"Trái đắng" làm cộng tác viên bán hàng online
Mới đây, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết vừa nhận được đơn trình báo của chị H. (SN 2001; trú tại Gia Lâm), hiện đang làm nhân viên bán sách tại quận Long Biên.
Cụ thể, chị H. tìm việc làm online trên mạng xã hội và có kết bạn Zalo với một người. Sau đó, chị được hướng dẫn làm cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử.
Đối tượng này yêu cầu chị H. làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Với mồi nhử hấp dẫn là với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Chỉ trong thời gian ngắn, chị H. đã thanh toán 10 đơn hàng với tổng số tiền là hơn 230 triệu đồng. Tuy nhiên, chị đã không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị H. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Một vụ việc tương tự, chị Nguyễn T. H. (32 tuổi, trú tại huyện Định Quán, Đồng Nai) cũng đã trình báo cơ quan công an về việc bị lừa mất số tiền hơn 80 triệu đồng khi đồng ý làm cộng tác viên bán hàng online.
Theo đó, chị Nguyễn T. H. đọc được quảng cáo tuyển dụng làm cộng tác viên cho các trang thương mại điện tử nên đã nhắn tin tìm hiểu.
Sau đó, chị Nguyễn T. H. được một người liên hệ trao đổi. Công việc của chị Nguyễn T. H. là hợp tác với trang thương mại điện tử để giúp các sản phẩm được đứng top thịnh hành tăng lượt mua, tăng tín nhiệm.
Sau khi đăng ký cộng tác viên và có mã cộng tác viên, hệ thống sẽ phát hành đơn hàng. Chị Nguyễn T. H. sẽ thanh toán hóa đơn theo đơn giá sản phẩm, chụp hóa đơn lại sau khi thanh toán. Sau khoảng 3-5 phút, hệ thống shop sẽ thanh toán lại cho chị Nguyễn T. H. tiền gốc và hoa hồng 10% giá trị đơn hàng.
Chị Nguyễn T. H. đã đồng ý làm cộng tác viên. Hai đơn hàng đầu tiên, chị Nguyễn T. H. đều được thanh toán cùng hoa hồng ngay sau đó. Đến đơn hàng thứ 3 có trị giá hơn 4 triệu đồng, dù đã thanh toán nhưng hệ thống lại luôn báo lỗi.
Chị Nguyễn T. H. liên hệ với người trao đổi công việc trước đó thì được biết mình mới hoàn thành 1/3 công việc. Nghĩa là chị Nguyễn T. H. phải mua 3 sản phẩm thì hệ thống mới hoàn tiền. Sợ mất tiền, chị tiếp tục mua 2 sản phẩm nữa là hơn 12 triệu đồng nhưng hệ thống vẫn báo lỗi.
Tiếp tục trao đổi về vấn đề này, người này lại cho biết chị Nguyễn T. H. chưa hoàn thành công việc. Giờ phải viết lại nội dung thì hệ thống mới hoàn tiền. Đáng chú ý, chỉ được làm trong vòng 20 phút. Nếu quá thời gian trên sẽ không được hoàn tiền. Tuy nhiên, dù đã làm theo đúng hướng dẫn nhưng hệ thống vẫn báo lỗi.
Do trong tài khoản không đủ tiền, chị Nguyễn T. H. đã vay người thân, bạn bè thêm tiền với mong muốn lấy lại số tiền ban đầu. Cuối cùng, chị Nguyễn T. H. đã chuyển đi số tiền lên tới hơn 80 triệu đồng. Chỉ đến khi không còn tiền để chuyển, chị Nguyễn T. H. mới sực tỉnh là mình bị lừa.
Nêu cao cảnh giác với chiêu lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online
Mặc dù chiêu lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online đã được nhiều lần cảnh báo, nhưng thời gian gần đây, chiêu bài này lại bắt đầu nở rộ trở lại. Đối tượng bị nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, gặp phải khó khăn do đại dịch COVID-19. Đặc biệt là những phụ nữ đang ở nhà, không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online, kiếm thêm thu nhập.
Thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin quảng cáo. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước. Sau đó, sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu.
Đáng chú ý, các đối tượng thường đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn. Mỗi đơn hàng được hưởng số tiền được hưởng chệnh lệch 10-20%... Đã có không ít người nhẹ dạ cả tin đăng ký làm cộng tác viên bán hàng online. Hậu quả là người mất ít thì vài triệu đồng, người mất nhiều thì lên tới cả chục, trăm triệu đồng.
Cơ quan Công an đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa,… cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, dịch bệnh COVID-19 đã làm đời sống nhiều người dân gặp khó khăn. Nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm online tăng cao nên các đối tượng xấu cũng lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2 triệu đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bằng nhận thức như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2 triệu đồng đối với một nạn nhân.
Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 174 – Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…
Như vậy, trong trường hợp nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, gây bức xúc trong dư luận. Hành vi sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2 triệu đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Gửi lời tri ân Chiến sĩ áo trắng