Mắt Hà Nội 2 khám miễn phí cho trẻ em khó khăn tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội

26-05-2023 14:53 | Y tế
google news

Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Mắt Hà Nội 2- 72 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội phối hợp với Cung thiếu Nhi Hà Nội tổ chức khám miễn phí và trao tặng 250 chiếc kính cho các em nhỏ nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6. Đây cũng là hoạt thường niên của bệnh viện nhằm hưởng ứng Tuần lễ Cận thị thế giới (22-26/5).

8 giờ sáng cô bé Trần Minh Khánh dắt tay bà nội đến Cung thiếu Nhi. Bà Lân năm nay 72 tuổi, đi lại khó khăn vì bệnh viêm khớp nhưng bà bảo vui lắm vì hôm nay cháu bà sẽ được khám mắt. Khánh bị cận từ năm lớp 2, một lần ra Bờ hồ chơi gặp ông bán kính dạo nên được mẹ mua đại cho cái kính cận đeo cũng chả biết bao nhiêu độ nhưng cứ sáng lên là được. Hè này cô bé lên lớp 6 nhưng vẫn chưa bao giờ được đi khám mắt và cái kính không biết độ đó cứ lẽo đẽo trên mắt em suốt mấy năm trời. Bà Lân ngậm ngùi "Bố mất từ khi con bé 6 tuổi, mình mẹ nó bươn chải nuôi 2 anh em. Tôi thì già rồi chỉ biết đi bộ nên thương cháu mà chẳng giúp được gì".

Mắt Hà Nội 2 khám miễn phí cho trẻ em khó khăn tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội- Ảnh 1.

Kiểm soát cận thị chính là cho con cuộc sống tươi đẹp

Không chỉ bà cháu Khánh có niềm vui mà tại Cung thiếu Nhi Hà Nội vào ngày 26/5 rộn ràng cả ngày vì các em nhỏ sinh sống ở những phố xung quanh như Lý Thái Tổ, Hàng Thùng … đều hớn hở. Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Mắt Hà Nội 2- 72 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội phối hợp với Cung thiếu Nhi HN tổ chức khám miễn phí và trao tặng 250 chiếc kính cho các em nhỏ nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6 và cũng là hoạt thường niên của bệnh viện nhằm hưởng ứng Tuần lễ Cận thị thế giới (22-26/5).

Chị Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc phụ trách Cung thiếu nhi Hà Nội chia sẻ: "Các con giờ bị bệnh về mắt rất nhiều, đặc biệt là cận thị học đường. Nhờ có sự giúp sức của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 mà trẻ em trên địa bàn các phường xung quanh, đặc biệt là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền và bố mẹ các con có thêm kiến thức về bảo vệ mắt, phòng chống các bệnh cận thị cũng chính là cho các con một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, giảm thiểu gánh nặng cho bệnh viện và cho xã hội".

Ở góc tặng kính miễn phí, cậu bé Vương Khang năm nay lên lớp 3 nhưng người nhỏ xíu đang háo hức chọn chiếc kính có gọng xanh vì con bảo trông cho ra dáng người lớn. Bố Khang chia sẻ "Con cận từ đợt dịch phải ở nhà học online, ngày nào cũng xem điện thoại, iPad. Từ đó đến giờ bố mẹ bận quá cũng không cho con đi khám lại. Nhờ có đợt khám miễn phí này mà tôi biết cháu tăng độ quá nhanh, cứ tưởng con chỉ 1 -2 độ mà giờ mỗi mắt hơn 3 độ rồi. Bác sĩ bảo cứ 6 tháng tăng 1 độ, 1 năm là 2 độ mà không có biện pháp kiểm soát độ cận thì sau này khổ cháu".

Hậu quả khi để mắt trẻ tự do tăng độ

Theo bác sĩ Hoàng Thanh Nga, chuyên khoa về bệnh kết giác mạc và kiểm soát cận thị trẻ em thì tăng độ cận trong giai đoạn trẻ đang phát triển là khó tránh khỏi, giống như trẻ cao lên thì độ cận cũng tăng theo, đồng thời hiện nay còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác khiến độ cận của trẻ có thể tăng rất nhanh nếu không được kiểm soát. Độ cận càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng, cận nặng (6 độ trở lên) thì nguy cơ bong rách võng mạc cao gấp 10 lần, chưa kể nguy cơ bị rất nhiều những biến chứng khác như: Đục thuỷ tinh thể, Glocom, thoái hoá võng mạc cũng tăng lên. Những biến chứng này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác thậm chí mù loà.

