Chứng mất ngủ sau sinh khá phổ biến đối với các bà mẹ mới sinh và họ có thể gặp vấn đề về giấc ngủ ngay cả trước khi em bé chào đời.
Việc thích nghi với một thay đổi lớn về sức khoẻ và tâm sinh lý của bà mẹ khi trải qua hành trình vượt cạn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hay sự xuất hiện một em bé sơ sinh trong cuộc sống có thể là nguyên nhân khiến bà mẹ không thể ngủ được trong thời kỳ hậu sản. Có mối liên quan nào giữa mất ngủ với chứng trầm cảm sau sinh hay không?
1. Các biểu hiện của chứng mất ngủ sau sinh
Theo BSCKI. Đỗ Thị Thủy, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, các triệu chứng chính của chứng mất ngủ sau sinh là khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc cả hai. Mất ngủ cũng có thể khiến bà mẹ thao thức trên giường, chỉ ngủ trong thời gian ngắn hoặc thức dậy quá sớm. Những rối loạn giấc ngủ này sau đó dẫn đến một số vấn đề sức khoẻ khác, bao gồm:
Lo lắng: Phụ nữ bị mất ngủ sau sinh thường dễ bị lo lắng và trầm cảm trong thời kỳ hậu sản. Bản thân lo lắng có thể dẫn đến giấc ngủ bị xáo trộn, vì vậy đây có thể trở thành một nguyên nhân gây mất ngủ.
Mệt mỏi: Do không được ngủ đủ giấc nên những người bị mất ngủ cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày. Đồng thời cũng thường gặp khó khăn khi tập trung khi suy nghĩ hoặc làm việc.
Khó chịu: Khi không ngủ được, người bệnh sẽ cảm thấy cáu kỉnh hơn bình thường một cách tự nhiên. Mất ngủ có thể dẫn đến đau đầu vào ban ngày, điều này cũng có thể gây ra cảm giác khó chịu.
Thay đổi tâm trạng: Các bà mẹ mới sinh thường cảm thấy họ thường xuyên thay đổi tâm trạng. Đây có thể là sự kết hợp của sự thay đổi nội tiết tố và thiếu ngủ.
Buồn bã: Mất ngủ có thể dẫn đến cảm giác buồn bã suốt cả ngày. Các bà mẹ mới sinh thường cảm thấy buồn hoặc khóc trong thời kỳ hậu sản. Trong trường hợp lo lắng rằng bản thân có thể bị trầm cảm sau sinh, các bà mẹ cần chia sẻ với người thân và nên đi khám sớm để được can thiệp phù hợp.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh
Do trẻ thường xuyên thức giấc vào ban đêm
Nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng mất ngủ sau sinh vì nhiều lý do. Trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp sinh học (chu kỳ ngủ - thức tự nhiên) sau khi sinh, có nghĩa là chúng thường xuyên thức giấc suốt đêm. Bản thân người mẹ cũng trải qua những thay đổi về thể chất khiến giấc ngủ trở nên khó khăn.
Do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một yếu tố nguy cơ gây mất ngủ. Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị thiếu máu, đặc biệt là ngay trước khi sinh. Phụ nữ bị ra máu nhiều khi sinh nở có thể bị thiếu máu trong thời kỳ hậu sản. Và người có mức độ sắt thấp sau khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mất ngủ sau sinh.
Thay đổi nội tiết tố
Các bà mẹ mới sinh phải trải qua những thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố sau khi chuyển dạ và sinh nở. Sau khi một đứa trẻ sinh ra, mức progesterone của người mẹ giảm xuống. Progesterone có đặc tính gây buồn ngủ và sự suy giảm này khiến sản phụ khó ngủ hơn.
Những thay đổi về thể chất sau sinh
Đối với hầu hết các bà mẹ mới sinh, giai đoạn sau sinh rất khó chịu về thể chất, đặc biệt là những ngày đầu sau khi sinh con. Khó chịu có thể do đau đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bộ phận sinh dục), do vết rạch tầng sinh môn hoặc vết khâu bị rách, vú căng sữa, vết mổ do sinh mổ và các thay đổi thể chất khác.
Lo lắng, rối loạn tâm trạng sau sinh
Mất ngủ sau sinh có liên quan đến các rối loạn tâm trạng sau sinh như trầm cảm hoặc lo lắng. Khoảng 12% –18% các bà mẹ mới sinh bị rối loạn tâm trạng sau sinh và mất ngủ là một trong những dấu hiệu sớm nhất.
Nhịp sinh học của cơ thể thay đổi
Hầu hết phụ nữ trải qua những thay đổi về mức độ melatonin (một chất hóa học mà não tạo ra, nó được gọi là hormone giấc ngủ vì nó cho bạn biết khi nào nên đi ngủ và thức dậy) và nhịp sinh học của họ.
Khi mô hình giấc ngủ bình thường bị gián đoạn, nhịp sinh học của cơ thể thay đổi là điều tự nhiên. Điều này có thể khiến bà mẹ khó đi vào giấc ngủ, ngay cả khi họ kiệt sức.
Thay đổi giờ giấc sinh hoạt
Khi phải chăm sóc trẻ sơ sinh, người mẹ thưởng bị động trong sắp xếp giờ nào đi ngủ và khi nào thức dậy. Lịch trình giấc ngủ luôn thay đổi có thể khiến cơ thể người mẹ không thích nghi được và khiến họ căng thẳng, khó đi vào giấc ngủ và không ngủ được.
