Mất ngủ kéo dài - Dùng thuốc gì?

09-09-2018 14:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi bị mất ngủ, người bệnh thường tự tìm kiếm các loại thuốc có trên thị trường, theo lời mách bảo, trên mạng… để uống với mục đích cải thiện chất lượng giấc ngủ cho mình mà ít khi đi khám và kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Vậy các thuốc điều trị mất ngủ cần sử dụng như thế nào, khi dùng người bệnh có thể gặp những tác dụng không mong muốn gì?

Mất ngủ là tình trạng người bệnh không thể ngủ được. Có người bị mất ngủ vào đầu giấc, đến giờ đi ngủ họ nằm mãi mà không tài nào chợp mắt được, mất ngủ giữa giấc là người bệnh đã ngủ được nhưng lại tỉnh dậy trong đêm và không tài nào ngủ lại được. Mất ngủ cuối giấc là người bệnh đến giờ đi ngủ họ ngủ được ngay một mạch nhưng họ lại dậy rất sớm, độ dài của giấc ngủ bị ngắn lại và không tài nào ngủ được tiếp cho đến khi trời sáng. Trong cuộc sống khi chúng ta gặp một biến cố, hoặc một kích thích nào đó từ ngoại cảnh... khiến chúng ta bị mất ngủ. Những trường hợp này chỉ bị mất ngủ tạm thời, khi các kích thích tố kia qua đi họ lại ngủ được bình thường. Mất ngủ được coi là bệnh khi người bệnh bị mất ngủ kéo dài, hàng tuần lễ, hàng tháng, thậm chí hàng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sinh lực, buồn ngủ vào ban ngày, đầu óc thiếu tỉnh táo, stress, căng thẳng thần kinh, đau đầu...

Không nên tự ý dùng thuốc ngủ.

Không nên tự ý dùng thuốc ngủ.

Các thuốc thường dùng điều trị mất ngủ

Thuốc bình thần: Trong nhóm này các thuốc thường được bác sĩ kê đơn như diazepam, bromazepam, clonazepam, rotunda... Các thuốc này giúp các bệnh nhân có giấc ngủ gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, thuốc chỉ nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn, không trầm trọng vì nếu dùng thuốc bình thần lâu ngày sẽ gây quen thuốc. Khi đã quen thuốc thì bệnh nhân sẽ vẫn mất ngủ dù tăng liều thuốc lên gấp đôi hay gấp 10 lần bình thường. Không nên dùng nhóm thuốc bình thần  quá 3 ngày. Các tác dụng phụ của nhóm thuốc này có thể gặp như suy giảm trí nhớ. Sự suy giảm trí nhớ này phụ thuộc vào liều và thời gian điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu dùng ngắn ngày thì đa số các bệnh nhân sẽ không gặp phải tác dụng phụ này.

Thuốc ngủ: Thường dùng các thuốc như phenobacbital, zolpidem... Đây là các thuốc ngủ, có tác dụng gây ngủ mạnh, nhưng chúng cũng gây quen thuốc rất nhanh không kém gì các thuốc bình thần. Vì vậy chúng chỉ được dùng trong các trường hợp mất ngủ ngắn và không trầm trọng. Thuốc này cũng không nên dùng  quá 3 ngày.

Nhóm này cũng có thể gây các tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa... Tuy nhiên vì chỉ dùng ngắn ngày nên các tác dụng phụ này nếu xảy ra cũng nhanh chóng qua đi vì người bệnh ngừng dùng thuốc.

Các thuốc kháng histamin: Các thuốc thường dùng như promethazine, dimedrol, clorpheniramin... Đây là các thuốc kháng histamin thế hệ cũ, chống dị ứng, gây ngủ khá mạnh. Thuốc dùng cho các bệnh nhân mất ngủ do ngứa, gãi nhiều như hắc lào, eczema, tổ đỉa...

Các tác dụng phụ khi dùng các thuốc kháng histamin như khô miệng, khô mũi, mệt mỏi, ảnh hưởng đến trí não... Vì vậy người bệnh không nên lạm dụng nhóm thuốc này mà chỉ dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Các thuốc an thần kinh mới: Các thuốc thường dùng như olanzapine, quatiapine, amisulpride... Các thuốc này có một tác dụng là gây ngủ mạnh. Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài thì chúng sẽ gây béo do bệnh nhân sẽ cảm thấy ăn ngon miệng nên ăn nhiều. Thuốc dùng cho mất ngủ ở các bệnh chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa. Để tránh bị tăng cân khi dùng thuốc này người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn, kiêng các chất dễ gây tăng cân như chất bột đường, chất ngọt, chất béo và cần tích cực tập thể dục.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng: Các thuốc thường dùng như clomipramine, mirtazapine... Đây là các loại thuốc tác động đúng cơ chế của giấc ngủ là hệ serotonin trong não. Thuốc này có thể dùng lâu dài mà không gây ra quen thuốc. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng tức thời, giấc ngủ chỉ cải thiện rõ ràng sau 3 - 4 tuần điều trị. Nhược điểm của thuốc là gây khô miệng, đắng miệng, táo bón. Thuốc còn gây bí tiểu ở bệnh nhân có u xơ tiền liệt tuyến. Thuốc thường được kê điều trị mất ngủ do trầm cảm, lo âu, mất ngủ tiên phát, mất ngủ do đau (chấn thương, ung thư, đau dây thần kinh).

Trong thực tế, các bác sĩ thường kết hợp hai hoặc ba thuốc khác nhóm để tăng tác dụng của thuốc, hạn chế tác dụng phụ. Sự kết hợp hay gặp nhất là kết hợp ba thuốc bình thần liều thấp (bromazepam), an thần mới (olanzapine) và thuốc chống trầm cảm 3 vòng liều trung bình (clomipramine). Sau 2 tuần điều trị, các bác sĩ sẽ cắt thuốc bình thần. Sau 4 tuần điều trị, cắt tiếp thuốc an thần mới, chỉ duy trì thuốc chống trầm cảm 3 vòng trong thời gian đủ dài (tối thiểu 36 tháng). Làm như vậy, bệnh nhân sẽ ngủ được ngay (nhờ thuốc bình thần và thuốc an thần mới). Sau 4 tuần, khi thuốc chống trầm cảm 3 vòng đã có tác dụng thì bỏ hai loại thuốc trên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định dùng thuốc. Cần tuân thủ tuyệt đối việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tránh tự ý thêm hay bớt liều, tự ý dùng thuốc theo đơn cũ, tự đổi thuốc... sẽ gặp những biến cố bất lợi khó lường, gây nguy hại cho sức khỏe.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng đừng quên các biện pháp hỗ trợ giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn như: Cần đi ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định hàng ngày, kể cả ngày nghỉ cũng không nên thức quá khuya và ngủ nướng. Không nên tập thể dục nặng, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, uống nhiều nước vào buổi tối, nhất là trước khi ngủ. Nên tắm nước ấm, thư giãn, tập thể dục nhẹ nhàng, uống một cốc sữa ấm trước khi ngủ... Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng mát, tránh tuyệt đối ánh sáng và không để các thiết bị điện tử ở trong phòng... Tránh dùng các chất kích thích như trà đặc, cà phê, rượu... trước khi ngủ.


PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn