Ra trực về ngang qua khoa cấp cứu thấy có người nhà đang vây quanh một giường bệnh khóc quá trời, hỏi ra mới biết bệnh nhân nữ, 19 tuổi, tử vong vì shock phản vệ sau truyền dịch. Nghe nói là em này đang chuẩn bị thi cuối kỳ mà sốt cao, nhờ người quen làm y sĩ về nhà truyền dịch để hạ sốt và đỡ mệt, truyền được 10 phút thì em bắt đầu khó thở, vã mồ hôi, lơ mơ dần,...
Tình trạng cứ thấy sốt cao hay mệt mỏi là thuê người về nhà tự đặt dịch truyền xuất hiện ở nước ta đã lâu và ngày càng phổ biến giống như việc ra hiệu thuốc tự mua kháng sinh về uống vậy. Truyền xong thấy cắt sốt, đỡ mệt thế là mừng lắm, người này bảo người kia thôi thì sau có sốt cứ như vậy mà tiến hành. Ngay như nhiều người bạn của mình sẵn sàng trả tiền để mời nhân viên y tế về nhà với lý do "nếu được một điều dưỡng có tay nghề tốt và một bác sĩ có chuyên môn theo dõi thì cũng khó có tai biến xảy ra." Nhưng "khó" không có nghĩa là "không thể", và chẳng ai dám chắc mình sẽ không trở thành một nạn nhân của việc truyền dịch vô tội vạ.
Truyền dịch thực ra rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện, loại dịch truyền rồi tốc độ truyền thế nào phải do bác sĩ chỉ định tuỳ từng trường hợp, và cần được tiến hành tại các cơ sở y tế khi có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, đúng cách mà vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm chứ đừng nói đến việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thật sự cần thiết hoặc truyền dịch không đúng quy định. Tai biến nặng nhất có thể tử vong do shock phản vệ, không thì cũng nhiễm trùng máu, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là với người vốn có bệnh tim mạch đã hoặc chưa được phát hiện trước đó). Khi đưa vào cơ thể một lượng không cần thiết dịch truyền dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải. Ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan B, C do truyền dịch không đúng quy cách, không được vô trùng,...