chỉ có 1 thôn là có người đến trạm đẻ, nhưng 99% là đẻ ở nhà. Trong 10 thôn cũng chỉ có 3 thôn là Mô Pả, Tu mơ rông, Kon Tun, những vùng người dân không theo đạo là các cặp vợ chồng chịu áp dụng một biện pháp tránh thai nào đó”. Chị làm ở xã hơn 10 năm nhưng chỉ đỡ được 1 - 2 ca.

 Tuy trẻ nhưng A Lai cũng là “ông đỡ” mát tay có tiếng ở xã Đăk Hà.

Theo chị Y Sâm: "Phụ nữ dân tộc Xê-đăng trên 30 tuổi thường có nhiều con, khi được hỏi về việc khám thai hay sinh đẻ tại trạm y tế thì họ thường tỏ thái độ dè dặt và cho rằng họ đã trót có nhiều con rồi, đằng nào cũng vậy nên có đẻ thêm cũng không sao. Phụ nữ trong thôn khi có thai, cán bộ y tế đều biết, vận động họ khám thai, tiêm phòng thì họ nhất định không đi, họ nói lớn tuổi rồi mà có bầu nên xấu hổ. Nhiều thôn, làng vẫn tồn tại những tập quán lạc hậu: Cha đỡ sinh cho con, chồng đỡ sinh cho vợ. Khi vợ đau bụng, chồng leo lên cây cao rồi tuột xuống hoặc vợ đau bụng, chồng bước qua lại ngang bụng vợ để vợ mau sinh hơn... Điều này khiến nhiều phụ nữ mặc dù có 7, 8 lần "mang nặng đẻ đau" nhưng chỉ nuôi được một nửa.

Theo Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) huyện Tu Mơ Rông:  Năm 2007 có 2 bà mẹ và 18 trẻ tử vong, năm 2008 có 1 mẹ chết, 14 sơ sinh tử vong. Còn trên toàn tỉnh Kon Tum, năm 2008 ghi nhận 65 ca tai biến sản khoa, năm 2007 chỉ 38 ca. Với sự nỗ lực của y tế Kon Tum nói chung, đội ngũ y tế thôn bản nói riêng và những “ông đỡ” thôn bản như A Tỷh, A Lai... đã giúp người dân nơi đây tiếp cận với dịch vụ y tế, giảm thiểu tai biên do bệnh tật, thai sản...           

Bài, ảnh: Quang Hưng


Ý kiến của bạn