Hà Nội

Mật độ nhu mô tuyến vú có liên quan đến ung thư vú?

06-10-2020 09:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mật độ nhu mô tuyến vú có liên quan như thế nào đến khả năng mắc ung thư vú? Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương - Cố vấn chuyên môn của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, khám sàng lọc tầm soát ung thư vú (UTV) sẽ giúp bạn hiểu rõ về mật độ nhu mô tuyến vú cũng như sức khỏe vòng một của mình.

Mật độ nhu mô tuyến vú là gì?

Tuyến vú được cấu tạo bởi mô xơ liên kết, nhu mô tuyến và tổ chức mỡ. Tuyến vú của bạn được cho là vú đặc khi mà bạn có nhiều mô xơ và mô tuyến mà ít mô mỡ. Mật độ nhu mô tuyến vú có thể giảm theo tuổi nhưng thường ít và thay đổi khác nhau ở những phụ nữ khác nhau.

Làm thế nào để biết mình có tuyến vú đặc hay không?

Mật độ nhu mô tuyến vú được xác định bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Những bác sĩ mà đọc phim X-quang vú. Có 4 loại mật độ nhu mô tuyến vú, các bác sĩ này sẽ xác định mỗi phụ nữ có phim chụp X-quang vú thuộc loại mật độ nào dựa theo các thang đo lường. Khi bạn đi chụp phim X-quang vú, hãy hỏi bác sĩ hoặc xem trong phiếu kết quả để biết loại mật độ vú của bạn.

Mật độ nhu mô tuyến vú ở Mỹ:

● 10% phụ nữ có mật độ nhu mô hầu như là mỡ

● 10% phụ nữ có mật độ nhu mô đặc hầu như là xơ tuyến

● 80% phụ nữ có mật độ ở mức độ trung gian giữa mỡ và xơ tuyến

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ có vú đặc thường cao hơn do vóc dáng phụ nữ nhỏ và ít béo phì, do vậy thông thường phối hợp cả X-quang và siêu âm vú sẽ làm tăng độ chính xác trong sàng lọc phát hiện UTV giai đoạn sớm. Một số trường hợp có liên quan tới tăng đậm độ nhu mô tuyến vú bao gồm có như là có con muộn, không cho con bú, sử dụng liệu pháp hormone từ trước.

Tại sao mật độ nhu mô tuyến vú lại quan trọng?

Nếu bạn có tuyến vú đặc thì sẽ tăng nguy cơ bị UTV (từ 4 đến 6 lần), vú đặc cũng làm tăng độ khó để bác sĩ phát hiện UTV trên phim X-quang vú. Vú đặc sẽ biểu hiện trắng trên phim X-quang vú, khối u cả lành tính và ác tính cũng có biểu hiện trắng như vậy. Do vậy X-quang vú có thể sẽ kém chính xác hơn ở những phụ nữ có tuyến vú đặc.

Có cần chụp X-quang vú nếu có tuyến vú đặc?

Đúng vậy, X-quang vú là phương pháp y học duy nhất được FDA công nhận là phương pháp sàng lọc làm giảm tỷ lệ tử vong do UTV. Có rất nhiều UTV được phát hiện trên X-quang vú dù bạn có tuyến vú đặc.

Trong những trường hợp tuyến vú đặc, ung thư có thể khó phát hiện trên phim chụp X-quang vú 2D. Chụp X-quang vú 3D sẽ cung cấp những hình ảnh từng lát cắt của nhu mô tuyến vú trên phim X-quang ở các hướng khác nhau, giúp đánh giá các bất thường dễ dàng hơn. Chụp X-quang vú 3D làm tăng số lượng phát hiện ung thư mà không cần làm thêm các phương pháp khác. Siêu âm và cộng hưởng từ (MRI) đều giúp tìm thêm các ca ung thư mà không nhìn thấy được trên phim X-quang vú. Tuy nhiên, cả MRI và siêu âm có thể phát hiện ra nhiều tổn thương không phải ung thư.

"Phụ nữ từ 20-25 tuổi cần thiết phải siêu âm vú định kỳ; từ 40 tuổi trở lên phải chụp X-quang vú định kỳ để phát hiện sớm, giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú..."- TS.BS Nguyễn Thu Hương khuyến cáo.

Có hoặc không có tuyến vú đặc thì nên làm gì?

Nếu bạn có tuyến vú đặc, hãy nói chuyện với bác sĩ, cùng thảo luận để thảo luận, phương pháp sàng lọc nào là thích hợp, cần phải bổ sung phương pháp nào để sàng lọc.

Nếu vú của bạn không đặc, những yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới nguy cơ tăng ung thư vú, bao gồm có tiền sử gia đình, trước đây có chiếu xạ lồng ngực, sinh thiết nhu mô vú trước đó có thể ảnh hưởng tăng nguy cơ UTV. Nói chuyện với bác sĩ và cùng thảo luận về tiền sử của bạn.

Kể cả khi bạn không có tiền sử gia đình, mật độ vú mỡ thì bạn vẫn cần phải chụp X-quang vú một năm một lần khi ở độ tuổi 40.

“Chị em săn tìm áo ngực đẹp nhưng lại chủ quan với bệnh ung thư vú”

Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương - Cố vấn chuyên môn của mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, hiện nay hiểu biết của người dân về bệnh UTV đã cải thiện hơn trước nhưng vẫn chưa đầy đủ. Trong quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm, TS. Hương đã gặp không ít những trường hợp đến viện muộn với các triệu chứng rất điển hình, khám phát hiện thấy khối u đã lớn – thậm chí có trường hợp lan ra toàn bộ tuyến vú, ung thư vú di căn hạch, nách… Nhiều trường hợp chỉ tình cờ phát hiện ra UTV khi đi khám chuyên khoa khác, hoặc khám vì có biểu hiện đau lưng, đau xương…

“Chị em thường quan tâm xem mặc áo ngực loại nào đẹp mà lại quên đi việc chăm sóc bầu ngực của mình. Trong khi đó, với bệnh UTV nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 0, giai đoạn 1 (kích thước khối u nhỏ hơn 1cm) thì hoàn toàn có thể chữa khỏi” – chuyên gia vú nói.

Chính vì vậy, TS. Hương khuyến cáo, chị em phụ nữ cần quan tâm khám sàng lọc phát hiện sớm UTV. Phụ nữ từ 20-25 tuổi cần thiết phải siêu âm vú định kỳ; từ 40 tuổi trở lên phải chụp X-quang vú định kỳ để phát hiện sớm, giảm tỉ lệ tử vong do căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ này.

Ngoài ra, cần duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu, bia, chất chất kích thích. Nên tích cực rèn luyện, tập luyện thể thao, ăn uống hợp lý… Mỗi người cũng cần nâng cao ý thức tự khám vú, biết cách phòng chống UTV, khi phát hiện bệnh cần tuân thủ điều trị, tuyệt đối không tìm đến các phương pháp chữa bệnh truyền miệng gây biến chứng nặng, làm mất đi cơ hội điều trị.

TS.BS Nguyễn Thu Hương
Nguyên Bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai
Cố vấn chuyên môn của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam


Ý kiến của bạn