Hélène Barre (35 tuổi) mất đi khả năng cảm nhận mùi hương của mình - hay còn gọi là tình trạng mất khứu giác (anosmia) - sau khi nhiễm COVID-19 hồi tháng 11/2020.
Quá trình phục hồi sau khi khỏi bệnh của cô khá chậm, và lại càng bị cản trở khi tình trạng này không biến mất. Đậu phộng có mùi như tôm, thịt xông khói lại ngửi giống bơ, còn cơm thì giống mứt chocolate Nutella. Ảo giác về mùi hương của một thứ gì đó đang cháy đôi lúc có thể ám ảnh cô hàng giờ đồng hồ.
Mất đi khứu giác với người thường đã là rất tệ. Nhưng với một chuyên gia nghiên cứu về rượu nho như Barre, nó không dừng lại ở chữ "tệ" nữa. Sự nghiệp, nguồn sống, sự đam mê của cô, tất cả đều phải dựa vào khứu giác. Và cô thì không còn nó nữa.
Mất tất cả vì một triệu chứng "nhẹ"
"Nó (chiếc mũi) là công cụ để làm việc, là cách để chúng tôi xác định vấn đề trong sản phẩm," - Barre cho biết. Cô hiện đang làm việc ở một doanh nghiệp rượu nho tại Limoux (Pháp). "Chúng tôi dùng nó để nhận biết, phân tích và đánh giá rượu."
"Kiểu như lấy mất cái bay của người thợ nề vậy," - cô ngao ngán nói. "Thật mệt mỏi đến phát bực."
Cơ quan y tế các nước đã xác nhận rằng mất khứu giác là một trong những dấu hiệu của COVID-19 - ít nhất là với hàng triệu trường hợp trên thế giới, đi kèm với khả năng mất đi vị giác. Tuy nhiên, tình trạng này thường được xem là triệu chứng nhẹ, chỉ gây chút ít phiền toái không đáng kể nếu so với các triệu chứng nặng hơn như viêm phổi hoặc tử vong.
Nhưng với những người như Barre, chiếc mũi của họ cực kỳ quan trọng, nhất là khi họ còn làm việc ở Pháp - một nơi nổi tiếng vì ẩm thực, rượu nho và nước hoa. Các nhà nghiên cứu rượu, người thử rượu, thử nước hoa... đều đã phải trui rèn khả năng cảm nhận mùi hương suốt nhiều năm, để có thể nhận ra sự thay đổi của nốt hương tinh tế nhất trong một lọ nước hoa, hay phân tích và đánh giá mùi của một chai Bordeaux khi đủ tuổi.
Rồi COVID-19 tước đi của họ công cụ lợi hại nhất. Nhiều người sợ rằng sự nghiệp của họ đến đây là chấm dứt. Thậm chí với nhiều người trong ngành, mất khứu giác còn là một chủ đề cấm kị.
Barre chia sẻ, giám đốc và các đồng nghiệp thấu hiểu và thông cảm cho cô. Nhưng ngay cả khi mùa thu hoạch nho bắt đầu, cô vẫn chưa thể phục hồi được khứu giác và buộc phải dựa vào chiếc mũi của người khác để đoán định chất lượng rượu thành phẩm.
"Tôi cứ luôn tự hỏi một điều thật căng thẳng: 'Giả sử như không thể phục hồi nữa, tôi sẽ làm gì?'" - Barre trầm ngâm. "Tôi vẫn chưa thể có đáp án."
Một khảo sát do Oenologues de France (hiệp hội các chuyên gia về rượu vang tại Pháp) thực hiện vào cuối năm 2020 đã chỉ ra rằng tỉ lệ lây nhiễm tới ngành nghề này cũng không có gì khác biệt so với công chúng. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng thì khác, khi có đến 40% thừa nhận việc mất khứu giác và vị giác đã tác động mạnh đến công việc của họ.
Sophie Pallas, giám đốc điều hành của hiệp hội cho biết nhiều chuyên gia rượu vang mất khứu giác thậm chí chẳng dám thừa nhận nó, vì lo sợ sẽ "ảnh hưởng đến hình ảnh sự nghiệp của họ." Ngay cả những người đã phục hồi cũng ngần ngại nói ra.
