Mất răng do viêm nha chu, phòng thế nào?

11-11-2015 10:34 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm nha chu là bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở tuổi trung niên, người cao tuổi, bệnh thường được phát hiện muộn.

Viêm nha chu là bệnh rất phổ biến của vùng răng miệng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở tuổi trung niên, người cao tuổi, bệnh thường được phát hiện muộn. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất răng ở người lớn.

Bệnh diễn tiến thầm lặng

Nha chu là tổ chức xung quanh răng, giúp răng đứng vững trong xương hàm. Khi bị vi khuẩn tấn công làm viêm nhiễm các tổ chức xung quanh răng, làm răng suy yếu, giảm chức năng ăn nhai, ảnh hưởng tới sức khỏe. Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn: viêm nướu và viêm nha chu.

Mất răng do viêm nha chu, phòng thế nào?
Chải răng đúng cách để phòng sâu răng, viêm nha chu.

Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém hoặc không đúng cách, các mảng bám có chứa vi khuẩn sẽ gây viêm nướu. Viêm nướu nếu không được điều trị sẽ bị viêm nặng hơn, dần sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Lúc này bệnh sẽ tiến triển rất nhanh dù điều trị cũng không thể hồi phục như cũ vì bệnh đã phá hủy các mô nâng đỡ răng nằm sâu bên dưới nướu ở giai đoạn này, răng bị lung lay và tự rụng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.

Ngoài nguyên nhân kém vệ sinh, còn có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu như: Chế độ dinh dưỡng, sức khỏe răng miệng không tốt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Hoặc các bệnh liên quan đến chuyển hóa, miễn dịch như: đái tháo đường, bệnh bạch cầu, HIV/IADS...

Bệnh diễn tiến thầm lặng nên người bệnh thường không quan tâm. Khi bệnh tiến triển dần với các dấu hiệu: Chảy máu nướu khi chải răng; nướu sưng đỏ, dễ chảy máu; vôi răng đóng ở cổ răng; hơi thở có mùi hôi dai dẳng. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng khi đó nhiễm khuẩn nướu sẽ có mủ chảy, bệnh nhân có cảm giác không bình thường khi nhai; răng lung lay, thưa ra... Vì vậy, bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có nhiều biến chứng như: tiêu xương ổ răng, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Chải răng đúng cách hàng ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ, thay bàn chải ba tháng/lần. Luôn dùng bàn chải mềm, chải răng theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng. Bàn chải được đặt nghiêng sao cho có thể chải bờ viền giữa răng và nướu, lấy sạch các mảng bám ở viền nướu và khe răng. Bờ viền răng là nơi mảng bám hình thành đầu tiên, do đó phải làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, cần khám răng định kỳ, lấy cao răng khoảng 6 tháng một lần (có thể sớm hơn nếu nhiều cao răng).

Nếu có điều kiện nên thường xuyên dùng chỉ tơ nha khoa để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở khe răng. Không nên dùng tăm xỉa răng đâm xọc qua các khe răng vì sẽ gây hở khe răng, gây chảy máu lâu dần sẽ đưa đến viêm nướu. Súc miệng hàng ngày với nước muối ấm pha loãng (không nên mặn quá gây tổn thương lợi). Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, tránh hút thuốc lá.

Khi phát hiện các dấu hiệu của viêm nướu, cần đến bác sĩ nha khoa để điều trị kịp thời dễ dàng, tránh các biến chứng. Nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp, gây tốn kém, không đạt kết quả khả quan.

Bác sĩ Thanh Hòa

 

 


Ý kiến của bạn