Mất mạng vì chữa chó dại cắn bằng thuốc nam

27-09-2017 14:47 | Tin nóng y tế

SKĐS - Bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại

Đây là thông tin được ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030” do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp tổ chức tại TP Bắc Giang ngày 27/9.

Theo ông Tấn, hầu hết các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp.

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại lễ mít tinh

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đàm Xuân Thành- Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp đã được đưa ra trong Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Nghị định 90/ NĐ - CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/9/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vưc thú y đã nêu rõ, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Hiện mới có TP Hồ Chí Minh ra quân bắt chó thả rông và tới đây TP Hà Nội cũng sẽ thành lập các biệt đội bắt chó thả rông

Nghị định trên cũng nêu rõ, với những trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt từ 600.000 - 800.000 đồng. Theo quy định này, chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

Vẫn còn hiện tượng thả rông chó trên đường phố

Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 - 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang, mặc dù tại tỉnh Bắc Giang hỗ trợ vắc xin còn huyện xã hỗ trợ công tiêm tuy nhiên nhiều người dân chủ quan, không quan tâm đến việc này. Theo thống kê chưa đầy đủ, tòan tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 270.000 con chó.Chó thả rông vẫn nhiều.

Để phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

-Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

-Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.

Bắc Giang hiện là một trong những tỉnh xảy ra tử vong dại liên tiếp trong những năm gần đây, có số trường hợp mắc và tử vong do dại cao trên cả nước và khu vực miền Bắc. Từ đầu năm 2017 đến nay Bắc Giang cũng đang có số ca tử vong cao do dại trên cả nước với 7 trường hợp (trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 23/9), trong đó có trường hợp tử vong do chữa dại bằng thuốc nam.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cảnh báo, qua theo dõi bệnh dại trong nhiều năm, điểm đáng lưu ý là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa. Người dân không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc có vết xước, rách da khi chơi đùa, tiếp xúc với các loài động vật này.

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng không tiêm dự phòng vắc xin mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo là cách tốt nhất để phòng tránh lây lan bệnh dại sang người

Số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…

“Ở Thái Bình, một gia đình có 2 chú cháu bị chó dại cắn, người chú thì tiêm phòng, còn cháu gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Nghe gia đình kể, thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong”, BS Cấp kể lại.


Thái Bình
Ý kiến của bạn