Mắt nhìn mờ, đau nhức – coi chừng bệnh glôcôm

11-03-2016 17:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Khoa mắt, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng hơn 100 bệnh nhân bị bệnh Glôcôm vào điều trị tại khoa, trong đó có hơn 80% bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn.

Mù loà, mất thị lực vì chủ quan

Riêng từ đầu năm 2016 đến nay có 20 bệnh nhân Glôcôm vào điều trị tại khoa, trong đó có nhiều bệnh nhân bị mù, không thể phục hồi thị lực do đã phát hiện quá muộn.

Bệnh nhân Trần Hồng Mạnh, 63 tuổi, ở Thị trấn Hương Khê vào viện trong tình trạng hai mắt bị mù, đau đầu, nhức mắt phải, buồn nôn, ông cho biết: "mắt trái của tôi bị mù do chấn thương cách đây 2 năm rồi, còn mắt phải cách đây hơn 3 tháng tự nhiên thấy mờ, nhức; đầu đau và quay cuồng mỗi khi nằm xuống; chóng mặt, buồn nôn. Tôi có uống thuốc đau đầu nhưng bệnh không khỏi mà bị nặng hơn, cách đây 3 ngày đến bệnh viện tỉnh, qua thăm khám bác sĩ cho biết mắt phải bị mù, tăng nhãn áp, teo gai do biến chứng của bệnh Glôcôm, chỉ mổ để hạ nhãn áp, còn thị lực không thể phục hồi do để quá muộn".

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

May mắn hơn bệnh nhân Mạnh là bệnh nhân Lê Thị Nhường, 75 tuổi, ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà vào viện trong trình trạng mắt trái thị lực còn 10/3, dây thần kinh hỏng, teo gai 10/10, bà cho biết:"Mắt phải của bà bị Glôcôm đã mổ được 4 năm nay, còn mắt trái hơn một tháng nay nhìn mờ, đau nhức; đầu đau và buồn nôn, tưởng là rối loạn tuần hoàn nên bà đã mua hoạt huyết dưỡng não về uống nhưng vẫn không khỏi mà bị nặng hơn nên bà vào bệnh viện tỉnh, được các bác sĩ cho biết là bị bệnh Glôcôm, nhưng do vào viện muộn nên chỉ mổ để giữ mất thị lực và giảm đau".

Glôcôm – Thủ phạm gây mù không thể phục hồi

Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Lợi, Phó trưởng Khoa mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Trong các nguyên nhân gây mù, bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 3 trong các bệnh lý gây mù ở mắt sau đục thể thủy tinh và các bệnh đáy mắt.

Ca phẫu thuật hạ nhãn áp cho bệnh nhân Mạnh tại BVĐK Hà Tĩnh, tuy nhiên không thể phục hồi được thị lực do phát hiện bệnh glôcôm muộn.

Tuy nhiên, bệnh glôcôm được xếp vào loại mù lòa không chữa được. Điều trị hiện nay chỉ để bệnh chậm lại, chính vì thế bệnh glôcôm phải được khám, phát hiện sớm, theo dõi và điều trị suốt đời.

Nếu bệnh glôcôm không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn tiềm tàng, sơ phát, tiến triển, trầm trọng, gần mù và mù. Đa số bệnh nhân bị bệnh Glôcôm vào điều trị ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân là do bệnh nhân chưa có thói quen đi khám mắt và đo nhãn áp định kỳ.

Đến nay, chưa có một phương pháp nào giúp phòng bệnh Glôcôm hiệu quả nhưng tổn hại chức năng thị giác này có thể phòng tránh được nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Những người trên 35 tuổi nên đến chuyên khoa mắt khám và kiểm tra nhãn áp ít nhất mỗi năm 1 lần; không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Corticoid khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Bệnh Glôcôm có tính chất di truyền nên khi có người trong gia đình bị Glôcôm thì những người khác trong gia đình cần theo dõi, khám mắt định kỳ để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi một trong hai mắt bị Glôcôm thì cần phải theo dõi mắt kia. Bệnh Glôcôm thường làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn. Việc được chẩn đoán và điều trị sớm thì thị lực của người bệnh càng được bảo tồn.

Bệnh Glôcôm có 2 dạng: Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Bệnh Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Ngược lại, bệnh Glôcôm góc mở thường phát triển rất âm thầm, không đau nhức, không đỏ mắt, nhưng khi bệnh nhân phát hiện sức nhìn mờ thì khi đó bệnh đã trở nặng.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn