Hà Nội

Mất một tinh hoàn vì chậm đi khám

10-04-2015 09:29 | Giới tính
google news

Đau bìu kèm cảm giác đau vùng lưng và hông, Tuyên nghĩ do vừa tập gym nặng. 5 hôm sau, chàng trai đi khám mới biết một bên tinh hoàn bị xoắn đã hoại tử.

Vừa được mổ cấp cứu cắt một bên tinh hoàn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hôm qua, chàng thanh niên 23 tuổi vẫn chưa hết sốc vì tình trạng bệnh diễn biến bất ngờ của mình.

Trước đó, khi mới đau, anh đi khám nhưng không phải ở chuyên khoa nam học. Anh nói với bác sĩ mình bị đau cả lưng, hông và mới tập gym nên được chẩn đoán là giãn dây chằng lưng và cho thuốc uống. Sau mấy ngày uống thuốc mà bìu vẫn không bớt đau, anh tìm đến bác sĩ nam khoa, kết quả siêu âm xác định xoắn tinh hoàn, phải mổ cấp cứu vì vùng này đã hoại tử.

Theo bác sĩ Bắc, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu, nếu được chẩn đoán sớm và xử trí trong vòng 6 giờ tính từ lúc có biểu hiện đau thì có thể khắc phục được và giữ nguyên tinh hoàn. Trường hợp bệnh nhân vào viện muộn sau một ngày thì thường phải cắt bỏ vì tinh hoàn bị xoắn khiến máu không đến nuôi được, hoại tử rất nhanh. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Phòng khám nam khoa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì bệnh nhân còn trẻ, chưa có gia đình, con cái nhưng không thể cứu vãn được chức năng một bên tinh hoàn vì đã quá muộn.

Theo bác sĩ, xoắn tinh hoàn không phải là bệnh hiếm và khó chữa nhưng số ca phát hiện và xử lý muộn khá nhiều. Lý do là nhiều bạn trẻ e ngại, không đi khám sớm khi có dấu hiệu đau bìu hoặc khám không đúng chuyên khoa, dễ bị chẩn đoán nhầm. Xoắn tinh hoàn có biểu hiện đặc trưng là đau cấp tính vùng bìu - khá giống với triệu chứng của tình trạng viêm tinh hoàn. Tuy nhiên có thể phân biệt hai bệnh này dựa trên một số dấu hiệu như: Bác sĩ cho biết, xoắn tinh hoàn hay gặp ở trẻ trai tuổi sơ sinh hoặc tuổi dậy thì. Hiện nay y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây tình trạng này nhưng có một số yếu tố thuận lợi cho bệnh như giai đoạn cơ bìu hoạt động mạnh (khi dậy thì), chạy nhảy nhiều, chấn thương vùng kín, thời tiết lạnh (cơ bìu phải co lại để sưởi ấm cho tinh hoàn). Các yếu tố này chỉ có tính chất thúc đẩy xoắn xảy ra trên các tinh hoàn có bất thường về giải phẫu.

- Viêm tinh hoàn, bệnh nhân thường bị sốt, còn trường hợp xoắn tinh hoàn thì không kèm sốt.

- Nếu xoắn tinh hoàn, khi dùng tay nâng lên thì vùng này càng đau hơn; còn viêm thì đau sẽ bớt đi.

- Ở trường hợp bị xoắn, tinh hoàn thường nằm cao, còn khi viêm tinh hoàn nằm thấp phía dưới.

Để khẳng định chắc chắn tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân siêu âm màu. Nếu hình ảnh siêu âm cho thấy không có đường mạch vào nuôi dưỡng tinh hoàn thì có thể xác định đúng là bệnh nhân bị xoắn bộ phận này.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc cho biết, thông thường khi cắt đi một bên tinh hoàn, bên còn lại sẽ phát huy hết khả năng để bù đắp cho bên bị mất. Tuy nhiên, nếu như tinh hoàn còn lại không hoạt động tốt thì người bệnh sẽ giảm khả năng sinh sản do tinh trùng ít, chất lượng kém. Ngoài ra, việc thiếu hụt hoóc môn do một bên tinh hoàn hoạt động không tốt còn khiến bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới đời sống tình dục sau này. Quan trọng hơn cả là việc cắt bỏ tinh hoàn khiến nam giới dễ tự ti, mặc cảm.

 


Ý kiến của bạn