Sau nhập viện 3 ngày trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã không thể qua khỏi.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân Đỗ N. L (67 tuổi ở Phú Thọ) được chuyển đến bệnh viện ngày19/5.
Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, ông L vốn rất thích ăn tiết canh, lòng lợn. Trước thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhân cũng đi ăn tiết canh ở ngoài quán gần nhà. Một ngày sau ăn, bệnh nhân bỗng xuất hiện sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ và nổi nhiều ban tím vùng mặt và vành tai cẳng chân và đùi 2 bên.
Ngay lập tức, gia đình đã đưa bệnh nhân L. vào Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ nhưng bệnh nhân nhanh chóng xuất hiện tụt huyết áp, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn và được chuyển thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân đã được cấp cứu tích cực, dùng kháng sinh theo phác đồ, dùng thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục nhưng tình trạng sốc không cải thiện, các ban hoại tử tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu, gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về trong ngày 21/5”- BS Nguyễn Trung Cấp cho hay.
BS Cấp cảnh báo, dù các bác sĩ cũng như tên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về những nguy hại của món tiết canh đối với sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan ăn tiết canh chỉ vì… sở thích. Một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn phải nó trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu nhưng không phải trường hợp nào cũng qua khỏi bởi liên cầu lợn gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc viêm não rất nguy kịch.
Trong mùa hè nóng nực, tiết canh cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy do đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín để phòng các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh do liên cầu lợn nguy hiểm.
Vi bát tiết canh đã khiến ông L mất mạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn Ảnh minh họa
Liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn, thông tin từ cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Bộ Y tế cách đây không lâu cho biết, trong năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 13 ca tử vong; số mắc tăng 51 ca, tử vong tăng 5 trường hợp so với năm 2014. Nguyên nhân do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện bệnh.
Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người.
Hơn nữa, ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở thì người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.