Hà Nội

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

30-09-2015 20:01 | Thời sự
google news

SKĐS - “Mất nước kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện Phụ sản là rất lớn. Sản phụ khổ, người nhà đi chăm sóc khổ và thầy thuốc chúng tôi cũng quá khổ”.

Đó là những lời chia sẻ thật lòng của bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi xung quanh vấn đề mất nước tới ngày thứ 5 tại bệnh viện do ảnh hưởng sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.

“Nhịn đẻ” vì mất nước

Anh Nguyễn Văn Thao (chồng sản phụ Hoa, Mỹ Đức – Hà Nội) cho biết vợ anh chuyển vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để sinh mổ đã 3 ngày, tuy nhiên do mất nước nên vợ anh phải hoãn mổ (vì vợ anh mổ dịch vụ chọn ngày) còn anh thì 3 ngày nay không được tắm.

Anh Thao bức xúc cho biết, tình trạng thiếu nước khiến cho nhiều sản phụ cùng phòng và những người đi theo chăm sóc như anh rất khổ sở. Như tối qua, vừa nóng, vừa mất nước, mọi người phải xếp hàng dài chờ đợi vào nhà vệ sinh. Anh Thao và nhiều người phải ra ngoài cổng viện mua những can nước lavie 5 lít về dùng. Mỗi ngày, hai vợ chồng anh dùng tới 3, 4 can nước 5 lít. Mỗi can nước tới 50.000 đồng. Tuy nhiên, nước này cũng chỉ đủ giải quyết rửa tay, rửa mặt. Còn tắm thì là điều quá xa xỉ.

Anh Thạo than phiền: “Phòng vợ anh ngay trước nhà vệ sinh, mùi khai của nhà vệ sinh bốc lên do không có nước dội khiến nhiều người khó chịu”.Tại khoa sau đẻ, chị Kim Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho chúng tôi biết, chị mới sinh cháu được 2 ngày. Từ khi chị nhập viện, tình trạng thiếu nước gây nhiều nỗi khổ cho chị cũng như người nhà chăm sóc. Phụ nữ sau sinh cần vệ sinh sạch sẽ. Người nhà phải mua thêm nhiều ca nước về để phục vụ vệ sinh.

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Anh Nguyễn Văn Thao (Hà Nội) đưa vợ đi đẻ nhưng chưa được tắm đã 3 ngày, vợ anh phải "nhịn đẻ" vì thiếu nước

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Sản phụ Hoa (vợ anh Thao) nhịn đẻ vì bệnh viện thiếu nước (người mặc áo hoa, quần đen ngồi một mình phía tay trái)

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!
Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Nước lavie mua về chỉ đủ rửa tay và rửa mặt. Tắm là điều quá xa xỉ

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Một nhân viên thu dọn khu vực nhà vệ sinh cũng than phiền: “Này hôm nay đã là ngày thứ 5 khan hiếm nước. Nhiều bồn cầu vệ sinh phải đậy kín bởi không có nước để dội”.

Chỉ ưu tiên một số khoa phòng

Theo bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tình trạng thiếu và mất nước của bệnh viện đã xảy ra từ ngày 25/9 cho đến nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu và các hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện.

Theo bà Nguyệt, đã nhiều lần bệnh viện cũng bị mất nước do vỡ đường ống nước Sông Đà. Tuy nhiên những lần trước, bệnh viện chỉ mất lâu nhất tới ngày thứ 3. Đây là lần mất nước lâu nhất tới ngày thứ 5.

Bà Nguyệt cho hay, từ ngày 25 dù mất nước nhưng bệnh viện vẫn còn chút nước ở bể ngầm. Tuy nhiên, tới ngày 28, nguồn dự trữ đã kiệt vì vậy bệnh viện phải cấp nước theo khu vực. Các khu buồng bệnh được cấp nước luân chuyển (giờ này cấp cho phòng này, giờ khác cấp cho phòng khác). Chỉ có khu vực phòng mổ và đẻ phải ưu tiên đầu tiên (24/24 đảm bảo có nước). Bệnh viện phải hạn chế các ca mổ chủ động (tức là những bệnh nhân yêu cầu mổ sớm để chọn ngày giờ). Vì sức khỏe bình thường, thai nghén bình thường.

Bà Nguyệt còn cho biết, giám đốc bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ, nhân viên không được tắm ở bệnh viện mặc dù theo đúng quy trình, trước khi về nhà, họ phải tắm để tránh truyền nhiễm vi trùng.

Trước tình trạng trên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc: Nếu mất nước kéo dài, liệu có trường hợp cấp cứu nào phải chuyển viện hoặc hoãn mổ không? Bà Nguyệt cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có ca nào cấp cứu hay mổ đẻ phải chuyển viện vì thiếu nước. Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã có chủ trương, nếu mất hẳn nước thì sẽ phải chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác. “Còn đối với những sản phụ đang chờ mổ, nếu tình trạng sức khỏe thai nhi và bà mẹ tốt, ổn định mà chưa đến ngày sinh thì có thể kéo dài lịch mổ (chờ mổ). Những trường hợp phải mổ đẻ chúng tôi vẫn tiến hành bình thường” – bà Nguyệt nói.

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Oi bức kèm theo thiếu nước, các sản phụ chờ sinh mệt mỏi

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Xếp hàng dài trước cửa nhà vệ sinh vì thiếu nước

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Thiếu nước, nguy cơ đe dọa nhiễm khuẩn bệnh viện tăng cao

Nguồn nước giải quyết tạm thời chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của bệnh viện

Bà Nguyệt cho biết đã có công văn gửi Xí nghiệp nước sạch Đống Đa và Công ty Kinh doanh nước Hà Nội về vấn đề này. Ngày 29/9, xí nghiệp nước Đống Đa đã cho vận chuyển 100m3 nước. Trong khí đó, mỗi ngày, bệnh viện phải cần tới 400 m3 mới đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và khám chữa bệnh. Đồng thời, đêm 29, rạng sáng 30/9, công ty nước sạch Đống Đa đã lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp từ Xí nghiệp vào Bệnh viện. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời và lượng nước thực tế vẫn chưa thể đủ cho nhu cầu hoạt động của bệnh viện. Lượng nước này chỉ giải quyết được 1/3 nhu cầu của viện”, bà Nguyệt nói.

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!

Mỗi ngày, bệnh viện cần tới 400 m3 nước để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, số nước trong bể đã cạn kiệt

Mất nước sạch, những chuyện cười ra nước mắt ở bệnh viện phụ sản!
Công ty nước sạch Đống Đa đã lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp từ Xí nghiệp vào Bệnh viện nhưng chỉ là tạm thời, đáp ứng 1/3 nhu cầu của bệnh viện

Bà Nguyệt cũng đưa ra đề xuất, hiện bệnh viện vẫn chưa có hệ thống nước giếng khoan và hệ thống dàn khoan như các bệnh viện khác. Viện hoàn toàn dùng nước của công ty nước thành phố cấp nên khi có sự cố vỡ đường ống nước, viện sẽ bị mất nước ngay lập tức.

Để chủ động trong những lần tiếp theo đường ống nước Sông Đà có thể bị vỡ, bà Nguyệt kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tạo điều kiện xây dựng một hệ thống giàn khoan, giếng khoan đề phòng sự cố khi vỡ đường ống nước Sông Đà.

Thanh Loan


Ý kiến của bạn