Mất mạng do ăn tái, sống

16-07-2014 11:21 | Thời sự
google news

Nhiều người có thói quen ăn các món tái, sống mà không biết rằng nguy cơ các ấu trùng, giun sán… thâm nhập dẫn đến nguy kịch, thậm chí mất mạng.

Nhiều người có thói quen ăn các món tái, sống một cách cẩu thả mà không biết rằng nguy cơ các ấu trùng, giun sán… thâm nhập dẫn đến nguy kịch, thậm chí mất mạng .

  •  1
    Giun lươn bò lổn nhổn dưới da do ăn hải sản tái, sống - Ảnh: T.L

     

Ngon miệng, hại mạng!

Tháng 6 vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhiệt đới trung ương Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân tên Đ. (nhà ở Thái Thịnh, TP.Hà Nội). Trước khi vào viện, ông Đ. thường bị đau bụng, tiêu chảy, người luôn buồn nôn, có những đường ngoằn ngoèo xuất hiện dưới làn da và bị sụt đến 13 kg. Khi vào viện, ông Đ. trong tình trạng suy kiệt. Bác sĩ xác định ông bị nhiễm ấu trùng giun lươn, do ông Đ. khi làm việc ở quán hải sản thường dùng món hàu sống, tôm sống tái mù tạt.

BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân trúng độc và tử vong sau khi ăn ốc bươu vàng tái. Đó là N.V.H (22 tuổi, ngụ P.4, Tân An, Long An). Anh H. cùng 3 người khác bắt ốc bươu vàng ngoài đồng đem về để sống rồi thẻo thịt ở phần đầu cho vào đĩa, vắt chanh lên cho tái làm mồi lai rai với rượu. Ngon miệng, cả 4 người làm hết hơn ký ốc thịt. Hai ngày sau, cả 4 người đều có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm (đau bụng, đau đầu dữ dội…). Ba người kia bệnh tình nhẹ hơn, riêng anh H. nguy kịch, được chuyển lên BV Chợ Rẫy nhưng đã tử vong trước khi nhập viện. Các bác sĩ cho rằng ốc mà anh H. ăn phải đã bị nhiễm thuốc trừ sâu. Khi ăn ốc tái, uống rượu, rượu làm chất độc có trong thịt ốc lan nhanh khắp cơ thể, gây ngộ độc dẫn đến tử vong.

  •  2
    Một bệnh nhân bị hoại tử do liên cầu khuẩn heo từ tiết canh - Ảnh: Ngọc Thắng

     

Một trường hợp khác cũng nguy kịch vì ăn ốc tái chanh. Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TP.HCM từng tiếp nhận bệnh nhi T.T (12 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) vào viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu dữ dội, người lừ đừ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não do nhiễm một loại ký sinh trùng từ ốc. Trước nhập viện mấy ngày, T.T có ăn ốc sên sống tái chanh. Người nhà cho bác sĩ biết, em này thường ăn món ốc nướng, luộc, tái.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phú, Phó trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết: “Khoa thường tiếp nhận những trường hợp nhập viện do ăn đồ sống, côn trùng hay những sinh vật lạ. Thường gặp nhất là các trường hợp ăn thịt ốc, cá, các loại hải sản dạng tái hoặc còn sống. Phần đông bệnh nhân đến từ các tỉnh ĐBSCL. Tình huống cũng hay gặp là do nhậu với mồi là ốc bươu vàng tái chanh. Món này rất nguy hiểm!”. Theo bác sĩ Phú, triệu chứng lâm sàng của những bệnh nhân khi nhập viện thường là sốt, nôn ói, tay chân run, khó thở, nặng hơn có thể hôn mê sâu.

Sán đầy não do ăn tiết canh heo

Thời gian gần đây, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn heo. Các bệnh nhân đến từ các tỉnh thành phía bắc: Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội... Phần lớn các ca bệnh có liên quan đến chế biến, ăn tiết canh heo. Trường hợp gần đây bị tử vong sau ăn tiết canh heo là ông V.A. (39 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Bình), vào viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, nhất là ở vùng mặt. Mặc dù các bác sĩ khẩn trương cứu chữa, nhưng do bệnh tình quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong. Qua kiểm tra, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân V.A dương tính với liên cầu khuẩn heo.

