Mất ngôn ngữ sau đột qụy và chấn thương sọ não

29-12-2009 15:44 | Tin nóng y tế
google news

Người bệnh mất ngôn ngữ thường vẫn tỉnh táo nên rất khổ tâm, khi muốn nói lại không phát ra lời được, nghe người xung quanh nói mà không thấu hiểu được, muốn viết,

Người bệnh mất ngôn ngữ thường vẫn tỉnh táo nên rất khổ tâm, khi muốn nói lại không phát ra lời được, nghe người xung quanh nói mà không thấu hiểu được, muốn viết, muốn đọc mà đành chịu, không thực hiện được. Tình trạng này gây xung đột về tâm lý trong mối quan hệ gia đình và xã hội.

Bản chất của mất ngôn ngữ rất phức tạp, đa dạng, có khi lại trừu tượng, khó hiểu do khu trú của tổn thương tại các vùng chức năng của vỏ não và dưới vỏ não.

 Mất ngôn ngữ do u não thường khó phục hồi.
Vì sao mất ngôn ngữ?

Tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não kín hoặc hở do tai nạn giao thông, tai nạn lao động là nguyên nhân thường gặp nhất của mất ngôn ngữ. Ngoài ra, trong khi đang cơn đau nửa đầu (Migraine) cũng có thể xuất hiện những rối loạn mất ngôn ngữ. Những u não, nhiễm khuẩn có ổ (áp-xe) hay lan tỏa (viêm não) có thể gây mất ngôn ngữ. Những rối loạn ngôn ngữ có thể hợp thành triệu chứng của một cơn động kinh có ổ khu trú.

Những loại mất ngôn ngữ chính

Mất ngôn ngữ Wernicke: Tất cả những hoạt động của ngôn ngữ đều bị nhiễu loạn nhưng không có mất vận ngôn. Trong ngôn ngữ nói xuất hiện các chứng: thiếu từ, nói loạn, những sai lầm về cú pháp; trong những thể nặng còn thấy cả chứng nói biệt ngữ (nói khó hiểu, bịa từ). Sự thấu hiểu của bệnh nhân tồi. Những rối loạn tương tự thường rõ nét hơn, được phát hiện trong chữ viết và đọc. Mất ngôn ngữ Wernicke, nói chung là do tổn thương phần sau của hồi thái dương 1 và 2, hồi góc và hồi trên viền vì những tia thị giác chạy ở phía dưới vùng vỏ não. Khi những tổn thương lan rộng thì sẽ xuất hiện hội chứng Gerstmann, mất khả năng làm toán, mất khả năng viết, không phân biệt được phải trái, mất nhận thức ngón tay, mất nhận thức định khu bản thân có thể phụ thêm với mất ngôn ngữ.

Mất ngôn ngữ Broca: thêm vào mất ngôn ngữ Wernicke có chứng mất vận ngôn và gia giảm ngôn ngữ. Trong mất ngôn ngữ Broca còn có chứng phân rã ngữ âm học chứng lắp lời và mất ngữ pháp.

Các rối loạn đơn thuần thường gặp là mất vận ngôn, mất viết, mất đọc, mù đọc, điếc lời đơn thuần.

Yếu tố tiên lượng

Những yếu tố sau đây tác động vào tiên lượng của mất ngôn ngữ:

Bản chất của quá trình bệnh lý: Những tổn thương tiến triển trong não (các u) hiển nhiên là những tiên lượng xấu. Trong những tai biến mạch máu não, tiến triển của mất ngôn ngữ trong xuất huyết nói chung thường tốt hơn đối với nhồi máu não. Trong nhồi máu não, chứng mất ngôn ngữ do tắc nghẽn động mạch nói chung có tiên lượng tốt hơn là mất ngôn ngữ do huyết khối.

Tuổi bệnh nhân: chứng mất ngôn ngữ xảy ra khoảng trước 10 tuổi hầu như chưa bao giờ lui bệnh một cách hoàn toàn. Tất cả mọi trường hợp, sau này trí thông minh và những hiệu quả học tập nói chung đều bị hạn chế ở mức trung bình hay kém.

Ưu thế trội sử dụng tay: Người ta nhận thấy rằng mất ngôn ngữ lui bệnh tốt hơn ở những người thuận tay trái hay ở những người mà trong gia đình họ có nhiều người thuận tay trái. Hồi phục chức năng cho chứng mất ngôn ngữ đều phải dựa trên cơ sở phân tích về thần kinh những rối loạn trong từng trường hợp cụ thể. Điều đó giúp cho thầy thuốc xác định những khả năng còn lại của ngôn ngữ để làm luận chứng cho những biện pháp phục hồi chức năng. Các thầy thuốc và kỹ thuật viên chỉnh âm đặt ra những phương tiện nghe - nhìn giúp cho người bệnh gợi cảm và phát ra những từ và những câu.

Về tiên lượng, nói một cách tổng quát, chừng nào các rối loạn về sự thấu hiểu càng nhẹ thì khả năng hồi phục càng thuận lợi hơn. Mất ngôn ngữ Broca có thể tiến triển theo chiều hướng những chứng lắp lời hay về hướng một trạng thái suy giảm ngôn ngữ trầm trọng. Mất ngôn ngữ Wernicke, nếu có những rối loạn nặng nề về sự thấu hiểu thì thường thường tiên lượng rất dè dặt.

Điều trị chứng mất ngôn ngữ

Để bảo đảm cho điều trị và phục hồi chức năng ngôn ngữ cho người bệnh, cần có một trung tâm chuyên nghiệp, trong đó phải có sự kết hợp của 3 nhà chuyên gia: thần kinh học, giáo dục - tâm lý học và ngôn ngữ học.

Bệnh nhân sau khi ra viện cần đưa đến trung tâm mất ngôn ngữ càng sớm càng tốt, nhất là đối với trẻ em.

Liệu trình điều trị đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài, khá công phu nên người bệnh phải rất nhẫn nại, tự giác thực hiện các yêu cầu của thầy thuốc. Sự thông cảm và hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh là rất quan trọng cho quá trình phục hồi ngôn ngữ.

Bệnh nhân phải học, phải tập nói, tập viết từng chữ, từng câu dưới sự trợ giúp của thầy thuốc và người thân đúng như trong quãng đời ấu thơ của mình. Được như vậy, chứng đau tâm lý này sẽ được giải tỏa, niềm tin và hy vọng sẽ đến với người bệnh và gia đình.

PGS. Vũ Quang Bích


Ý kiến của bạn