Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây nhiều bệnh nguy hiểm

16-08-2019 15:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chúng ta có thể mang tới 2kg vi khuẩn trong ruột. Trong hàng chục nghìn tỷ vi sinh vật sống, có ít nhất 1.000 loài vi khuẩn bao gồm hơn 3 triệu gene.

2/3 hệ gene của các vi sinh vật  ruột (microbiome) là cá thể hóa ở mỗi cá nhân. Khi bị mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột (microbiota )sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Vai trò của vi khuẩn ruột

Vi khuẩn trong ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Khi dạ dày và ruột non không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm chúng ta ăn vào, các vi khuẩn đường ruột sẽ “nhảy vào” để giúp đỡ, đảm bảo chúng ta có được chất dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài ra, vi khuẩn đường ruột được biết là hỗ trợ sản xuất một số vitamin - chẳng hạn như vitamin B và K - đồng thời đóng vai trò chính trong chức năng miễn dịch.

Cho đến nay, ngày càng nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về hệ vi khuẩn ruột này, đặc biệt là vi khuẩn cá thể hóa ở mỗi cá nhân xem chúng ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh như thế nào?

Hệ vi khuẩn ruột rất phong phú và đa dạng.

Hệ vi khuẩn ruột rất phong phú và đa dạng.

Những hệ lụy khi mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột

Khi bạn bị thiếu hoặc thừa quá mức của một loại vi khuẩn cụ thể nào đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, gây ra nhiều hệ lụy xấu:

Gây tăng cân

Ngày càng có nhiều nghiên cứu xem xét mối liên quan giữa hệ vi sinh vật đường ruột và cân nặng. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học Cornell ở Ithaca, NY và King College London ở Anh - đã phát hiện ra rằng một chủng vi khuẩn nhất định - Christensenellaceae minuta - phổ biến hơn ở những người có trọng lượng cơ thể thấp và sự hiện diện của chủng vi khuẩn đặc biệt này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi gene. Hơn thế nữa, việc đưa vi khuẩn này vào ruột chuột khiến động vật tăng cân ít hơn, cho thấy vi khuẩn có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa béo phì.

Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu về hệ protein (proteome) cho thấy rằng việc thiếu vi khuẩn trong ruột già có thể gây béo phì bằng cách làm chậm hoạt động của chất béo nâu, giúp bảo vệ chống tăng cân. Hơn nữa, một phụ nữ trải qua cấy ghép vi khuẩn phân (FMT) sử dụng từ một người hiến tặng thừa cân nhanh chóng bị béo phì sau thủ thuật. Điều này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân.

Ung thư

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã điều tra mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và ung thư. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư, các nhà nghiên cứu Mỹ tuyên bố đã phát hiện ra vi khuẩn đặc biệt trong ruột - Lactobacillus johnsonii - có thể đóng vai trò trong sự phát triển của ung thư hạch, ung thư tế bào bạch cầu. Một nghiên cứu khác cũng trong năm 2013 được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh cho thấy một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến có tên Helicobacter pylori có thể gây ung thư dạ dày và loét tá tràng bằng cách vô hiệu hóa một phần của hệ thống miễn dịch liên quan đến điều chỉnh viêm...

Ảnh hưởng đến sức khỏe

tâm thần

Không nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ về việc vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần như thế nào nhưng chúng thực sự đóng một vai trò rất quan trọng.

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), vi khuẩn đường ruột tạo ra một loạt chất hóa học thần kinh mà não sử dụng để điều chỉnh các quá trình sinh lý và tinh thần, bao gồm trí nhớ, học tập và tâm trạng. Trên thực tế, 95% nguồn cung cấp serotonin của cơ thể được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột.

Năm 2014, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý học cho thấy prebiotic - carbohydrate giúp tăng cường vi khuẩn lành mạnh trong ruột - có thể có hiệu quả để giảm căng thẳng và lo lắng. Nghiên cứu được thực hiện trên người trưởng thành, khỏe mạnh được chọn ngẫu nhiên để nhận prebiotic hoặc giả dược mỗi ngày một lần trong 3 tuần. Tất cả những người tham gia sau đó được tiếp xúc với cả những kích thích tiêu cực và tích cực. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia nhận prebiotic ít chú ý đến các kích thích tiêu cực hơn so với những người nhận giả dược - cho thấy sự lo lắng thấp hơn trong các tình huống tiêu cực. Họ cũng có mức độ thấp hơn của “hormon căng thẳng” cortisol.

Tự kỷ

Bệnh tự kỷ được ước tính ảnh hưởng đến 1/68 trẻ em ở Mỹ. Trong khi các nghiên cứu có liên quan đến các yếu tố môi trường như ô nhiễm và di truyền là nguyên nhân tiềm ẩn của rối loạn này, các nhà nghiên cứu đang ngày càng xem xét vai trò của vi khuẩn đường ruột trong sự phát triển của nó.

Vào năm 2013, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Arizona đã phát hiện ra rằng trẻ em mắc chứng tự kỷ sở hữu mức độ thấp hơn của 3 loại vi khuẩn đường ruột - Prevotella, Coprococcus và Veillonellaceae - so với trẻ em không mắc bệnh này.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, nồng độ các hóa chất cụ thể được tạo ra bởi vi khuẩn đường ruột - được gọi là chất chuyển hóa - trong các mẫu phân của trẻ tự kỷ khác với nồng độ được tìm thấy trong các mẫu phân của trẻ em không bị rối loạn. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các vi khuẩn đường ruột làm thay đổi các chất chuyển hóa liên quan đến giao tiếp giữa ruột và não, gây cản trở chức năng của não.

Làm gì để bảo vệ hệ vi khuẩn ruột?

Vì microbiome ruột bị ảnh hưởng bởi thực phẩm chúng ta ăn và môi trường xung quanh chúng ta nên có nhiều cách để làm cho chúng khỏe mạnh hơn.

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể khuyến khích sự hiện diện của vi khuẩn đường ruột tốt. Tiêu thụ thực phẩm lên men như miso và dưa cải bắp làm tăng mức độ vi khuẩn lên men trong ruột. Ngoài ra, trái cây và rau quả có chứa chất xơ và đường có thể tăng cường sức khỏe của vi khuẩn đường ruột.

Tập thể dục cũng có thể là chìa khóa để cải thiện sự đa dạng vi khuẩn đường ruột.

TS. Georgina Hold thuộc Viện Khoa học Y khoa tại Đại học Aberdeen, Scotland lưu ý rằng, việc hiểu rõ hơn về các cách để cải thiện sức khỏe thông qua vi khuẩn đường ruột là rất quan trọng. Khi tuổi thọ tiếp tục tăng, điều quan trọng là hiểu được cách tốt nhất để duy trì sức khỏe tốt. Cách làm cho microbiota thường trú trong ruột được phong phú và khỏe mạnh thông qua cách ăn uống, sinh hoạt và luyện tập là rất cần thiết.


Việt Dũng
Ý kiến của bạn