Sau một ngày làm việc miệt mài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đội ngũ hơn 20 người bao gồm bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã khám miễn phí cho gần 200 cháu. Bệnh chủ yếu của các con là cận, loạn thị học đường. Các con hầu hết không đi khám lại sau thời gian dài nên thường đeo kính sai số, sai cách hoặc không tuân thủ việc đeo kính dẫn đến độ cận tăng quá nhanh. Bố cô bé Khánh Chi ngạc nhiên vì con mình đã đeo kính 6 độ là nặng lắm rồi mà bảo nhìn vẫn mờ lắm. Đến đây các cô cho thử kính mới biết mắt đã lên 9 độ.

Anh Thắng - Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Máy móc được chở đến nên chu trình khám của các cháu rất đầy đủ: Kiểm tra sơ bộ đo khúc xạ, sau đó là thử thị lực, đo độ kính chính xác rồi đến bác sĩ khám chuyên sâu đáy mắt, bán phần trước và bán phần sau. Với những cháu đã đeo kính mà sai số thì bệnh viện đo xong cắt kính rồi hẹn ngày tặng con. Còn với những em chưa đeo kính bao giờ thì bác sĩ luôn hẹn đến khám miễn phí tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - 72 Nguyễn Chí Thanh để biết chính xác bệnh tình và có giải pháp tốt nhất.

Mắt Hà Nội 2 khám miễn phí cho trẻ em khó khăn tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội- Ảnh 2.

Trao đi niềm vui, nhận lại hạnh phúc

Sau một ngày bận rộn nhưng ai cũng hạnh phúc khi nhìn những đôi mắt ngây thơ ánh lên niềm vui. Bà Nỏ hơn 70 tuổi là cộng tác viên dân số của phường nhiệt tình dẫn theo 10 cháu nhỏ hàng xóm. Tình thương của một người bà dù chẳng máu mủ ruột già nhưng bà còn chăm hơn cháu mình. Chỉ vào cậu bé cao ráo, trắng trẻo, bà bảo: "Mẹ Lộc bỏ đi mấy năm nay, bố làm xe ôm, bà nội đi rửa bát thuê, nhà nghèo lắm nên hôm nay có khám miễn phí tôi phải đưa cháu đi không khổ thằng bé".

Hoạt động thiện nguyện là những chương trình mà Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thường xuyên thực hiện. Bạn Cẩm Nhung - Chuyên viên khúc xạ nhãn khoa - Khoa khám bệnh có mặt từ 6h sáng để chuẩn bị thiết bị: "Quá trình thăm khám phát hiện rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nên không được điều trị sớm các bệnh về mắt, có một số em nhỏ còn không có bố mẹ đi cùng. Em cảm thấy may mắn khi được góp công sức nhỏ bé trong hoạt động thiện nguyện lần này giúp các em có được cặp kính, thị lực tốt hơn".

Mắt Hà Nội 2 khám miễn phí cho trẻ em khó khăn tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội- Ảnh 3.

Mắt Hà Nội 2 khám miễn phí cho trẻ em khó khăn tại Cung Thiếu Nhi Hà Nội- Ảnh 4.

Cảnh báo của bác sĩ nếu trẻ em không được kiểm soát cận thị

- Rất nhiều em đã có tật khúc xạ, đang đeo kính nhưng kính không đúng số dẫn đến nguy cơ tăng độ rất nhanh.

- Một số trường hợp độ cận và độ loạn quá cao hoặc biến chứng của cận thị, nhược thị, lác nên không chỉ theo dõi điều trị về tật khúc xạ mà còn cả các biến chứng khác về mắt.

- Nhược thị có giai đoạn vàng để điều trị là trước 8 tuổi để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Ngoài giai đoạn này việc điều trị nhược thị là rất khó, cải thiện không nhiều, khả năng cải thiện cũng rất thấp. Đeo kính chỉ hỗ trợ được 5/10. Bởi vậy trẻ cần được kiểm soát cận thị, cần được thăm khám, theo dõi và áp dụng các biện pháp để kiểm soát quá trình tăng độ. Từ đó giảm thiểu nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm trên.


PV
Ý kiến của bạn