Tôi 45 tuổi, khoảng một tuần nay cứ đến khoảng 2-4 giờ sáng tự nhiên tôi mất ngủ, mà ban ngày cứ hay bị ngủ gật. Xin quý báo tư vấn tôi bị bệnh gì và dùng thuốc gì để thoát khỏi tình trạng trên?
Lê Vân Anh (Hà Giang)
Như triệu chứng của bạn kể, tuy chưa đầy đủ nhưng có thể ban đầu chẩn đoán bạn bị trầm cảm đấy. Bạn đã 45 tuổi, đây là nhóm tuổi có tỷ lệ trầm cảm lên đến 25% số người. Nghĩa là cứ bốn người ở lứa tuổi này thì sẽ có một người đang bị trầm cảm. Về triệu chứng của trầm cảm ở nhóm tuổi này, xin mô tả cụ thể như sau:
Mất ngủ: Bệnh nhân không quá khó vào giấc ngủ. Nghĩa là nếu họ lên giường đi ngủ từ lúc 10 giờ đêm thì sau chừng 1 giờ họ vẫn ngủ được. Có điều giấc ngủ của họ không sâu, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Họ thường thức dậy rất sớm (tầm 2-4 giờ sáng), sau đó không sao ngủ lại được nữa. Do ngủ kém nên họ thấy đêm rất dài, sợ tiếng động, sợ ánh sáng. Điều kỳ lạ là buổi tối, khi bệnh nhân ngồi xem tivi, đọc báo, nghe nhạc thì lại hay ngủ gật. Nhưng khi đứng dậy vào giường nằm thì họ lại thấy rất tỉnh táo và không sao ngủ được.
Mệt mỏi nhất là về buổi sáng: Buổi sáng, sau khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy mình rất mệt mỏi, uể oải. Họ không muốn làm một việc gì dù là nhỏ. Do mệt mỏi nên họ vẫn nằm trên giường nhưng thực ra họ đã thức từ lâu. Đến tầm trưa hoặc chiều, bệnh nhân thấy đỡ mệt hơn.
Khí sắc giảm: Nét mặt của bệnh nhân sau nhiều ngày mất ngủ, mệt mỏi không còn tươi vui, sinh động như trước. Các nếp nhăn giãn ra, mờ và mất đi. Điều này bệnh nhân dễ dàng nhận thấy khi soi gương hoặc được người nhà nhận thấy. Các triệu chứng khác cũng thường gặp như chán ăn, mất hầu hết các sở thích cũ, lo lắng vô cớ, chú ý và trí nhớ kém, vận động chậm chạp, nói nhỏ, ý nghĩ về cái chết.
Nếu bạn có từ 5 triệu chứng kể trên trở lên, kéo dài trên 2 tuần thì có thể bạn đã bị trầm cảm. Bạn nên đến bác sĩ tâm thần để được khám và điều trị phù hợp.
Do bệnh trầm cảm có căn nguyên là thiếu hụt chất serotonin ở não nên bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc chống trầm cảm để bù lại lượng serotonin thiếu hụt nói trên. Ở những bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên, tình trạng thiếu serotonin đó không bao giờ khỏi, nghĩa là trầm cảm sẽ kéo dài suốt đời. Như vậy có nghĩa là bệnh nhân phải uống thuốc chống trầm cảm suốt đời. Nên chọn các thuốc chống trầm cảm ít tác dụng phụ. Trong hai tuần đầu tiên bác sĩ có thể cho thêm benzodiazepin để nâng cao tác dụng của thuốc chống trầm cảm, sau đó thì dừng loại thuốc này. Chẳng hạn hai tuần đầu có thể dùng thuốc paroxetin, lexomil uống vào buổi tối. Sau đó chỉ dùng paroxetin uống vào buổi tối. Cần duy trì uống thuốc thường xuyên dưới sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ tâm thần.
PGS.TS. Bùi Quang Huy