Hai trường hợp khác: một nam thanh niên sống tại TP.Hà Nội bị viêm màng não do liên cầu khuẩn heo với các biểu hiện sốt cao, co giật, hôn mê và Nguyễn Văn T. (31 tuổi, ngụ Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, cơ thể có các ban bị hoại tử. Trước khi nhập viện, cả hai đều có ăn tiết canh heo.

  •  3
    Món tiết canh - thực phẩm không được kiểm soát nguy cơ nhiễm sán - Ảnh: Bạch Dương

     

Cũng tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội mới đây tiếp nhận một bệnh nhân (58 tuổi, trú Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) được chẩn đoán bị sán ở não - loại sán có từ heo. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân hay ăn tiết canh heo trước đó. Sau ăn, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tri giác lơ mơ, nổi các cơn co giật. Kết quả chụp CT Scanner sọ não phát hiện nhiều ổ sán trong não, mỗi lát cắt chụp CT phát hiện 4 - 5 ổ sán. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội, cho biết mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục ca sán não, nguyên nhân mắc sán có thể do ăn tiết canh, thịt sống…

    • Khoa thường tiếp nhận những trường hợp nhập viện do ăn đồ sống, côn trùng hay những sinh vật lạ. Thường gặp nhất là các trường hợp ăn ốc, cá, các loại hải sản dạng tái, hoặc còn sống... Tình huống cũng hay gặp là nhậu với mồi ốc bươu vàng tái chanh

     

Mới đây, các chuyên gia thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương phải huy động lực lượng để điều trị cho chùm 8 bệnh nhân cùng bị nhiễm giun xoắn từ heo. Cả 8 bệnh nhân này khi vào viện đều có các triệu chứng sốt, đau nhức cơ, đau đầu, tiêu chảy, trong đó có 1 bệnh nhân 34 tuổi trong tình trạng nặng, khó thở, tràn dịch màng tim. Quá trình điều trị, một số bệnh nhân nặng hơn: xuất hiện phù mi mắt, phù chân... Qua xét nghiệm cho thấy, cả 8 bệnh nhân đều nhiễm ấu trùng giun xoắn từ heo do ăn chung một nguồn thịt heo và khả năng thịt heo chưa qua nấu chín.

Dễ nhầm với sốt xuất huyết

Theo các bác sĩ, trứng sán có trong tiết canh, thịt sống khi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa sẽ chui qua thành ruột, vào mạch máu đi khắp nơi trong cơ thể. Sán trú ngụ, làm tổ tại chỗ nào của cơ thể thì gây bệnh chỗ đó: cơ, mắt... Tại não, sán có thể gây tình trạng phù não, co giật, thậm chí tử vong. Bác sĩ lưu ý, heo trông khỏe mạnh cũng có thể mang liên cầu khuẩn, khi heo bệnh, yếu, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết (máu) ở heo. Vì thế, nếu ăn tiết canh lấy từ những con heo này thì nguy cơ người sẽ bị nhiễm liên cầu khuẩn heo và có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết tác nhân gây bệnh liên cầu khuẩn heo là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng của heo. Tuy nhiên, liên cầu này cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của heo.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Hà Nội, với những trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn heo, bệnh khởi đầu sốt cao, đau đầu, rét người; nhiều trường hợp nổi những ban tím dưới da nên ban đầu có thể lầm tưởng là sốt xuất huyết. Sau đó, các ban này có thể hình thành từng mảng lớn màu tím đen trên bề mặt da. “Liên cầu khuẩn heo nguy hiểm cho người, bởi nó gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim”, bác sĩ Hà lưu ý.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhấn mạnh: “Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt heo chưa nấu chín vì có thể nhiễm liên cầu khuẩn, dù tiết canh đó lấy từ heo không có biểu hiện bệnh”. 

Theo Thanh Niên

 


Ý kiến của bạn