Hà Nội

Mất hàng chục tỷ ở MSB: Ai chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng?

02-04-2024 07:32 | Pháp luật
google news

SKĐS - Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng MSB sẽ phải có trách nhiệm về số tiền bị “bốc hơi” cho khách hàng. Số khác lại cho rằng người chịu trách nhiệm về số tiền này chỉ là là cá nhân người chiếm đoạt.

Việc nhiều khách hàng tố bị mất hàng chục tỷ đồng gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) thời gian qua khiến dư luận dậy sóng. Trong đó, bà N.T.L  gửi hơn 58 tỷ đồng tại MSB nhưng đã "bốc hơi" chỉ còn chưa đến 100.000 đồng.

Bà V.T.K.O. (trú tại Hà Nội), cũng mở tài khoản tại MSB từ tháng 3/2021. Từ ngày 30/3/2021, bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản trên, mỗi lần chuyển tiền đều nhận được Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản. Trên Giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân, hoặc Giám đốc chi nhánh, ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB.

Sau nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản và một lần rút gốc, số dư tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 là 27,7 tỷ đồng, theo xác nhận của ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở thì phát hiện tài khoản chỉ còn số dư 46.328 đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự việc nêu trên, ngân hàng MSB sẽ phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã bị "bốc hơi" cho khách hàng. Số khác lại cho rằng, người chịu trách nhiệm chỉ là là cá nhân người chiếm đoạt. Vậy ý kiến nào đúng?

C:\Users\Administrator\Desktop\msbtrananhtuan-msb-329-4021.jpeg

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng khi tiền gửi tiết kiệm bị "bốc hơi"?. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths.Ls. Hoàng Thị Hương Giang – Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà nội cho biết, trong vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân để tiếp tục, điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng MSB.

Đối với những vụ án như vậy, cần xác định rõ bị hại là ai để có căn cứ giải quyết phần trách nhiệm dân sự theo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Giang thông tin, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 28/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ về việc chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.

Đồng thời, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 6 Văn bản hợp nhất này thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản thanh toán của khách hàng do lỗi của mình.

Do đó, cần làm rõ việc chuyển giao tài sản giữa Ngân hàng và khách hàng, trách nhiệm quản lý tài sản và lỗi đối với việc để người chiếm đoạt lợi dụng sơ hở chiếm đoạt tài sản.

"Nếu trường hợp có căn cứ xác định bị hại là Ngân hàng thì người chiếm đoạt tài sản có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho Ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có quyền yêu cầu Ngân hàng hoàn trả số tiền gửi và lãi theo thỏa thuận, rủi ro lúc này sẽ thuộc về Ngân hàng.

Còn bị hại là khách hàng thì người chiếm đoạt tài sản có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho khách hàng. Khi đó rủi ro sẽ thuộc về khách hàng vì nếu người phạm tội không có khả năng thanh toán thì khách hàng có thể không thu hồi được số tiền này", luật sư Giang nói.

Cũng nói về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Đoàn, Công ty Luật TNHH 1 thành viên số 1 YB  cho hay, có một số trường hợp, khách hàng giao tiền cho người không thuộc nhân sự của Ngân hàng như đã nghỉ việc hoặc không đúng bộ phận và không đúng quy trình. Lúc này nếu rủi ro mất tiền xảy ra thì sẽ là lỗi của khách hàng.

Luật sư Đoàn cho rằng, để đảm bảo an toàn trong những giao dịch tại Ngân hàng, khách hàng cần bảo mật thông tin giao dịch. Không được chủ quan, dễ dãi, không được giao dịch ngang tắt với nhân viên Ngân hàng. Không ký sẵn giấy tờ, trước khi ký giấy tờ gì đó của Ngân hàng cần đọc và hiểu rõ nội dung.

Còn về phía Ngân hàng, cần đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên. Nhân viên Ngân hàng cũng cần tuân thủ mọi nguyên tắc, yêu cầu an toàn trong giao dịch với khách hàng.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Vụ 'bốc hơi" 58 tỷ: Bắt giám đốc ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân lừa đảo 338 tỷ đồng

Vụ 'bốc hơi" 58 tỷ: Bắt giám đốc ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân lừa đảo 338 tỷ đồng.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn