Mất mạng vì chữa bệnh bằng thuốc của lang vườn

09-05-2016 07:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ vì tin lời mách bảo, chỉ vì nghe thầy lang có thuốc Nam tốt, thầy tiêm là khỏi bệnh nên không ít bệnh nhân bị viêm gan B đã bỏ thuốc Tây y để dùng thuốc Nam, rồi có người bị thoái hóa đĩa đệm cột sống, bị đau chân đã giao phó mình cho thầy lang tiêm thuốc... Để rồi chính những người bệnh này đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh càng thêm nặng, thậm chí còn bị nhiễm trùng huyết, hoại tử cơ thể, sốc phản vệ... và có người đã mất mạng.

“Bổ gan” chưa thấy thì đã mất mạng

Liên tục trong thời gian  gần đây, BV Bệnh nhiệt đới TW đã tiếp nhận những bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do nghe “tin đồn” đã tìm đến thầy lang chữa bệnh.

BS. Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới TW) cho biết, mới đây, bệnh nhân C.H.C. (nam, 43 tuổi, Hà Nội) được đưa vào viện trong tình trạng suy gan nặng. Bệnh nhân này đã mắc viêm gan B 20 năm nhưng vẫn sống khỏe mạnh, ổn định do duy trì điều trị thuốc kháng virut viêm gan. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, bệnh nhân nghe người thân mách, mua thuốc Nam hoàn tán “bổ gan” uống. Sau đó thấy người mệt mỏi dần, chán ăn, vàng da, vàng mắt, tri giác lơ mơ. Tại BV Bệnh nhiệt đới TW dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng suy gan của bệnh nhân không hồi phục, gia đình đành xin bệnh nhân về nhà lo hậu sự.

Điều trị cho bệnh nhân tại BV Bệnh nhiệt đới TW. (ảnh minh họa). Ảnh: TM

Hiện khoa điều trị một bệnh nhân nữ 68 tuổi ở Nam Định trong tình trạng nặng. Bệnh nhân bị viêm gan B 20 năm đã tiến triển thành xơ gan, lại mắc tiểu đường đã 3 năm, sức khỏe bình thường vẫn ổn định. Tuy nhiên, nghe người quen mách bảo, bà tự ý bỏ thuốc Tây y, mua thuốc Nam uống cho “bổ gan”. Chỉ sau 2 tuần, bệnh nhân vàng da, vàng mắt, tri giác lơ mơ dần rồi hôn mê. Khi được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TW, bệnh nhân này đã phải thở máy, lọc máu 3 lần. Rất may, chức năng gan và tri giác bệnh nhân dần hồi phục.

Cũng liên quan đến uống thuốc Nam của thầy lang, bà N.T.C. (54 tuổi, ở Hà Nội) được đưa vào BV Bệnh nhiệt đới TW do nhiễm trùng nặng. Bà C. vốn bị đau khớp nhiều năm và thường tự mua thuốc hoàn tán của ông lang điều trị. Khoảng 2 năm gần đây, bà C. thấy mặt tròn ra, xuất hiện tăng huyết áp, tiểu đường. Trước thời điểm vào viện 5 ngày, bệnh nhân bị sốt, rét run. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết/hội chứng Cushing (nghi ngờ do uống thuốc Đông y hoàn tán có trộn corticoid. Sau 3 tuần điều trị kháng sinh liều cao, bệnh nhân mới khỏi tình trạng nhiễm trùng.

BV Bệnh nhiệt đới TW cũng  đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, hoại tử sưng nề da ở các vết tiêm, sốc phản vệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do đều tìm đến thầy lang để chữa bệnh và “được” thầy tiêm thuốc giảm đau. Điều đáng nói là cả hai trường hợp này thì một trường hợp không biết thầy lang tiêm thuốc gì, trường hợp còn lại tiêm corticoid là loại thuốc nguy hiểm, khi dùng phải có chỉ định chặt chẽ theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Không nên tin những bài thuốc truyền miệng

Theo BS. Cấp, câu chuyện dùng thuốc Nam với bệnh nhân viêm gan B xảy ra rất phổ biến. Bởi với căn bệnh viêm gan B, bệnh nhân phải dùng thuốc liên tục, suốt đời để ức chế sự phát triển của virut. Khi tuân thủ điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, sinh hoạt, lao động bình thường. Tuy nhiên, là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời nên nhiều người bệnh không kiên trì, khi nghe mách có thuốc chữa khỏi hoàn toàn viêm gan là không quản đường sá xa xôi, cũng không cần kiểm chứng, có thể tin ngay. Đến khi dùng thuốc Nam không hiệu quả, họ mới quay trở lại viện thì đã hết cơ hội điều trị bởi suy gan không thể phục hồi, tế bào gan của bệnh nhân bị phá hủy không khống chế được, suy gan rồi tử vong.

Còn đối với 2 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu vì vết tiêm của thầy lang, BS. Cấp cho biết, trên thực tế, việc đau đâu tiêm đấy của thầy lang rất nguy hiểm. Bởi thầy lang khác với bác sĩ Đông y. Bác sĩ Đông y đã được học về giải phẫu, dược lý, kỹ thuật tiêm truyền nên có thể kết hợp thuốc Đông y cũng như tân dược (từ uống, tiêm truyền cho người bệnh...), còn thầy lang không được học về giải phẫu nên có thể tiêm vào vùng nguy hiểm.

“Thêm một nguy cơ khác, do trên da người luôn tồn tại nhiều loại vi khuẩn, gồm cả tụ cầu vàng. Nếu kỹ thuật tiêm không đảm bảo, sát trùng không tốt, vi khuẩn trên da có thể xâm nhập qua vết tiêm để vào máu, gây nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Bên cạnh đó chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng không đúng gây nguy hại cho sức khỏe ”, BS. Cấp cảnh báo.

Được biết, ngoài 2 trường hợp này, tại Khoa Cấp cứu vẫn gặp một vài trường hợp bệnh nhẹ nhưng nhập viện trong tình trạng nặng vì để thầy lang tiêm. Vì thế, BS. Cấp khuyến cáo, người dân cần lưu ý khi đi khám chữa bệnh Đông hay Tây y đều phải lựa chọn cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị đúng. Đồng thời không nên nghe theo những bài thuốc truyền miệng. Khi có bệnh, cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ, đúng thuốc, tránh tự ý bỏ điều trị, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thậm chí là mất mạng.


Trần Nam
Ý kiến của bạn