Mất răng đừng nghĩ là chuyện nhỏ

29-03-2019 12:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mất răng dẫn đến sức khỏe kém và làm giảm chất lượng cuộc sống. Việc xử trí phục hình trên bệnh nhân mất răng lâu ngày là một thách thức lớn đối với thực hành nha khoa.

Theo ThS.BS. CKII Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, trước đây, kế hoạch điều trị truyền thống đối với bệnh nhân mất răng toàn bộ hàm dưới là phục hình toàn hàm tháo lắp dựa trên sống hàm mất răng. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, mất răng lâu năm, sống hàm hàm dưới tiêu xương trầm trọng ảnh hưởng đến khả năng lưu giữ và nâng đỡ.

Điều trị implant trở nên cần thiết trong nha khoa nhằm tái tạo khớp cắn chức năng, thẩm mỹ cũng như cải thiện các rối loạn phát âm (Nguồn: BV Răng Hàm Mặt TW TP.HCM)

“Phục hình kém đưa đến bệnh nhân ăn nhai không thoải mái, cảm thấy khó khăn khi mang phục hình tháo lắp hàm dưới. Trong những trường hợp này, việc cấp ghép 2 hay 4 implant để lưu giữ phục hình - được gọi là hàm phủ trên implant - là một giải pháp thường được lựa chọn. Hiện nay, ngành nha có rất nhiều hệ thống khóa cài được sử dụng như dạng chốt, dạng thanh, từ tính, chụp lồng… để nối các implant và hàm phủ,” BS. Trung Chánh cho biết.

Ngày 28 và 29/3/2019, BV. Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã tổ chức Hội nghị khoa học và đào tạo liên tục chuyên ngành Răng Hàm Mặt lần thứ 21 với chủ đề “Nâng cao kết quả điều trị với những ý tưởng, kỹ thuật và công nghệ mới”. Hội nghị thu hút 350 - 400 các bác sĩ công tác trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt.

Đây là cơ hội để các y, bác sĩ gặp gỡ, trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận các phương pháp, trang thiết bị, vật liệu, dụng cụ tiên tiến của thế giới. Hàng chục báo cáo viên trong và ngoài nước đã trình bày những nghiên cứu khoa học và thực hành lâm trong lĩnh vực Phẫu thuật tạo hình, Chỉnh hình răng mặt, Cấy ghép nha khoa, Phục hình, Chữa răng nội nha, Nha chu, Gây mê hồi sức…

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, bất kể ngành khoa học nào, đặc biệt y học, nếu không đào tạo liên tục, không được chuyển giao kỹ thuật, không có những hội nghị khoa học, không thể phát triển cũng như nắm bắt những kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh. (Ảnh: A. Quý)

Bên cạnh các báo cáo khoa học là các lớp thực hành về xử trí ban đầu trong các trường hợp cần cấp cứu, ứng dụng vật liệu tương hợp sinh học trong điều trị nội nha, kỹ thuật làm dài thân răng trong thẩm mỹ nha khoa, kỹ thuật nâng xoang, ghép xương trong cấy ghép Implant nha khoa. Ước tính, trung bình mỗi năm, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM tiếp nhận từ 4.000 ca có nhu cầu cấy ghép răng.

Điều trị implant trở nên cần thiết trong nha khoa nhằm tái tạo khớp cắn chức năng, thẩm mỹ cũng như cải thiện các rối loạn phát âm… Tuy nhiên, trong hội nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng điều trị implant hiện nay đã trở nên phổ biến và có phần bị lạm dụng. Thêm vào đó, nhiều báo cáo nói đến biến chứng gây ra bởi những thất bại sớm của implant. Một trong những nguyên nhân gây thất bại sớm là viêm quanh implant.

Viêm quanh implant thường xuất phát từ việc kiểm soát mảng bám kém, và không tái khám/tái khám không định kỳ hay không thực hiện điều trị duy trì. Hút thuốc lá và điều chỉnh khớp cắn không tốt cũng có mối liên quan.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, trước khi điều trị implant, bệnh sâu răng và bệnh nha chu, bệnh nhân phải hiểu được tình trạng răng miệng hiện tại, như là “Tại sao bây giờ tôi phải làm implant?”, “Nguyên nhân gây sâu răng và bệnh nha chu?”…

Chuyên gia implant phải có khả năng trong việc khám, chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị chính xác, kỹ thuật phẫu thuật chuyên nghiệp, thực hiện tốt các chăm sóc ban đầu bao gồm việc cạo vôi răng và chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được tăng cường chăm sóc sức khỏe răng miệng, tăng chỉ số chăm sóc nha khoa và tăng động lực cho việc điều trị ban đầu cũng như vệ sinh răng miệng bằng cách tự lên kế hoạch bảo vệ các vấn đề răng miệng của họ. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị duy trì đến một cách tự nhiên và đều đặn.

Cũng nhân dịp này, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Barsky. Trước đây, bệnh viện là Viện Răng Hàm Mặt, được hình thành từ Khoa Răng Hàm Mặt của BV. Chợ Rẫy với cơ sở hạ tầng của Trung tâm Barsky.

Được thành lập năm 1969, Trung tâm Barsky là cơ sở điều trị phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình cho trẻ em. Từ năm 1969 đến 1972, Trung tâm Barsky đã điều trị cho hơn 4000 trẻ em, đến tháng 4/1975, trung bình có khoảng 1200 trẻ em được điều trị mỗi năm. Cô bé Kim Phúc (nhân vật trong tấm ảnh nổi tiếng “cô bé Napalm”) đã được cứu chữa và điều trị tại trung tâm. Sau giải phóng, Trung tâm được sáp nhập vào BV. Chợ Rẫy, đến năm 1980, Trung tâm Barsky trở thành đơn vị sự nghiệp y tế độc lập và được đổi tên thành Viện Răng Hàm Mặt.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế Việt Nam phát triển và theo kịp thế giới, một phần nhờ vào sự hỗ trợ đến từ quốc tế, cũng như sự cố gắng miệt mài học tập của các nhà khoa học, y bác sĩ Việt Nam.

“Tôi đánh giá rất cao chuyên ngành Răm Hàm Mặt cũng như BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM. Bất kể ngành khoa học nào, đặc biệt là y học, nếu không có sự đào tạo liên tục, không được chuyển giao kỹ thuật, không có những hội nghị khoa học, chúng ta không thể phát triển cũng như nắm bắt những kỹ thuật mới, những phác đồ hay để điều trị cho bệnh nhân nói chung, răng hàm mặt nói riêng,” GS. TS. Viết Tiến chia sẻ.


An Quý
Ý kiến của bạn