Cho trẻ bú đêm
Trẻ sơ sinh cần ăn thường xuyên suốt đêm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ, khiến người mẹ bị đánh thức liên tục và khó có thể ngủ lại hoặc ngủ ngon do lo lắng về thời điểm thức giấc để cho con bú.
Thay đổi cảm xúc
Có con là một quá trình chuyển đổi lớn trong cuộc đời và có thể mang lại nhiều cảm xúc. Có cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm có thể dẫn đến khó đi vào giấc ngủ, khiến các bà mẹ mới sinh có nguy cơ mất ngủ nhiều hơn.
3. Mất ngủ sau sinh và trầm cảm sau sinh có liên quan với nhau không?
Có mối liên hệ giữa chứng mất ngủ sau sinh và chứng trầm cảm sau sinh. Mất ngủ là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm sau sinh và cần được khắc phục ngay. Ngoài ra, cảm giác trầm cảm và lo lắng có thể dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, làm tăng nguy cơ mất ngủ.
Nhiều người mong đợi việc sinh con là một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng đó cũng có thể là thời điểm có nhiều thay đổi về cảm xúc và và căng thẳng tột độ.
Trầm cảm sau sinh là chứng trầm cảm xảy ra sau khi sinh con. Đây là một loại rối loạn tâm trạng chu sinh - một chứng rối loạn tâm trạng bắt đầu trong thời kỳ mang thai hoặc trong vòng một năm sau khi sinh.
Trầm cảm sau sinh rất phổ biến. Sự sụt giảm nhanh chóng của hormone thai kỳ sau khi sinh, kiệt sức và lo lắng khi chăm sóc em bé mới chào đời đều có thể gây ra những cảm giác này. Điều quan trọng là các bà mẹ và những người thân cần phải theo dõi các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để can thiệp kịp thời.
4. Biện pháp cải thiện và ngăn ngừa chứng mất ngủ sau sinh
Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ nhưng cũng có nhiều cách có thể cải thiện và ngăn ngừa tình trạng mất ngủ sau sinh. BS. Đỗ Thị Thủy khuyên các bà mẹ nên áp dụng từng bước các biện pháp dưới đây để cảm thấy tốt hơn. Trong trường hợp mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ hoặc có dấu hiệu trầm cảm sau sinh nên đi khám để được can thiệp kịp thời.
Hãy đi ngủ khi em bé ngủ
Lời khuyên này có vẻ rất cũ nhưng rất hiệu quả. Các bà mẹ mới sinh cần được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi họ ngủ không ngon vào ban đêm. Khi em bé ngủ vào ban ngày, các bà mẹ hãy tranh thủ tận dụng thời gian đó để bản thân được nghỉ ngơi.
Thời gian thức - ngủ mỗi ngày sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của em bé, vì vậy người mẹ cần cố gắng duy trì sự linh hoạt này.
Chuẩn bị các điều kiện để có giấc ngủ tốt
Để giúp bản thân được thư giãn vào ban đêm, cần trang bị phòng ngủ của bà mẹ và em bé thoải mái nhất có thể. Cố gắng giữ phòng yên tĩnh, mát mẻ vào ban đêm để giúp dễ ngủ. Phòng ngủ càng tối thì cơ thể bạn càng dễ dàng thư giãn và đi vào giấc ngủ.
Nên xem xét loại bỏ điện thoại, máy tính hoặc ti vi khỏi phòng của bà mẹ và em bé. Chuẩn bị một tấm nệm tốt, chăn gối sạch sẽ sẽ giúp mẹ và em bé có được một giấc ngủ ngon và khoẻ mạnh hơn khi tỉnh giấc.
Giảm lo lắng và căng thẳng
Những suy nghĩ căng thẳng và lo lắng có thể khiến giấc ngủ trở nên khó khăn. Vì vậy, người mẹ phải tìm cách giải tỏa căng thẳng để cải thiện triệu chứng mất ngủ.
Chia sẻ công việc với chồng và người thân
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một công việc tuyệt vời nhưng cũng rất mệt mỏi. Vì vậy, người mẹ nên đề nghị chồng hoặc người thân chia sẻ, giúp đỡ càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là việc cho trẻ ăn, thay tã vào ban đêm hay bất kỳ công việc nào khác cần để có thể nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
Tập luyện nhẹ nhàng
Hoạt động thể chất hàng ngày là một biện pháp đã được chứng minh giúp cải thiện giấc ngủ. Vận động, đi bộ vào buổi sáng có thể giúp bạn tỉnh táo hơn vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Cần lưu ý tránh tập thể dục ngay trước khi đi ngủ, vì điều này có thể cản trở khả năng đi vào giấc ngủ.
Không sử dụng thiết bị điện tử
Nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính hoặc tivi trước khi ngủ khiến chứng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn. Ánh sáng từ màn hình giữ cho não của bạn được kích hoạt và khiến việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các bà mẹ nên tránh thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong khoảng hai giờ trước khi đi ngủ.
Tránh caffeine và rượu
Một số chất như caffeine, rượu và nicotine cản trở giấc ngủ ngon và khiến chứng mất ngủ sau sinh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, phụ nữ nên tránh sử dụng những chất này trong thời kỳ hậu sản.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ chẩn đoán chính xác, các quốc gia chuẩn bị vaccine đối phó