Chỉ riêng đường ruột của con người đã chứa đến 2kg vi khuẩn.
Do lượng vi khuẩn chiếm đến 90% tế bào trong cơ thể người nên sự ổn định, cân bằng của chúng tác động rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Thông thường, hệ vi sinh vật của người khỏe mạnh có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu sự cân bằng này mất đi, tỷ lệ hại khuẩn gia tăng thì cơ thể sẽ suy yếu về khả năng miễn dịch, giảm sức đề kháng và dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là bệnh về tiêu hóa và hô hấp, sức khỏe tâm thần...
Nguồn gốc vi sinh vật của con người
Với số lượng khổng lồ vi khuẩn trong cơ thể như vậy, tất nhiên mọi người cho rằng vi khuẩn có trong cơ thể ngay từ lúc sinh ra. Nhưng sự thật là ngược lại, những vi khuẩn đầu tiên xuất hiện trong những năm đầu tiên của mỗi người. Trẻ sơ sinh nhận được vi khuẩn đầu tiên qua ống sinh sản của người mẹ. Những em bé sinh mổ sẽ không có được vi sinh vật theo cách này. Sau khi sinh ra, vi khuẩn bắt đầu xâm chiếm cơ thể con người qua việc trẻ bú sữa mẹ chẳng hạn như vi khuẩn Bifidobacterium và một số vi khuẩn lactic chiếm ưu thế trong hệ vi khuẩn vào tháng đầu sau sinh. Có sự khác biệt lớn trong hệ vi sinh đường ruột ở trẻ bú sữa mẹ và trẻ bú sữa công thức. Sữa mẹ đã được chứng minh là một nguồn giàu các loại vi khuẩn, phân tử chống viêm. Vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào hệ tiêu hóa qua việc ăn thức ăn và khi đó hệ vi khuẩn sẽ sinh sôi và ngày càng phát triển đa dạng trong hệ tiêu hóa của con người. Khi có sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố như tuổi tác, bệnh tật, sử dụng kháng sinh, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo dẫn tới phá vỡ sự mất cân bằng hệ vi khuẩn. Khi vi khuẩn có hại nhiều hơn vi khuẩn có đó là lúc bệnh tật bùng phát.
Vào thời điểm trẻ lên 3, hệ vi khuẩn đường ruột của chúng ta được hình thành và tương đối ổn định. Bacteroides và Firmicutes là những vi sinh vật chiếm ưu thế trong hệ tiêu hóa của trẻ ở các nước phát triển, còn Prevotella là vi sinh vật chiếm ưu thế ở trẻ em từ các quốc gia kém phát triển. Điều này ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sức khỏe cả cuộc đời.
Bộ máy tiêu hóa.
Khi hệ cân bằng vi khuẩn đường ruột bị phá vỡ
Nếu mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dấu hiệu đầu tiên đó là xảy ra các vấn đề về hệ tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, ợ nóng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích... và các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo âu, đầu óc trì trệ, kém tập trung.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa sự tăng các vi khuẩn đường ruột và trọng lượng cơ thể. Nghiên cứu năm 2014 của các nhà khoa học tại Trường đại học Cornell (Mỹ) cho thấy, một chủng vi khuẩn có tên Chritensenellaceae minuta - phổ biến ở những người có trọng lượng cơ thể thấp. Sự hiện diện của chủng vi khuẩn này có khả năng cao do gene. Hơn thế, thử nghiệm về vi khuẩn này trong ruột của chuột cho thấy chúng khiến chuột tăng cân ít hơn. Điều này chứng tỏ, vi khuẩn này có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa bệnh béo phì.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, vi khuẩn đường ruột sản xuất một loạt các hóa chất thần kinh để não có thể sử dụng cho việc điều chỉnh các quá trình sinh lý, tâm thần, bao gồm trí nhớ, học tập và tâm trạng. Có đến 95% nguồn cung cấp serotonin của cơ thể được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột. Điều này cho thấy vi khuẩn đường ruột có liên quan chặt chẽ đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm.
Hệ vi khuẩn đường ruột rất phong phú.
Lấy lại sự cân bằng hệ vi khuẩn - Cách nào?
Theo các nhà khoa học, thực hiện các bước đơn giản sau bạn sẽ nhanh chóng lấy lại được sự cân bằng cho hệ vi khuẩn đường ruột: Tăng cường ăn rau, trái cây; Ăn thực phẩm lên men như kim chi, dưa muối, sữa chua tiệt trùng; Bổ sung probiotic là các chế phẩm sinh học chứa các chủng vi khuẩn như Lactobacillus và Bifidobacterium có lợi cho đường ruột; Kiểm soát stress, ngủ đủ giấc ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.