Mất ngủ ở trẻ vị thành niên, có nên dùng thuốc?

17-05-2023 06:46 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Gắt gỏng, cáu gắt, khó tập trung, kết qủa học tập kém… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ vị thành niên bị mất ngủ. Vậy cha mẹ cần làm gì và có nên dùng thuốc cho trẻ?

Giấc ngủ chiếm một phần ba cuộc sống của chúng ta. Nó thể hiện nhu cầu sinh lý thiết yếu, có chức năng cân bằng nội môi, giúp chống lại mọi bệnh nhiễm trùng, điều hòa nhiệt độ bên trong cơ thể và sự phát triển.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, sự phát triển sâu sắc về tinh thần, thể chất, xã hội và cảm xúc đòi hỏi phải có giấc ngủ chất lượng. 

Thời kỳ vị thành niên là một sự thay đổi lớn, những thay đổi về nội tiết tố, sinh học, hành vi và tâm lý dẫn đến giấc ngủ cũng có những thay đổi. Trong giai đoạn này, thiếu niên vẫn cần ngủ khoảng 9 giờ mỗi đêm để có thể có thể trạng tốt vào ban ngày và đảm bảo việc học. Tuy nhiên ở lứa tuổi này nhiều trẻ vị thành niên gặp vấn đề về giấc ngủ.

Nhiều nghiên cứu cũng cho kết quả những người trưởng thành bị mất ngủ thường do gặp vấn đề về giấc ngủ ngay từ thời niên thiếu. Do đó, giai đoạn này là thời điểm quan trọng để có được phản xạ phù hợp cho giấc ngủ chất lượng.

Mất ngủ ở trẻ vị thành niên, có nên dùng thuốc? - Ảnh 1.

Hiện rất nhiều trẻ vị thành niên bị mất ngủ hay gặp vấn đề về giấc ngủ.

1. Vì sao nhiều trẻ vị thành niên bị mất ngủ?

Có nhiều yếu tố khiến thanh thiếu niên không ngủ đủ giấc. Nguyên nhân khiến trẻ mất ngủ bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố: Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể của trẻ vị thành niên trải qua các thay đổi nội tiết tố, bao gồm tăng sản xuất hormone melatonin, một hormone quan trọng điều chỉnh giấc ngủ. Những thay đổi này có thể gây ra sự mất cân bằng và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Áp lực học tập và xã hội: Trẻ vị thành niên thường đối mặt với áp lực từ việc học, kỳ thi, công việc và các mối quan hệ xã hội. Căng thẳng và lo lắng có thể góp phần vào mất ngủ.
  • Thói quen không tốt về giấc ngủ: Việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc xem TV vào ban đêm có thể làm tăng hoạt động não bộ và làm suy giảm khả năng vào giấc ngủ. Caffein, đồ uống có ga và thức ăn nặng trước khi đi ngủ cũng có thể gây ra rối loạn giấc ngủ.
  • Vấn đề tâm lý: Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc sự kiện xấu cũng có thể góp phần vào mất ngủ ở trẻ vị thành niên.

Các nguyên nhân khác gây mất ngủ là các bệnh (trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai mũi họng...) cũng như các nguyên nhân tâm lý (lo lắng) hoặc liên quan đến bệnh lý phát triển (tự kỷ, tăng động...). Mất ngủ vô căn (mất ngủ không rõ nguyên nhân), hiếm gặp, bắt đầu từ thời thơ ấu và kéo dài suốt đời.

Nếu mất ngủ của trẻ kéo dài và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân cụ thể và nhận được sự hỗ trợ và điều trị thích hợp.

2. Giải pháp giúp trẻ có giấc ngủ ngon

Hầu hết trẻ vị thành niên sẽ ngủ ngon sau khi thiết lập thói quen vệ sinh giấc ngủ tốt. Dưới đây là một số biện pháp để giúp cải thiện giấc ngủ cho trẻ vị thành niên:

2.1 Thực hiện các thói quen ngủ lành mạnh

- Thiết lập một lịch trình giấc ngủ: Đảm bảo trẻ đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm hàng ngày, kể cả vào cuối tuần.

- Tạo một môi trường ngủ thoải mái: Đảm bảo rằng phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ, và không có ánh sáng mạnh. Sử dụng rèm cửa hoặc che mắt cá nhân để tối đa hóa bóng tối trong phòng.

- Hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ: Đặc biệt là tránh sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc xem TV ít nhất 30 phút trước giờ đi ngủ. 

Mất ngủ ở trẻ vị thành niên, có nên dùng thuốc? - Ảnh 3.

Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ là giải pháp giúp trẻ có giấc ngủ chất lượng.

- Thư giãn trước giờ đi ngủ: Khuyến khích trẻ vị thành niên thực hiện các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tắm nước ấm hoặc thực hiện các bài tập thở sâu. Tránh hoạt động kích thích trước giờ đi ngủ như chơi game mạo hiểm, xem phim kinh dị hoặc tham gia các hoạt động thể thao mạnh.

2.2 Đảm bảo lối sống lành mạnh

Khuyến khích trẻ vị thành niên thực hiện thể dục đều đặn trong ngày, tuy nhiên tránh tập luyện quá gần giờ đi ngủ. Hạn chế sử dụng caffein và đồ uống có nồng độ caffeine cao như coca cola, nước ngọt có ga và nước năng lượng.

2.3 Hỗ trợ tâm lý và xử lý căng thẳng

Khuyến khích trẻ vị thành niên thả lỏng và thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền định hoặc viết nhật ký. Nếu mất ngủ vẫn tồn tại và kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị phù hợp.

3. Có nên dùng thuốc trị mất ngủ ở trẻ vị thành niên?

Đối với chứng mất ngủ ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, dược phẩm không phải là cách tiếp cận đầu tiên. 

Hiện chưa có loại thuốc điều trị chứng mất ngủ nào được FDA phê duyệt để sử dụng cho trẻ em. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ như trẻ bị khuyết tật phát triển có thể cần dùng thuốc để điều trị các vấn đề về giấc ngủ. 

Các thuốc có thể được bác sĩ sử dụng trong trường hợp này là benzodiazepine, chất chủ vận thụ thể alpha như clonidine và guanfacine, thuốc kháng histamine an thần và thuốc chống trầm cảm an thần. Chỉ dùng thuốc khi các phương pháp hành vi thất bại.

Hai loại thuốc kháng histamine (alimemazine và hydroxyzine), có tác dụng an thần, có thể được sử dụng để điều trị một số loại chứng mất ngủ ở trẻ, nhưng việc dùng thuốc nên ngắn hạn (không quá 2 tuần). Nếu trẻ thấy buồn ngủ hoặc khó tập trung vào sáng hôm sau sau khi uống thuốc, trong trường hợp này, nên ngừng điều trị.

Melatonin, thường được các bậc cha mẹ coi là một phương thuốc tự nhiên, vô hại cho giấc ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến khích cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng. Melatonin chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ sau khi thiết lập thói quen ngủ lành mạnh cho trẻ.

Thuốc thảo dược có thể được chỉ định trong rối loạn giấc ngủ nhẹ ở trẻ em. Độ tuổi sử dụng thay đổi theo từng loại thuốc. Mặc dù có sẵn mà không cần toa, nhưng cha mẹ không nên sử dụng mà không có lời khuyên y tế. Theo nguyên tắc chung, việc sử dụng các loại thuốc nhằm thúc đẩy giấc ngủ chính thức không được khuyến khích ở trẻ em, kể cả những loại thuốc dựa trên thực vật.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Làm gì để giảm huyết áp?

Bs. Nguyễn Kim Chi
Ý kiến của bạn