San hô chết, lượng tôm cá sẽ giảm
Nhiều hình ảnh cho thấy san hô chết phủ trắng đáy biển khiến ai cũng xót xa. Một khảo sát thực tế tại Hòn Mun cho thấy, san hô chết hàng loạt là có thật.
San hô phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ dài vài cm. Để nuôi được một rạn san hô thành công có khi phải mất tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm.
Dưới đáy biển ở khu vực phía đông bắc, tây nam đảo Hòn Mun phủ một lớp trắng san hô chết rộng hàng trăm m2, hệ sinh thái gần như biến mất, những đàn cá bơi lội không còn. Trong khi đó, trên bờ ở các khu vực này, hàng tấn san hô chết bị sóng đánh dạt, chất đống.
PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng nguồn lợi thuỷ sản. Do đó khi san hô chết hàng loạt và dần biến mất đồng nghĩa sản lượng cá tôm giảm, giá trị bền vững của biển cũng không còn.
ThS Thái Minh Quang, nghiên cứu viên của Viện Hải dương học, cho biết san hô là nơi trú ngụ của vô số động thực vật biển. Nhiều loài dù không thường xuyên ở nhưng tới mùa sinh sản chọn rạn san hô để sinh nở, nuôi dưỡng... Vì vậy san hô biến mất sẽ ảnh hưởng vòng đời của nhiều sinh vật biển.
San hô có hai hình thức sinh sản là đẻ trứng (hữu tính) và nẩy chồi (vô tính). Những san hô gãy đổ nếu còn sống vẫn có thể nuôi cấy được, song mất rất nhiều thời gian. Bởi mỗi năm san hô cành phát triển 1-10 cm, san hô khối phát triển một cm. Nuôi cấy san hô ở Việt Nam có từ chục năm qua, song việc khôi phục san hô ở Hòn Mun không hề dễ dàng. Để nuôi được một rạn san hô thành công có khi phải mất tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm.
Kết quả khảo sát của Ban quản lý vịnh Nha Trang đầu năm nay, so với năm 2015, rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng, ở khu vực đông bắc đảo độ phủ san hô từ 54% xuống còn 32%; khu đông nam từ 52% còn 11%; khu tây nam chỉ còn 8%... Tại một số vị trí, tổng diện tích san hô hư hại lên tới hàng trăm m2, thậm chí san hô bị xoá trắng.
Thời gian qua, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang và xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỷ lệ sống đạt trên 60%. Kết quả thử nghiệm được xem góp phần khôi phục các rạn san hô. Tuy nhiên, so với các khu vực phục hồi khác như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo, tỷ lệ sống của san hô cấy nuôi ở vịnh Nha Trang không cao.
Cần thiết thì đóng cửa vịnh
Còn TS Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, việc suy giảm rạn san hô có thể đánh giá từ nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên như bão, lũ... Tuy nhiên, để xác định chính xác rạn san hô hay hệ sinh thái bị hủy diệt cần phải khảo sát, đánh giá trực tiếp, dựa vào số liệu, dữ liệu để chứng minh. "Hiện nay, chưa thể xác định được sự suy giảm hệ sinh thái tại khu bảo tồn là do thiên tai hay do con người", ông Bền cho hay.
PGS.TS Nguyễn Tác An kiến nghị Chính phủ cần thay đổi cách nhìn, chính sách, chiến lược bảo tồn biển phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Để bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, cần sự chung tay của tất cả người dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, để họ không đánh bắt, khai thác thuỷ sản trái phép, tác động xấu hệ sinh thái biển.
Chính quyền cần dừng ngay việc khai thác quá mức tài nguyên biển trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển; mời nhà khoa học lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững. Các công ty du lịch thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn du khách có ý thức bảo vệ môi trường biển.
Thái Lan sẵn sàng đóng cửa vịnh Maya gần 3 năm để bảo vệ và phục hồi san hô cùng hệ sinh thái dưới biển. Họ hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Còn chúng ta ở nhiều nơi đang làm ngược lại. Đã là khu bảo tồn thì không nên du di cho các hoạt động đánh bắt trái phép trong khu vực và tập trung nhiều hơn nguồn lực để bảo vệ. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ tài nguyên biển cho người dân, không nên đánh bắt hải sản bằng cách tận diệt như lưới cào, dùng chất cyanua để bắt cá.
Được biết, TP Nha Trang đã giao cho Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm việc với Viện hải dương học để nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân và tìm phương án phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tại vịnh Nha Trang. Ngày 14/6, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức sẽ họp các ngành, từ đó bàn giải pháp phục hồi và bảo tồn san hô tại Hòn Mun.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 11/6: Xác Minh Vụ Cán Bộ Cục Thuế Say Xỉn Trong Giờ Làm, Xưng Hô “Mày - Tao” Với Dân | SKĐS