Để mô tả đôi mắt cuốn hút của giai nhân, người ta thường nói: “long lanh như nước hồ thu”. Thực tế mắt chúng ta luôn phải long lanh bởi vì chúng luôn luôn phải có một lớp nước rất mỏng (còn gọi là phim nước mắt) bao phủ bề mặt nhãn cầu với vai trò làm sạch mắt, diệt khuẩn, bảo đảm giác mạc trong suốt, giúp duy trì chức năng thị giác. Nếu vì lí do nào đó, tuyến nước mắt không tiết đủ nước mắt để tạo lớp phim nước mắt, ta sẽ bị chứng gọi là “khô mắt” hay “tình trạng phim nước mắt không ổn định”.
Nước mắt nhân tạo là gì?
Khi bị khô mắt sẽ có một số triệu chứng như: cảm giác khô, thậm chí rát bỏng ở mắt, xốn như bị dị vật trong mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ… Lưu ý có một số đối tượng có nguy cơ cao bị khô mắt là phụ nữ tiền mãn kinh, người cao tuổi, người đeo kính tiếp xúc (contact lens), người đã mổ Lasik điều trị cận thị, người bị bệnh lý ở kết mạc hoặc tuyến lệ… Người làm việc văn phòng, sử dụng thường xuyên máy tính cũng dễ bị khô mắt, ngoài chứng mỏi mắt. Đặc biệt sử dụng một số thuốc cũng dẫn đến khô mắt. Thuốc được lưu ý nhiều nhất trong thận trọng sử dụng là isotretinoin (roaccutance, accutance, isotina, acnotin…). Ngoài tác dụng điều trị trứng cá nặng, isotretionin là thuốc rất độc, có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi trong bụng mẹ (thuốc chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ có thai) và đặc biệt làm khô mắt, khô miệng…Vì vậy, trong đơn thuốc chỉ định isotretinoin cho phụ nữ còn trong tuổi hoạt động sinh dục ở phương Tây, bác sĩ phải ghi thêm thuốc ngừa thai và thuốc trị khô mắt gọi là “nước mắt nhân tạo”.
Chỉ dùng nước mắt nhân tạo khi cần thiết. |
Chất tăng độ nhầy: thường được gọi chung là hydrogel và đây chính là thành phần chủ yếu của nước mắt nhân tạo. Bản chất của hydrogel là hợp chất cao phân tử (polymer) nên có tác dụng hút giữ nước, tạo độ nhầy, giữ nước mắt nhân tạo lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu, duy trì độ ẩm giúp khắc phục tình trạng khô mắt. Các hydrogel thường dùng là: hydroxypropyl methylcellulose (HPMC), polyvinyl alcol, povidone, polyethylen glycol, carbomer…
Chất hút nước: glycerin 1% có tác dụng giữ nước lâu trên bề mặt nhãn cầu.Các chất khoáng: nước mắt nhân tạo có thể chứa các chất khoáng có ở nước mắt tự nhiên như: kali, natri, canxi, magiê… Sự hiện diện của chất khoáng còn nhằm giúp nước mắt nhân tạo có độ đẳng trương giống như nước mắt tự nhiên để khi nhỏ không làm xốn mắt.
Chất bảo quản: trên thị trường có loại nước mắt nhân tạo sử dụng đơn liều (tức lọ chứa lượng thuốc chỉ dùng 1 lần) không chứa chất bảo quản nhưng lại đắt tiền. Còn đa số là loại dùng đa liều (tức dùng nhỏ mắt nhiều lần) bắt buộc phải thêm chất bảo quản để tránh sự nhiễm vi sinh vật khi mở lọ thuốc dùng nhiều lần và dùng kéo dài. Các chất bảo quản thường dùng là benzalkonium clorid, phenyl mercuric nitrat, cetrimonium clorid… Chính các chất bảo quản làm cho người dùng nước mắt nhân tạo dễ bị dị ứng.
Lưu ý gì khi sử dụng nước mắt nhân tạo?
Sử dụng “nước mắt nhân tạo” chính là sử dụng thuốc nhỏ mắt. Nên lưu ý, thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc đặc biệt, được bào chế đạt các tiêu chuẩn đẳng trương (phải đẳng trương với nước mắt mới làm mắt cảm thấy dễ chịu), nhãn khoa khác như: viêm kết mạc, giác mạc. Nên lưu ý, có khi điều trị khô mắt là quá trình lâu dài, khi đó nước mắt nhân tạo là thuốc hỗ trợ trong phác đồ điều trị. Đặc biệt, có nhiều trường hợp người bệnh không nên chủ quan tự ý dùng thuốc mà nên sớm đến bác sĩ nhãn khoa để chẩn đoán đúng bệnh và cho hướng điều trị thích hợp.
Khi dùng nước mắt nhân tạo vẫn có thể bị tác dụng phụ như: kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, bị dị ứng gây đỏ mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi… Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang được chữa trị.
Khi mở lọ thuốc để nhỏ, không để đầu lọ chạm vào bất cứ bề mặt nào để tránh nhiễm bẩn và đậy nắp lại ngay sau khi dùng. Ngừng dùng ngay nếu quan sát thấy thuốc bị đổi màu hoặc trở nên vấn đục. Điều lưu ý ngay sau khi mở lọ thuốc ra dùng, chỉ dùng trong 15 ngày. Sau 15 ngày, nếu còn thừa phải bỏ đi và dùng lọ thuốc mới vì có thể bị nhiễm khuẩn.
Có một số người khi bị triệu chứng khô mắt thường dùng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% (còn gọi là dung dịch nước muối sinh lý) để nhỏ mắt. Trong trường hợp không có nước mắt nhân tạo, vẫn có thể dùng dung dịch NaCl 0,9% để nhỏ mắt trong thời gian ngắn (sau đó vẫn nên đi khám nếu mắt không được cải thiện). Không tự ý pha chế muối ăn với nước ở nhà để làm thuốc nhỏ mắt (dung dịch tự pha chế như thế có thể bị nhiễm khuẩn gây hại cho mắt). Cũng không nên pha loãng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% như một số người đã làm, vì có thể gây ô nhiễm và làm cho thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% không còn đạt tiêu chuẩn đẳng trương nữa.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC