Nguyên nhân là do ngoại cảm phong hàn, phong thấp nhiệt độc từ bên ngoài xâm nhập cơ thể kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng phế và tỳ.
Theo y học hiện đại, nguyên nhân chính gây bệnh viêm phế quản cấp tính là do siêu virus, điển hình là các loại virus gây cảm lạnh và cúm. Ngoài ra, bệnh còn do nhiễm khuẩn vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích phổi, ví dụ như khói thuốc, bụi, ô nhiễm không khí.
Để dự phòng tích cực căn bệnh này bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường bằng dung dịch khử khuẩn.., Ngoài ra có thể sử dụng một số bài thuốc kinh nghiệm đơn giản của Đông y dưới đây:
Bài 1: Củ cải 1.000g, mật ong 100g, nước muối nhạt lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch thái miếng bằng ngón tay, đem ngâm trong mật ong 1 ngày sau đó đem sao lửa thật nhỏ trong 30 phút (chú ý đảo luôn kẻo cháy), sau đó lại cho thêm mật ong sao đi sao lại vài lần cho đến khi mật ong kết lại là được, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tiêu trệ tán ứ, bổ trung ích khí. Ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2-3 miếng, dùng nước muối nhạt chiêu cùng.
Hình ảnh viêm phế quản.
Bài 2: Bách bộ khô 120g, mật ong 150g. Bách bộ tán thành bột trộn với mật ong rồi đem hấp cách thủy trong 1 giờ, sau đó đem sấy khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tư bổ nhuận phế, thanh táo chỉ ho, dưỡng tâm an thần, dùng rất tốt cho người viêm phế quản mạn tính có ho khan, phiền táo, đại tiện bí kết, thần kinh suy nhược. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.
Bài 3: Hạt củ cải trắng 250g, quả lê 250g, ngó sen 250g, quất hồng 120g, đào nhân 120g, mật ong 500g. Các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước, cô đặc thành dạng cao rồi cho mật ong vào đảo đều, bảo quản trong lọ sành dùng dần. Công dụng: nhuận phế hóa đàm, bổ thận nạp khí, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20g.
Bài 4: Trứng gà 1 quả, mật ong 35g. Đun sôi mật ong bằng lửa nhỏ, cho thêm một chút nước rồi đập trứng vào nấu chín. Công dụng: nhuận phế chỉ khái. Ăn mỗi ngày 1 lần.
Bài 5: Hạnh nhân 100g, tử uyển 100g, ma hoàng 30g, tô tử 60g, mật ong 250g, đường đỏ 300g. Ngâm 4 vị thuốc trong nước lạnh 1 giờ rồi đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, lọc lấy nước cô thành cao, trộn với mật ong, đường đỏ chưng cách thủy trong 2 giờ, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: ôn hàn hóa đàm, thuận khí thư hung, lợi tâm phế, thông nhị tiện. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.
Bài 6: Cam thảo 6g, giấm ăn 10g, mật ong 30g. Tất cả cho vào chén, hãm nước sôi uống thay trà. Công dụng: nhuận phế chỉ khái.
Bài 7: Bạch quả 100g, ngũ vị tử 100g, bách hợp khô 100g, mật ong 1.000g. 3 vị thuốc ngâm nước lạnh 1 giờ rồi sắc lửa nhỏ trong 30-60 phút, lọc lấy nước rồi lại sắc tiếp lần 2, cô 2 dịch chiết thành cao, trộn với mật ong và chưng cách thủy trong 2 giờ. Công dụng: liễm phế ích khí, hóa đàm chỉ khái, bình suyễn nhuận tràng. Uống sau ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.
Bài 8: Nước ép ngó sen, gừng tươi, lê tươi, củ cải, mía tươi, măng tre tươi đem trộ với mật ong rồi hấp cách thủy, uống tùy thích. Công dụng: sinh tân dưỡng dịch, thanh nhiệt hóa đàm, dùng tốt cho người bị viêm phế quản mạn tính thể đàm nhiệt.
Bài 9: Lá sơn tra (bỏ lông) 70g, xuyên bối mẫu 7g, đường mạch nha 70g, mật ong lượng vừa đủ. Đem lá sơn tra sắc 2 lần lấy nước rồi hòa với bột xuyên bối mẫu, mật ong và đường mạch nha, cô thành cao, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tuyên phế, hóa đàm, chỉ khái. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30g với nước ấm.
Bài 10: Vừng đen 250g, gừng tươi 120g, đường phèn 120g, mật ong 120g. Vừng đen sao chín sấy khô, tán bột rồi trộn với nước cốt gừng, mật ong và đường phèn đập vụn đem hấp chín, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: nhuận phế vị, bổ can thận, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20g.
Theo y thư cổ, mật ong vị ngọt, tính bình, vào 5 kinh tâm, tỳ, phế, vị và đại tràng, có công dụng bổ trung ích khí, nhuận táo, thường được dùng để trị ho, đau bụng, đại tiện bí kết, khó đẻ, bỏng, lở loét ngoài da, làm thuốc bồi bổ cơ thể và bào chế thuốc hoàn. Kinh nghiệm dân gian chữa chứng ho mạn tính là: lấy 1 quả chanh ngâm nước nóng trong 10 phút rồi bổ ra, vắt lấy nước cốt, hòa mật ong lượng vừa đủ rồi chia uống vài lần trong ngày.