Thực hư ra sao? Liệu cây mật nhân có được giá trị đích thực như những lời đồn đại?
Cây mật nhân (Eurycoma longifolia Jack) thuộc họ thanh thất, có tên khác là mật nhân, bá bệnh, bách bệnh, thonan (Tày)… Cây mọc tự nhiên ở các tỉnh vùng núi thấp (dưới 100m) và trung du. Trữ lượng có nhiều ở các tỉnh trung du và miền Trung, thường gặp ở dưới tán rừng thứ sinh và đồi cây bụi.
Cây và rễ cây mật nhân. |
Bộ phận dùng làm thuốc của cây mật nhân là rễ thu hái quanh năm, lột lấy vỏ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Vì rễ mọc sâu trong đất rất khó đào nên ngày nay người ta dùng cả vỏ cây , gỗ thân và hạt.
Về mặt dược lý, cao chiết từ vỏ cây mật nhân có tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét. Một chế phẩm thuốc gồm 3 dược liệu là mật nhân, trâm bầu và cây trinh nữ đã được áp dụng trên bệnh nhân có chỉ định điều trị lợi mật với kết quả là lượng bilirubin máu giảm đáng kể.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ rễ và vỏ thân cây mật nhân được dùng chữa ăn không tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, tê bại, nhức mỏi đau lưng, đau mình, nôn mửa, sốt rét, giải độc rượu. Dược liệu phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, ngâm rượu, sắc uống hoặc làm viên uống với liều hằng ngày là 6-12g.
Gỗ thân cây mật nhân 10-12g sắc lấy nước đặc, uống chữa tiêu chảy. Hạt giã nhỏ uống dưới dạng bột hoặc sắc uống với liều 5-10g chữa kiết lỵ. Lá tươi nấu nước tắm chữa ghẻ lở. Rễ chữa ngộ độc và tẩy giun.
Chú ý:Phụ nữ có thai không được dùng.
DS.HỮU BẢO