Mất nước và những nguy cơ tiềm ẩn

11-02-2019 14:35 | Đời sống
google news

SKĐS - Mất nước xảy ra khi một người nào đó bị mất nước nhiều hơn lượng nước đưa vào cơ thể; làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như suy giảm chức năng thận, làm sức khoẻ người cao tuổi xấu đi và đôi khi phải nhập viện.

Tại sao mất nước hay xảy ra  khi có tuổi?

Khi chúng ta già, một số chức năng cơ thể suy giảm làm cho chúng ta dễ bị mất nước. Nguyên nhân của mất nước ở người cao tuổi bao gồm:

Mất dự trữ nước: khi có tuổi, cơ thể không giữ được nhiều nước bởi vì mất đi khối lượng cơ bắp, trong khi các tế bào mỡ lại tăng lên. Vào thời điểm tuổi 80, có ít nước hơn 15% trong cơ thể so với khi tuổi 20, làm cho cơ thể người già dễ bị mất nước, thậm chí chỉ mất nước với số lượng ít.

Suy giảm chức năng thận: bắt đầu từ khoảng 50 tuổi và trở nên nghiêm trọng hơn lúc khoảng 70 tuổi. Thận bắt đầu mất một số khả năng để loại bỏ các độc tố ra khỏi máu bởi vì thận ít có khả năng cô đặc nước tiểu dẫn đến trục xuất nước ra khỏi cơ thể nhanh hơn khi già đi.

Ít có cảm giác khát: những người già bị mất cảm giác khát, giống như vị giác giảm khi chúng ta già. Ngoài ra, một số người cao tuổi có thể uống ít hơn vì họ sợ không kiểm soát được việc đi tiểu.

suy than

Suy thận cấp là một biến chứng nguy hiểm khi cơ thể bị mất nhiều nước.


Do dùng thuốc: các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng và các thuốc ức chế men chuyển điều trị huyết áp cao có thể gây đi tiểu thường xuyên hơn hoặc đổ mồ hôi, làm trở ngại sự cân bằng chất lỏng. Thuốc hướng tâm thần, chẳng hạn như thuốc chống loạn thần gây khô miệng, táo bón hoặc bí tiểu có thể ảnh hưởng. Ngoài ra, người lớn tuổi thường dùng một số loại thuốc cùng một lúc, làm phức tạp thêm vấn đề.

Do bệnh: nôn là nguyên nhân chính gây mất nước. Sốt có tác dụng tương tự, gây mất nước nhiều hơn. Nếu đồng thời bị tiêu chảy và nôn mửa, có thể làm tăng nguy cơ mất nước nghiêm trọng.

Do ăn ít: người lớn tuổi cũng có xu hướng ăn ít hơn, có nghĩa là ăn ít chất lỏng.

Do tập thể dục thể thao nặng: gây mất nước, nhưng không bù đủ và kịp thời.

Những biến chứng nghiêm trọng khi mất nước

Phù não: thỉnh thoảng, khi bạn bù nhanh chất lỏng sau khi bị mất nước, cơ thể cố gắng kéo quá nhiều nước vào trong các tế bào. Điều này có thể gây ra một số tế bào bị phù lên và vỡ. Hậu quả này đặc biệt nghiêm trọng, nếu các tế bào não bị phù nề.

Động kinh: các chất điện giải như kali và natri giúp đỡ truyền các tín hiệu điện từ tế bào này sang tế bào khác. Nếu các chất điện giải bị mất cân bằng, quá trình dẫn truyền bình thường bị lẫn lộn, có thể dẫn đến co thắt cơ bắp không tự chủ và đôi khi mất ý thức.

Sốc do giảm thể tích: là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất và đôi khi đe dọa tính mạng, do biến chứng của mất nước. Nó xảy ra khi thể tích máu thấp gây tụt huyết áp và làm giảm lượng oxy trong cơ thể của bạn.

Suy thận cấp: biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng này xảy ra khi thận không còn khả năng loại bỏ các chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu của bạn.

Hôn mê và tử vong: khi không được điều trị kịp thời và thích hợp, mất nước nặng có thể gây hôn mê và tử vong.

10 điều cần làm để tránh mất nước ở người cao tuổi

1. Để đảm bảo đủ nước, yếu tố quan trọng nhất là uống nhiều nước. Khuyến cáo tiêu chuẩn là uống ít nhất 5 ly nước mỗi ngày. Tốt nhất uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.

2. Những người chăm sóc nên chắc chắn rằng người lớn tuổi luôn có nước bên cạnh họ mọi lúc, nhất là người đi lại khó khăn. Khuyến khích uống thường xuyên với lượng vừa phải. Để sẵn nước ở vị trí gần nhất như tủ bên cạnh giường, kệ cạnh giường, các vị trí dễ thấy và dễ lấy.

3. Mặc dù nước lọc là sự lựa chọn thức uống tốt nhất, để tạo động lực cho một người cao tuổi uống đủ nước, có thể bù nước qua các thức uống khác như nước ép trái cây.

4. Ăn trái cây có hàm lượng nước nhiều như dưa hấu, dâu, nho và đào. Lựa chọn rau giàu nước bao gồm cà chua, rau diếp và bí mùa hè. Ăn súp, cháo…

5. Khuyến khích người cao tuổi không đợi cho đến khi khát mới uống nước, nên uống nước với liều lượng vừa phải nhiều lần trong ngày vì khi khát có nghĩa cơ thể đã bắt đầu bị mất nước.

6. Tránh rượu và thức uống có caffein: rượu làm mất nước cơ thể. Giảm thiểu đồ uống có chứa caffein vì nó có tác dụng lợi tiểu, làm cho thận bài tiết nhiều nước hơn, dẫn đến mất nước.

7. Bù thêm nước khi tập thể dục ở người cao tuổi do dễ mất nước trong quá trình tập luyện.

8. Người cao tuổi hoặc người chăm sóc nên quan sát màu của nước tiểu. Nước tiểu trong hoặc màu vàng nhạt, có nghĩa là cơ thể đủ nước. Nước tiểu sẫm màu hoặc đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu điển hình của việc mất nước

9. Nếu người cao tuổi có vấn đề về nuốt, cần phải được theo dõi cẩn thận để tránh các chất lỏng vào đường thở gây sặc và khó thở, nên uống từ từ và từng ngụm nhỏ, tốt nhất nên ngồi để uống.

10. Khi có dấu hiệu sớm của mất nước, cần cung cấp đồ uống thể thao hoặc oresol chẳng hạn, để bổ sung nhanh chóng nước và chất điện giải cần thiết cho cơ thể.

 

Các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng đòi hỏi phải chăm sóc y tế:

Khô và dính miệng; Khát nước; Da khô; Lú lẫn và khó chịu; Mắt trũng; Bất tỉnh hay mê sảng; Đi lại khó khăn; Chóng mặt hoặc đau đầu; Khô mắt; Nhịp tim nhanh; hạ huyết áp và táo bón.

Khảo sát đăng trong Tạp chí Y tế dự phòng quốc tế cho thấy có từ 6 - 30 % những người tuổi từ 65 tuổi trở lên phải nhập viện do mất nước. Trong một nghiên cứu liên quan của Parent Giving, 48 % người lớn tuổi phải nằm viện sau khi điều trị tại phòng cấp cứu đã cho thấy có dấu hiệu mất nước.

 


BS. Hải Châu
Ý kiến của bạn