"Chúng ta không có công cụ đo lường chính xác nào cả," - Pallas cho biết, đồng thời lưu ý rằng khứu giác sẽ sớm trở lại nhưng khó lòng đạt đến khả năng tối ưu trong thời gian ngắn. "Thực sự phức tạp để đánh giá được khả năng phục hồi của bạn là như thế nào."
"Có khác gì nghệ sĩ dương cầm bị chặt mất ngón tay đâu?"
Đó là lời nhận định của Calice Becker, nhà điều chế nước hoa (perfumer) người Pháp, từng tạo ra những mùi hương nổi tiếng thế giới như Dior’s J’adore, hiện là giám đốc giảng dạy của thương hiệu nước hoa Thụy Sĩ Givaudan.
Nỗi sợ về việc Covid có thể làm tiêu tan sự nghiệp cũng rất phổ biến ở ngành sản xuất nước hoa - một ngành nghề cực kỳ giàu cạnh tranh. Các chuyên gia phải làm việc trong hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, thử từng thành phần một hòng tìm ra mùi hương phù hợp cho sản phẩm của mình.
Không chỉ có mình COVID-19 làm con người ta mất khứu giác. Có nhiều chứng bệnh khác có nguy cơ gây ra tình trạng tương tự, dù hiếm khi xảy ra. Chỉ là với các chuyên gia nước hoa, COVID-19 đã khiến sự hiếm gặp ấy trở nên thực tế hơn bao giờ hết.
Theo Becker, những chuyên gia hàng đầu vẫn có thể tạo ra các công thức nước hoa mới dù mất khứu giác, bởi kinh nghiệm trui rèn qua nhiều năm đã giúp họ biết được các mùi hương khi trộn vào nhau sẽ cho ra phản ứng như thế nào. Nó giống như cách Beethoven sáng tác nhạc vào lúc cuối đời, thời điểm ông đã bị điếc hoàn toàn. Có điều bạn vẫn sẽ cần phải dựa vào người khác để xác định rằng mọi thứ đang đi đúng hướng.
Tương tự với nghề phục vụ rượu, những người vốn có bản năng tốt về rượu và thực phẩm vẫn sẽ ổn. Tuy nhiên Philippe Faure-Brac - chủ tịch hiệp hội nghề rượu của Pháp, chứng mất khứu giác sẽ khiến họ khó làm việc với đầu bếp hơn, hoặc tệ hơn là không phát hiện ra rượu có lẫn tạp chất, như mùi của nút bần.
"Chúng tôi là dân chuyên, cần đánh giá mọi thứ theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp," - ông Faure-Brac nhận định. Bản thân ông cũng đã mất khứu giác vì COVID hồi năm 2020.
Và dân chuyên cũng có thể phải chịu đựng những định kiến sau khi mắc Covid-19. Mathilde Ollivier, chuyên gia rượu nho ở Thung lũng Loire, bỗng một ngày nhận ra rằng cô không thể ngửi được mùi dầu gội của mình. Cô thử tất cả mọi thứ trong nhà và cũng chẳng cảm nhận được mùi gì cả. Không nản chí, Ollivier dành vài tuần để luyện tập và chờ đợi cho đến khi khứu giác phục hồi đủ tốt mới quay lại làm việc, nhưng đồng nghiệp của cô nghĩ khác. Một người cảm thấy khó hiểu vì cô đã kể lại triệu chứng "đáng xấu hổ" này cho khách hàng. Người khác thì nghĩ cô đã phạm sai lầm khi công khai nó cho truyền thông.
Còn Ollivier, cô theo đuổi quan niệm cần phải minh bạch với khách hàng để xây dựng sự tin tưởng. "Chúng ta cần phải không ngần ngại nói về nó, để phá vỡ đi điều cấm kị."
Ollivier xuất thân từ một gia đình có truyền thống nấu rượu. Từ nhỏ, cô vốn đã rất quen thuộc với mùi rượu trong mỗi bữa ăn của gia đình. "Nhưng tiếp quản một vườn nho mà chẳng thể ngửi thấy gì thì thật là không tưởng," - Ollivier từng nghĩ như vậy. "Khi công việc đang làm cũng là đam mê, thật khó có thể tưởng tượng bạn sẽ làm được việc gì khác."
Ổ dịch BV Việt Đức rất căng thẳng, Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch