Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị

07-10-2024 09:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mất ngủ mạn tính là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại, kéo dài ít nhất 1 tháng. Thống kê cho thấy, hiện nay trên thế giới có khoảng 10% người trưởng thành bị mất ngủ mạn tính và cần điều trị.

1. Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây mất ngủ mạn tính:

Mất ngủ do tuổi tác

Mất ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, sau mãn kinhngười cao tuổi.

Thực tế cho thấy, có khoảng hơn một nửa người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ. Quá trình lão hóa tự nhiên có thể là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ mạn tính. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý hơn, phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lý này nên nguy cơ bị mất ngủ mạn tính cao hơn.

Người cao tuổi cũng là đối tượng có nhiều yếu tố tâm lý gây ra các bệnh trầm cảm lo âu, vì vậy tỉ lệ gặp mất ngủ mạn tính càng cao.

Mất ngủ do các vấn đề về tâm lý

Mất ngủ cũng thường gặp hơn ở những người bị căng thẳng, lo âu, trầm cảm, cuộc sống gia đình bị gián đoạn, ly hôn, cái chết của vợ/chồng và lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện.

Ngoài ra, những người có tính cách cầu toàn, tham vọng, xu hướng ít hướng ngoại,… cũng có nhiều khả năng mắc chứng mất ngủ theo thời gian.

Mất ngủ do bệnh lý

Một số vấn đề về sức khỏe như hội chứng chân không nghỉ, các chứng đau mạn tính, rối loạn ngừng thở khi ngủ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh tim mạch, các vấn đề về hô hấp… có thể là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ mạn tính. Khi các bệnh lý này khi được điều trị và kiểm soát tốt có thể cải thiện tình trạng bệnh.

Mất ngủ do môi trường sống

Môi trường sống ảnh hưởng đáng kể tới giấc ngủ. Phòng ngủ không yên tĩnh, nhiệt độ phòng ngủ quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng quá chói vào ban đêm,… đều có thể là nguyên nhân gây mất ngủ.

Mất ngủ liên quan đến chế độ ăn

Chế độ ăn uống chưa phù hợp trong thời gian dài có thể dẫn đến mất ngủ mạn tính. Ăn quá ít hoặc ăn quá no trước giờ đi ngủ khiến dạ dày không kịp tiêu hóa cũng dễ dẫn đến mất ngủ hơn.

Đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chứa nhiều đường, muối… gây chậm tiêu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, dẫn đến mất ngủ.

Mất ngủ do thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Sử dụng chất kích thích (cà phê, rượu, thuốc lá), làm việc quá sức, ăn uống không điều độ, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ... là những thói quen không tốt cho giấc ngủ.

Một số người làm việc căng thẳng trước khi ngủ cũng dễ bị mất ngủ.

Mất ngủ mạn tính thường là kết quả của nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau. Do đó, nên đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ có thể kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mất ngủ và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 1.

Mất ngủ mạn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

2. Triệu chứng của bệnh mất ngủ mạn tính

Mất ngủ mạn tính gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Khó đi vào giấc ngủ, nằm trằn trọc nhiều giờ mà không ngủ được.
  • Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và khó quay lại giấc ngủ.
  • Thức dậy quá sớm vào buổi sáng và không thể ngủ lại được.
  • Người bị mất ngủ mạn tính thức dậy một cách thụ động và không thể kiểm soát thời gian thức giấc của mình.
  • Dù đã ngủ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải cả ngày. Khó tập trung vào công việc, học tập hoặc các hoạt động hàng ngày.
  • Dễ cáu gắt, lo lắng, căng thẳng hoặc trầm cảm.
  • Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, đưa ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề.
  • Mất ngủ mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như đau đầu, đau cơ, giảm hệ miễn dịch.

3. Phòng ngừa mất ngủ mạn tính

Phòng ngừa mất ngủ mạn tính là việc làm quan trọng để duy trì sức khỏe, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, bao gồm cả ngày cuối tuần.
  • Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ và thoải mái. Nên tắt hết đèn phòng ngủ hoặc chỉ dùng đèn ngủ với ánh sáng rất nhẹ.
  • Tránh mang thiết bị điện tử vào khu vực phòng ngủ.
  • Có thể dùng các loại thực phẩm giúp ngủ ngon như trà thảo mộc, hạt sen, táo đỏ, kỷ tử…
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Không ăn quá ít hoặc quá nhiều vào bữa tối.
  • Kiêng thuốc lá và rượu và các chất kích thích khác như trà, cà phê
  • Tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Do đó, nên duy trì tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 3 - 4 ngày/tuần. Tuy nhiên, không nên tập các môn có cường độ mạnh vào buổi tối, gần giờ đi ngủ.
  • Quản lý căng thẳng và áp lực. Thực hành thường xuyên các bài tập thở, thiền hoặc yoga có thể giúp cải thiện giấc ngủ và giảm lo lắng, căng thẳng tiềm ẩn.
Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 2.

Thực hiện một số động tác thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ giúp dễ đi vào giấc ngủ.

4. Điều trị mất ngủ mạn tính

Tùy từng cá nhân, mức độ mất ngủ mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị mất ngủ không dùng thuốc

Vệ sinh giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ bao gồm thay đổi lối sống như hạn chế ngủ vào ban ngày, tránh ăn tối muộn hoặc uống rượu, caffeine hoặc hút thuốc vào buổi tối.

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ tập thể dục và duy trì lịch trình ngủ và thức dậy đều đặn. Tuy nhiên, vệ sinh giấc ngủ đơn thuần không hiệu quả trong việc điều trị mất ngủ mạn tính mà nên được kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức.

Liệu pháp nhận thức - hành vi cho chứng mất ngủ mạn tính

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp nhận thức - hành vi mang lại kết quả vượt trội trong việc quản lý chứng mất ngủ mạn tính. Liệu pháp thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần bởi các chuyên gia, bao gồm các nội dung giáo dục về giấc ngủ, các kỹ thuật thư giãn, liệu pháp hạn chế giấc ngủ, liệu pháp kiểm soát kích thích, liệu pháp nhận thức và hành vi...

Điều trị mất ngủ mạn tính bằng thuốc

Thuốc ngủ thường được kê đơn cùng với những thay đổi lối sống nhằm cải thiện giấc ngủ. Một số loại thuốc có thể được sử dụng khi bị mất ngủ mạn tính, bao gồm:

Thuốc kháng histamine thế hệ 1: Đây là thuốc chống dị ứng với tác dụng phụ gây buồn ngủ. Các thuốc này bao gồm: Diphenhydramine (benadryl) và doxylamine (unisom)… Thuốc thường gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, táo bón và nhịp tim nhanh

Melatonin: Là có cấu trúc tương tự với một loại hormone tự nhiên, giúp cơ thể cảm nhận rõ hơn được nhịp sinh học ngày- đêm từ đó dễ đi vào giấc ngủ hơn. Melatolin khá an toàn để điều trị chứng mất ngủ, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Liều dùng từ 2 - 8 mg có hiệu quả trong điều trị rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ - thức.

Tuy nhiên, hiệu quả của melatonin đối với mất ngủ mạn tính còn nhiều tranh cãi.

Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 3.

Thuốc ngủ thường được xem là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị không dùng thuốc không hiệu quả.

Benzodiazepine: Giúp đi nhanh vào giấc ngủ, và ngủ sâu hơn dẫn đến tăng hiệu quả giấc ngủ. Các loại thuốc benzodiazepin đã được FDA chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ mạn bao gồm estazolam, flurazepam (dalmane), temazepam (restoril), quazepam (doral) và triazolam (halcion).

Các thuốc tác dụng nhanh có thời gian bán hủy ngắn hơn (ví dụ: estazolam, triazolam và temazepam) được ưa chuộng hơn. Temazepam khởi phát tác dụng chậm hơn và ít hiệu quả hơn trong việc bắt đầu giấc ngủ. Flurazepam và quazepam có thời gian bán hủy dài hơn 24 giờ.

Mặc dù vẫn được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên, thuốc này có thể gây nghiện và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài bao gồm cả triệu chứng cai khi dừng thuốc đột ngột. Thuốc bắt buộc phải được bác sĩ kê đơn

Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc dùng để điều trị chứng lo âu và trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ. Vì tác dụng trực tiếp gây buồn ngủ và nhờ hiệu quả chống trầm cảm, có thể là căn nguyên của mất ngủ mạn tính ở nhiều trường hợp. Các thuốc này bao gồm: Mitazepine (remeron), quetiapine (seroquel) và trazodone (desyrel)… thường được kê đơn ở liều thấp hơn, ít gây ra tác dụng phụ hơn.

Thuốc ngủ thường được xem là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị không dùng thuốc không hiệu quả. Người bệnh phải luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ khi dùng thuốc ngủ để giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Tóm lại, mất ngủ mạn tính là bệnh khá phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, thành tích học tập, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, giảm năng suất làm việc… Mất ngủ cũng được coi là một yếu tố nguy cơ góp phần gây ra các bệnh tim mạch, trầm cảm, lo âu, hội chứng đau mạn tính, đái tháo đường, béo phì và hen suyễn. Chính vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tập thể dục – Liệu pháp hỗ trợ trị mất ngủ tốt nhấtTập thể dục – Liệu pháp hỗ trợ trị mất ngủ tốt nhất

SKĐS - Tập thể dục rất tốt cho cơ thể và tâm trí, giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ…


BS. Nguyễn Thu Trang
Ý kiến của bạn